MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản quỹ mở: Không chỉ có thuận lợi!

Một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho quỹ mở chính là tính thanh khoản cao của chứng chỉ quỹ.

Nhà đầu tư mua vào chứng chỉ quỹ, khi cần rút tiền về có thể bán lại chứng chỉ quỹ cho quỹ mở. Nhưng lợi thế thanh khoản nhiều khi cũng trở thành gánh nặng cho các nhà quản lý quỹ.

Hiện nay, phần lớn các quỹ mở đang phải giải quyết thách thức về vốn. Nhưng việc một số quỹ mở bắt đầu huy động được vốn từ mức trên 100 tỷ đồng, cũng đồng nghĩa với thách thức này dần được chinh phục, thì một nút thắt khác sẽ lại xuất hiện, liên quan đến thanh khoản của quỹ mở.

Vậy nên càng đa dạng càng khó dung hòa. Khi quy mô về vốn của quỹ mở tăng thêm, thì sự đa dạng trong các nhà đầu tư cũng tăng lên tương ứng. Mỗi nhóm nhà đầu tư sẽ có cách thức tiếp cận với quỹ mở khác nhau, nhu cầu về thanh khoản cũng khác nhau.

Từ tương quan thanh khoản - lợi nhuận

Hiểu một cách đơn giản, khi nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ mở, thì để đảm bảo thanh khoản, quỹ mở cũng đồng thời phải giải ngân vào những tài sản như cổ phiếu, trái phiếu… nhưng phải có tính thanh khoản cao. Nhưng giải ngân như thế nào lại không đơn giản. Cứ cho rằng nếu quỹ mở bỏ toàn bộ tiền vào tài sản có thanh khoản cao, thì vấn đề lại thường là những tài sản này cũng khó lòng tạo nên suất sinh lời hấp dẫn.

Dẫu biết rằng bỏ tiền vào quỹ mở thì đừng nên kỳ vọng những tỷ suất lợi nhuận đột phá, nhưng người quản lý quỹ trong vai trò của mình cũng sẽ phải tìm những biện pháp tạo nên lợi nhuận ở mức chấp nhận được. Trong khi đó, nếu giải ngân một phần vào tài khoản có thanh khoản vừa phải, nhưng cho suất sinh lời hấp dẫn hơn thì quỹ mở cũng gặp thách thức.

Chẳng hạn, khi có nhà đầu tư muốn rút tiền, quỹ mở sẽ phải bán ra loại tài sản nào, nếu bán ra tài sản có thanh khoản thấp, có thể ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán cho nhà đầu tư. Còn nếu bán tài sản có thanh khoản cao thì tài khoản còn lại có thanh khoản thấp lại ẩn chứa nhiều rủi ro.

Như vậy, sẽ có 2 giải pháp cân bằng là bán cùng lúc một phần trong 2 loại tài sản hoặc để lại một phần tiền mặt. Nhưng nếu bán cùng lúc 2 loại tài sản thì có thể ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý, vì mỗi loại tài sản có mục tiêu sinh lãi, độ rủi ro riêng biệt.

Trường hợp nếu quỹ đầu tư còn để lại một phần tiền mặt thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư, chịu áp lực phải sinh lãi nhiều hơn đối với phần vốn còn lại. Như vậy, các nhà quản lý quỹ sẽ phải căn cứ vào thực tế để chọn ra một giải pháp thích hợp nhất nhằm cân bằng thanh khoản và mục tiêu quản tý tài sản của mình, qua đó đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Đến những toan tính về phí giao dịch

Ngoài ra, một công cụ cũng được sử dụng triệt để chính là các loại phí. Thông thường khi mua vào chứng chỉ quỹ sẽ có phí phát hành, bán ra chứng chỉ quỹ thì có phí bán, rồi kèm thêm một số loại phí khác, nhìn chung là phí giao dịch. So với phí giao dịch của chứng khoán vào khoảng 0,1 - 0,2%/giá trị giao dịch, thì phí mua/bán chứng chỉ quỹ có thể lên đến 1 - 3%/giá trị giao dịch, tức là lớn gấp nhiều lần phí giao dịch chứng khoán.

Thông thường, các quỹ sẽ tập trung thu vào một loại phí, chẳng hạn nếu đã thu phí phát hành chứng chỉ quỹ thì đến khi nhà đầu tư bán ra sẽ không thu phí bán nữa, hoặc ngược lại, thu phí mua thấp, nhưng lại thu phí bán cao.

Điều này tất nhiên sẽ hạn chế được việc các nhà đầu tư lướt sóng, cứ góp vốn rồi lại rút về liên tục vào chứng chỉ quỹ mở. Tuy nhiên, điều nhà đầu tư băn khoăn là thu phí cao nhưng lợi nhuận của các quỹ mở đem lại sẽ như thế nào, thí dụ nếu lợi nhuận đem về được 10 - 12%/năm thì khi rút tiền về bị mất khoảng 1 - 1,2% phí giao dịch cũng có thể tạm chấp nhận được.

Nhưng nếu lợi nhuận chỉ 5 - 6% mà lại thu phí 1 - 2% cho mỗi lần mua bán chứng chỉ quỹ thì quả là rất đáng lo. Trên hết, ngoài chuyện tạo ra hàng rào về phí, các quỹ mở cần phải chứng minh được lợi nhuận của mình tốt, hiệu quả như thế nào, lúc đó tự khắc nhà đầu tư sẽ yên tâm, kỳ vọng để tiền cho các quỹ mở tìm cơ hội sinh lời.

Điều cần nhấn mạnh là quỹ mở hiện nay là xu hướng phát triển tại nhiều nước chứ không chỉ có tại Việt Nam. Cơ hội cho quỹ mở càng nhiều, thì thách thức tương ứng cũng sẽ lớn theo, muốn tận dụng cơ hội phải vượt qua được những thách thức đi kèm.

Theo Khiêm An

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên