Thành bại tại... thời điểm
Nói đến chuyện lập quỹ mới, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc huy động vốn (đầu vào) rồi tìm CP để đầu tư (đầu ra) là thách thức lớn nhất. Nhưng hiện nay xuất hiện khó khăn lớn hơn, đó là thời điểm đưa quỹ mới vào hoạt động.
Thí dụ, giai đoạn cuối quý I, đầu quý II-2014, khi TTCK có diễn biến tích cực, sóng CP nổi đều đặn, thanh khoản cao, một số quỹ được thành lập và đi vào hoạt động. Vào cuối tháng 4, giá CP điều chỉnh trong khoảng 10-20% sau đợt tăng mạnh, được xem như lý tưởng để mua vào. Khi đó, ngưỡng 550 điểm của VN Index được xem là đáy.
Tuy nhiên, thị trường đã có những phiên giảm rất mạnh trong nửa đầu tháng 5 và giá CP đi tiếp 10-20% nữa, VN Index chạm ngưỡng 510 điểm. Lúc này, quỹ nào đã giải ngân mạnh trong tháng 4 coi như phải mua đỉnh. Ở đây, khó lòng trách cứ nhà quản lý quỹ bởi biến cố nửa đầu tháng 5 của TTCK cực kỳ khó dự báo.
Đi sâu hơn nữa, sẽ thấy rằng việc huy động vốn cho các quỹ rất khó khăn. Một số quỹ đầu tư trước kia hoạt động không hiệu quả đã khiến NĐT mất niềm tin. Và niềm tin của NĐT dành cho quỹ, nếu có tăng trở lại cũng thường vào những lúc thị trường hoạt động hiệu quả nhất.
Theo đó, khi thấy TTCK hoạt động thuận lợi, NĐT không phải đắn đo quá nhiều khi quyết định mua chứng chỉ quỹ bằng một phần tiền của mình. Có thể họ chưa tin quỹ, nhưng cũng xem như bỏ tiền để… thử thời vận. Như vậy, giả sử đơn vị quản lý quỹ dự báo được thời điểm thị trường thuận lợi, khả năng dự báo NĐT sẽ bỏ vốn vào quỹ vẫn rất khó khăn, trừ trường hợp đó là tiền mồi (seed money) của những NĐT thân quen, tiền nội bộ.
Khi gọi được vốn, giả sử nhà quản lý quỹ cảm thấy thị trường đang có giá khá cao (không loại trừ khả năng tạo đỉnh) nên cũng không thể đứng ngoài. Bởi áp lực phải nhanh chóng sinh lời cho tài sản của NĐT và cả áp lực “thể hiện mình” quá lớn. Như mới đây, lãnh đạo một quỹ còn thuyết trình hoành tráng về cơ hội đầu tư, nên không có lý do gì có tiền lại đứng yên… nhìn.
Thực ra ngay cả việc dự báo thị trường trong giai đoạn tăng mạnh cũng rất thách thức, vì có thể đã cao, hôm sau cao hơn, nhưng cũng có khi lại là đỉnh. Từ những nguyên nhân này dẫn đến việc có quỹ vì lỡ mua phải giá cao trong tháng 4, sang tháng 5 giá giảm mạnh lại không bắt đúng đáy, hoặc không dám bắt đáy, đã khiến họ mất vài tháng để phục hồi danh mục và cuối cùng tài sản có thể tăng chậm hơn thị trường.
Hôm qua 3-12 chứng chỉ quỹ ETF “made in Vietnam” đầu tiên là E1VFVN30 (E1) đóng cửa tại mức giá 9.600 đồng/CCQ, tăng 100 đồng so với phiên trước, nhưng thanh khoản chỉ đạt hơn 10.000 CCQ. Chào sàn HOSE từ cách đây 2 tháng với giá hơn 10.000 đồng/CP, nhưng nhìn vào giá cũng như thanh khoản của VFMVN30 hiện nay có thể nói không như kỳ vọng ban đầu.
Cần phải khẳng định trong giai đoạn thành hình cho E1, các đơn vị quản lý quỹ đã có những hoạt động PR, quảng bá, phổ biến về sản phẩm rất bài bản và những thông tin cho thấy NĐT cũng kỳ vọng vào CCQ này. Nhưng một lần nữa vấn đề thời điểm khi E1 xuất hiện trên sàn, thị trường đã qua một đợt sóng mạnh hồi tháng 9. Lúc này E1 hấp dẫn nhưng cũng có một loạt CP khác hấp dẫn hơn.
Đặt trong bối cảnh TTCK có những diễn biến thất thường trong tháng 10 và 11, E1 cũng khó lòng tỏa sáng. Quay trở ngược vào nửa đầu năm nay, nhất là giai đoạn quý I, khi đó các quỹ ETF ngoại hoạt động rất mạnh trên TTCK Việt Nam, nhìn chung nói đến ETF là thấy “hot”. Giả sử E1 xuất hiện vào thời điểm này, có thể vị thế của CCQ này đã rất khác.
TTCK là thị trường của kỳ vọng và thường hành động của NĐT phải đi trước những khả năng có thể xảy ra. Nhưng các quỹ lại đang ở vào thế đi sau, hoặc đi một cách… rón rén. Chẳng hạn, chỉ khi nào TTCK thuận lợi mới dễ dàng lợi hơn trong việc gặp gỡ NĐT để gọi vốn. Nhưng đôi khi, mới tuần này nói chuyện với NĐT về các cơ hội, tuần sau thị trường lại giảm.
Tất nhiên về mặt dài hạn của thị trường vẫn tốt, niềm tin vẫn duy trì, nhưng ngay trước mắt chẳng ai muốn diễn biến không thuận lợi. Một thí dụ điển hình về việc quỹ thường đi sau hoặc chậm hơn thời điểm là việc thiết lập danh mục đầu tư theo VN30.
Trong một giai đoạn các CP của VN30 hoạt động tương đối hiệu quả, phát huy được giá trị của mình, một loạt quỹ đã quyết định lập danh mục mô phỏng theo rổ này. Tuy nhiên, cũng như CP có lúc tăng giảm, VN30 cũng phải có lúc thăng trầm. Điều này khiến có quỹ ban đầu lập danh mục mô phỏng theo VN30 nhưng mới đây đã xin mở rộng danh mục ra hơn nữa và chỉ lấy VN30 làm cơ sở.