MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao nhà đầu tư Hàn thích chứng khoán Việt?

Tuần qua, HOSE đã có buổi tiếp xúc với hàng trăm nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quang Thuận, Tổng giám đốc công ty StoxPlus, từ thành công trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước Việt – Hàn trong thời gian qua đã khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc ngày càng muốn tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam.

Sau khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (FTA) với Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, đang có những “làn sóng” đầu tư từ Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội “đổ” vào Việt Nam. Nếu trước đó, từ những năm 2007 phần lớn những dòng vốn vào Việt Nam khoảng 6,3 tỷ USD chủ yếu đến từ Nhật, Mỹ, Singapore, Hồng Kông, thì những năm gần đây người Hàn Quốc mới là nhân vật “đổ” vốn mạnh vào Việt Nam.

Nhà đầu tư Hàn Quốc không chỉ đầu tư bằng hình thức FDI, họ muốn đầu tư thông qua mua cổ phần (vốn gián tiếp - FII), trong đó những doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái vốn cũng như IPO của các doanh nghiệp tư nhân là những tiêu điểm họ lựa chọn.

Trong những năm qua, thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc tăng mạnh từ năm 2009 đến nay. Đặc biệt, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu Việt – Hàn đạt mức 36,5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc tới 27,6 tỷ USD, nhưng xuất khẩu chỉ đạt 8,9 tỷ USD. Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc tới 18,7 tỷ USD. Đạt mức kỷ lục trong 6 năm qua.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại là quốc gia có vốn FDI “đổ” vào Việt Nam lớn nhất năm 2015, chiếm tới 16% tổng vồn FDI đổ vào Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ chiếm 14% và Singapore chiếm 12%.

Trong 11 tháng đầu năm 2015, tổng nguồn vốn FDI doanh nghiệp Hàn Quốc đã “đổ” vào Việt Nam gần 6,4 tỷ USD, lĩnh vực mà Hàn Quốc đổ vốn nhiều nhất là công nghiệp và chế biến gần 5,8 tỷ USD, chiếm tới 90%. Đứng thứ hai là sản xuất và phân phối hàng điện tử khoảng 205 triệu USD. Đứng thứ ba là bán lẻ khoảng 97 triệu USD.

Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, những thương vụ M&A đến từ các doanh nghiệp Hàn Quốc có đến 22 thương vụ, tổng giá trị khoảng 555 triệu USD. Riêng trong năm 2015 có 6 thương vụ M&A, tổng giá trị 193 triệu USD. Lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm đến nhiều nhất, chiếm tới 37% tổng giá trị các thương vụ năm 2015. Vẫn còn nhỏ bé hơn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

Còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Hàn Quốc khi kế hoạch thoái vốn của các công ty Nhà nước từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong năm 2015 - 2016.

Theo bàTrần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE), mặc dù thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam là quy mô quá nhỏ chỉ chiếm 34,5 tỷ USD, trong khi đó các thị trường chứng khoán của Thái Lan, Singapore chiếm 100% GDP. Quy mô các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam chưa lớn, tỷ lệ chuyển nhượng thấp, tính thanh khoản thị trường chưa cao. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trần Anh Đào cho biết thêm, trong 03 năm gần đây các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên HOSE. Năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.000 tỷ đồng. Năm qua cũng đã có hơn 400 tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đã mở tài khoản tại Việt Nam.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán Việt khá tốt, cùng với việc giảm sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp “khủng” khiến năm 2016 là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường Việt Nam.

Theo Hoàng Anh

BizLIVE

Trở lên trên