MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thận trọng mua CP hủy niêm yết

Với phần lớn NĐT, thông tin doanh nghiệp mình đang nắm giữ CP bị hủy niêm yết là nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp, doanh nghiệp hủy niêm yết lại mang lại niềm vui cho NĐT.

CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triệu tập ĐHCĐ bất thường. Nội dung của cuộc họp bất thường lần này bàn về việc hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HOSE. Có thể nói việc hủy niêm yết tự nguyện không phải là nội dung mới đối với MPC, mà đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên của công ty hồi tháng 5-2013.

Tại thời điểm đó, MPC có ý định bán 30 triệu CP phát hành thêm cho CP Foods (Thái Lan). Tuy nhiên, kế hoạch hợp tác 2 bên đã không được tiến hành nên kế hoạch hủy niêm yết lắng xuống và MPC vẫn chưa phát hành thêm CP như kế hoạch. Mới đây, MPC lại “bén duyên” với đối tác ngoại khác là Mitsui & Co Private Limited (Nhật Bản).

Theo thỏa thuận, MPC sẽ chào bán 26,7 triệu CP (tương đương 30,77% vốn điều lệ) của công ty con là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang cho đối tác đến từ Nhật Bản.

Kế hoạch hủy niêm yết và nhu cầu huy động vốn mới chính là vấn đề mấu chốt của MPC hiện nay. MPC mong muốn huy động vốn góp từ các NĐTNN nhằm giảm chi phí lãi vay và giảm sự phụ thuộc vào vốn vay. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho rằng giá CP trên sàn không phản ánh hết giá trị thực của doanh nghiệp, giá trị nội tại của doanh nghiệp cao hơn nhiều so với thị giá hiện dưới 3.0 như hiện nay.

Trong khi đó, giá CP (một yếu tố tham khảo quan trọng cho giá phát hành CP mới cho đối tác ngoại) đã gây khó khăn cho việc phát hành CP mới nhằm huy động vốn. Dù MPC không công bố giá phát hành cho đối tác, nhưng theo thông tin trên thị trường, giá bán có thể đạt 60.000-80.000 đồng/CP.

Chính vì giá CP MPC thấp hơn nhiều so với mức giá bán cho đối tác ngoại là nguyên nhân chính khiến MPC tự nguyện hủy niêm yết. Đặc biệt, việc hủy niêm yết không làm ảnh hưởng tới quyền kiểm soát.

CTCP Đầu tư sản xuất và Thương mại Việt Nam (CTV) vừa công bố Nghị quyết HĐQT với một trong những nội dung quan trọng là thông qua kế hoạch hủy niêm yết trên sàn HNX. Thời gian thực hiện hủy niêm yết ngay trong quý IV năm nay.

Để bảo đảm quyền lợi cho cổ đông và NĐT, CTV sẽ mua lại CP của cổ đông nhỏ lẻ với nguồn vốn lấy từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu. Hiện giá CP CTV trên TTCK là 2.900 đồng/CP, nhưng theo thông tin trên thị trường, giá mua lại là 6.000 đồng/CP. Đây chính là lý do khiến NĐT đang nắm giữ CP CTV hết sức phấn khởi.

Cách đây không lâu, CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) đã có thông báo về việc thanh toán tiền đợt cuối cho cổ đông khi giải thể doanh nghiệp vào ngày 20-9-2013. Khoản tiền thanh toán đợt này là 755 đồng/CP, chốt lại mức trả 13.000 đồng/CP như những gì doanh nghiệp này cam kết khi thực hiện phá sản. Mức chi trả này đã giúp nhiều NĐT mua vào lãi lớn khi CSG ra quyết định giải thể và mua lại với giá dao động trong khoảng khoảng giá 0.8.

Trên thực tế, đã có không ít NĐT chuyên đi săn lùng thông tin về doanh nghiệp hủy niêm yết để đầu tư. Thế nhưng, hoạt động này vẫn có những rủi ro nhất định nếu thông tin thu nhận được chỉ là tin đồn và cũng có thể phương án hủy niêm yết không được cổ đông thông qua tại ĐHCĐ. Thậm chí, trong trường hợp các cổ đông thông qua kết hoạch hủy niêm yết, đây cũng chỉ là bước đi đầu tiên.

Để được UBCKNN và HOSE chấp thuận hủy niêm yết doanh nghiệp cần phải giải trình chi tiết và đưa ra cơ sở hợp lý cho việc hủy niêm yết. UBCKNN đã từng từ chối nhiều đề nghị hủy niêm yết tự nguyện của các doanh nghiệp do giải trình không hợp lý. Đặc biệt, sau khi được chấp thuận, quá trình hủy niêm yết cũng cần nhiều thời gian khiến NĐT bị chôn vốn trong thời gian dài.

Theo Hải Hồ

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên