MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sốc" với tỷ lệ tăng vốn khủng từ đầu năm đến nay

Chỉ trong nửa đầu năm 2014, không ít doanh nghiệp đã kịp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần so với đầu năm.

Một doanh nghiệp sau thời gian làm ăn có lãi, tích lũy đủ lớn thường sẽ nghĩ ngay đến việc tăng quy mô hoạt động, tăng năng lực hấp thụ vốn. Việc cần làm đầu tiên là tăng vốn điều lệ.

Quan sát tình hình tăng vốn trong 6 tháng đầu năm của hơn 700 doanh nghiệp, nhà đầu tư không khỏi bất ngờ với tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ khủng. Trong 6 tháng, có doanh nghiệp tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần vốn điều lệ cuối năm 2013.

Thế nhưng, bất ngờ ở chỗ, các doanh nghiệp tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ tăng thường ở mức thấp, do quy mô vốn đã rất khổng lồ của các doanh nghiệp nói trên. Có thể kể đến KBC của Kinh Bắc và ITA của Tân Tạo với mức tăng 1.000 tỷ đồng, là mức tăng vốn cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2014. Cả 2 doanh nghiệp này đều phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với mục đích cấn trừ công nợ. Tỷ lệ tăng vốn điều lệ ở KBC và ITA chỉ ở mức 33,8% và 16%.

Đầu tư F.I.T (FIT) có kết quả lãi ròng 67 tỷ đồng, vượt xa lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 (2,7 tỷ đồng), trong 6 tháng FIT đã kịp tăng vốn điều lệ lên 189 tỷ đồng, tương đương mức tăng 120%.

Vicem Hải Vân HVX lại chọn phương án phát hành thêm và bán cho đối tác với giá hời, cao hơn giá hiện hành của cổ phiếu HVX. "Đối tác" không phải ai xa lạ mà chính là công ty mẹ Vicem, vốn đã nổi tiếng trong việc mạnh tay "giúp" các công ty con tăng vốn.

Tuy nhiên, trong nhóm các doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, vẫn có doanh nghiệp lợi nhuận sút giảm, đó là SGHNET. Mặc dù lợi nhuận sụt giảm, SGH và NET đều đã trải qua thời gian tăng trưởng, lợi nhuận tích lũy và quỹ đầu tư phát triển vượt vốn điều lệ tại thời điểm cuối năm 2013. SGH và NET đều tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, thực tế là hạch toán lại các khoản mục trong phần vốn chủ sở hữu.

Một trường hợp khác là Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) với tình hình kinh doanh cực kỳ lạc quan, EPS luôn "neo" ở con số xung quanh 10.000 đồng/cổ phiếu, thị giá khủng (đóng cửa phiên giao dịch 15/9 đạt 140.500 đồng/cổ phiếu). Với nguồn quỹ đầu tư phát triển dồi dào, TCT đã chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1. Với mức giá tương đối cao, việc phát hành thêm bán ưu đãi cho cổ đông hiện hữu của TCT có thể không quá khó khăn nhưng công ty đã chọn phương án đơn giản và dễ dàng nhất để đạt mục tiêu tăng vốn điều lệ.

Việc tăng vốn của các doanh nghiệp không dừng lại sau 6 tháng đầu năm. Thị trường vẫn liên tục đón nhận thông tin tăng vốn của doanh nghiệp. Đáng chú ý PAN vừa lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 2:1 và phát hành không quá 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Tổng hợp các doanh nghiệp tăng vốn khủng 6 tháng đầu năm 2014 trên gấp đôi phải kể đến như: FIT, HVX, KHL, PAN, SGH, NET, TCT...

Thay lời kết

Tăng vốn điều lệ, tăng quy mô hoạt động suy cho cùng là một nhu cầu chính đáng của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, việc tăng vốn nên xuất phát từ kết quả kinh doanh bền vững và tích lũy đủ trong quá khứ. Với những doanh nghiệp tăng vốn như một biện pháp "chữa cháy" cho những vướng mắc trong hoạt động kinh doanh quá khứ hoặc hiện tại, hiệu quả tăng vốn cần được xem xét một cách thận trọng. Cổ đông được lợi gì qua các đợt tăng vốn, đó mới là điều quan trọng.

>> Top 20 doanh nghiệp vốn khủng: Lợi thế nhờ quy mô?

Hoàng Nguyên

thunm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên