MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sóng cổ phiếu ngân hàng liệu có nổi?

Gần đây cổ phiếu ngành ngân hàng với đầu tàu VCB đang nổi lên là tâm điểm thu hút dòng tiền và nâng đỡ thị trường.

Được mệnh danh là “cổ phiếu vua” một thời nhưng đã khá lâu rồi, cổ phiếu ngân hàng không nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư do những khó khăn của ngành trong quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên gần đây cổ phiếu ngành ngân hàng với đầu tàu VCB đang nổi lên là tâm điểm thu hút dòng tiền và nâng đỡ thị trường.

Tính từ ngày 26/12/2014 đến nay, một số cổ phiếu ngân hàng đã rục rịch giao dịch trong mức giá xanh. Trong đó, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tăng cao nhất dù mức tăng mới hơn 9%.

Trong những phiên đầu năm 2015 này, khối lượng giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng cũng tăng vọt. Ví dụ như MBB trong 2 phiên ngày 6/1 và 7/1 có khối lượng lần lượt là 2,8 triệu và 2,2 triệu cổ phiếu – tăng rất mạnh so với trung bình các phiên trước đó. Hay SHB cũng giao dịch trên dưới 5 triệu đơn vị trong 2 ngày này.

Mặc dù mức tăng này chưa đủ nói lên điều gì về một làn sóng tại nhóm này, nhưng đã khiến nhà đầu tư chú ý trở lại.

Kỳ vọng từ sự tăng trưởng lợi nhuận…?

Theo ông Hoàng Công Tuấn – chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty chứng khoán MB (MBS), có thể nhìn thấy một số điểm sáng ở các cổ phiếu ngành ngân hàng mà trước mắt là khả năng cải thiện lợi nhuận. Cơ sở cho điều này là các thị trường tài sản như bất động sản và chứng khoán đều đã đi lên, tạo điều kiện cho khối Ngân hàng giải quyết nợ xấu.

“Khi những tài sản đảm bảo cho các món nợ xấu có thanh khoản trở lại và thị giá tăng lên thì khả năng bán tài sản, giải quyết nợ xấu là hiện hữu và rõ ràng. Tức là khả năng cải thiện kết quả kinh doanh rất sáng sủa. Chính vì vậy, dòng tiền bắt đầu có dấu hiệu chuyển dịch vào nhóm này.” – ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, thông tin tích cực của một số ngân hàng cũng được công bố. Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank cho biết, theo báo cáo sơ bộ, chốt số liệu cuối năm 2014, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã giảm mạnh về mức dưới 2,3% từ mức hơn 3% tại cuối quý 2/2014. Đặc biệt, số dư quỹ dự phòng rủi ro đã gần tương đương với tổng số dư nợ xấu.

Một ngân hàng khác là Ngân hàng Quân Đội MB cũng vừa được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đặt xếp hạng “B” với triển vọng ổn định.

… Hay sóng sáp nhập?

Những trận sóng cổ phiếu ngân hàng được nhớ nhất trong lịch sử là sóng từ những thương vụ thâu tóm, sáp nhập.

Với Nghị quyết số 01 của Chính phủ, trong đó yêu cầu NHNN và các cơ quan, bộ ngành tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án mua lại, sáp nhập các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật, thì có thể dự đoán xu hướng M&A ngân hàng thời gian tới sẽ diễn ra một cách sôi động.

Ngay tại buổi họp ĐHCĐ bất thường diễn ra vào cuối năm 2014, Vietcombank đã thông qua chủ trương sáp nhập với một ngân hàng thương mại cổ phần khác. Thông tin “trôi nổi” trên thị trường về thương vụ này cũng không ít và ngân hàng sáp nhập chỉ gói gọn trong 1, 2 cái tên.

Những ngày đầu năm 2015, một nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đang tìm kiếm đối tác để sáp nhập vào ngân hàng này, bên Nam Á là đơn vị nhận sáp nhập. Trong số các đối tác Nam Á đang thương thảo có một ngân hàng có quy mô khá lớn trên thị trường.

Ngoài ra, từ năm trước, kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) và Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) cũng đã được PGBank công bố rồi rút lại, không biết năm nay liệu có diễn biến mới?

Nói chung, nhà đầu tư thích những cổ phiếu, những nhóm ngành có “câu chuyện” và hoạt động tạo lập thị trường cũng cần có những “câu chuyện”. Còn sóng ngân hàng có nổi lên hay không thì phải chờ xem, vì hiện tại theo các chuyên gia, thị trường vẫn đang ở trong tâm trạng nghi ngờ và tiền vào vẫn rón rén.

>> Nhận diện cơ hội thị trường 2015

>> Sắp có vụ sáp nhập ngân hàng đầu tiên trong năm 2015?

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên