MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh lọc Doanh nghiệp niêm yết

Tình trạng niêm yết mới ít hơn bị hủy niêm yết sẽ sớm chấm dứt và Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp niêm yết mới với nhiều kì vọng tích cực.

Trong giai đoạn 2008-2012, Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh, một phần do ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và tác động từ thị trường tài chính toàn cầu. Nhưng một trong những nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp niêm yết yếu kém không chống đỡ được với khó khăn, dẫn đến kết quả thua lỗ phá sản. Vì vậy nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết và thanh lọc dần những doanh nghiệp yếu kém trên sàn chứng khoán là công việc đang được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tích cực triển khai nhằm thực hiện thành công mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết cho thị trường chứng khoán, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam

Số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết ngày càng tăng lên

Năm 2010, số doanh nghiệp hủy niêmyết trên cả hai sàn chứng khoán (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ có 6, nhưng qua các năm con số này ngày một tăng lên. Năm 2012 có tới 23 doanh nghiệp hủy niêm yết, năm 2013 là 37 doanh nghiệp, và chỉ trong nửa đầu năm 2014 số doanh nghiệp hủy niêm yết đã lên tới con số 22. Một phần nguyên nhân được cho là số lượng doanh nghiệp rơi vào trường hợp phải hủy niêm yết ngày càng nhiều như không còn đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết, 3 năm liên tục không có lãi hay không có giao dịch trong vòng 12 tháng… Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc cũng gia tăng mạnh. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp niêm yết yếu kém còn vấp phải sự sàng lọc, đào thải mạnh mẽ của chính thị trường và nhà đầu tư .

Biện pháp mạnh tay của UBCKNN

Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán cũng như nhà đầu tư ngày càng quan tâm tới chất lượng cổ phiếu niêm yết hơn là số lượng. Bởi trong quá khứ đã xảy ra rất nhiều vụ việc nhà đầu tư mất trắng tiền do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. Chính vì vậy trong 3 năm trở lại đây, UBCKNN đã yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) nâng cao tiêu chuẩn niêm yết và siết chặt hơn quy định hủy niêm yết dẫn đến việc doanh nghiệp muốn lên sàn thì khó mà dời sàn thì dễ”.

Sàng lọc các doanh nghiệp lần đầu lên sàn, thông qua áp dụng các chuẩn niêm yết đã được nâng cao:

Ví dụ như doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn HOSE phải là Công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng (thay vì 80 tỷ đồng như trước đây) trở lên; Còn doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn HNX phải vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng (thay vì 10 tỷ đồng như trước) trở lên

Các nghĩa vụ công bố thông tin, nghĩa vụ với cổ đông cũng bị giám sát chặt hơn, xử phạt nặng hơn

Trong thời gian qua, UBCKNN đã chỉ đạo các Sở giao dịch chứng khoán giám sát thường xuyên tình hình thực hiện chế độ báo cáo và nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch; giao dịch cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, cổ đông nội bộ và người có liên quan. Đồng thời, giám sát nội dung công bố thông tin về tình hình quản trị công ty; Giám sát việc lập trang thông tin điện tử (website) và việc thực hiện công bố thông tin trên website; Thường xuyên nhắc nhở và đưa vào xử lý các hình thức vi phạm theo quy định nhằm cải thiện hoạt động công bố thông tin của các tổ chức niêm yết...

Theo Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và Thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2013, đã nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin. Các trường hợp công ty đại chúng không tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin có thể sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng; đối với các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, nhà đầu tư nội bộ và người có liên quan là tổ chức có thể bị phạt tiền đến 150 triệu đồng và nếu là cá nhân vi phạm thì có thể bị phạt tiền đến 75 triệu đồng.

Với những điều kiện niêm yết ngày càng khắt khe, quá trình thanh lọc diễn ra mãnh mẽ liệu có ảnh hưởng đến quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam?

Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả 2 sàn chứng khoán (HOSE và HNX) mới có 7 doanh nghiệp niêm yết nhưng có đến 22 doanh nghiệp hủy niêm yết, không chỉ vậy nếu nhìn vào con số 700 doanh nhiệp niêm yết năm 2011, nhưng đến nay chỉ còn 622 doanh nghiệp khiến nhiều người lo ngại quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị thu hẹp?

Nhưng câu trả lời là “Không”. Tình trạng này sẽ sớm chấm dứt và Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp niêm yết mới với nhiều kì vọng tích cực bởi: Theo nghị định 108 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán “sau 1 năm chào bán cổ phiếu ra công chúng doanh nghiệp phải đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường tập trung bất kể là UPCOM hay là niêm yết. Sắp tới thời gian này có thể sẽ được rút lại còn 3 tháng”. Nửa đầu năm 2014 đã có 31 doanh nghiệp Nhà nước tiến hành IPO – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, và sắp tới là hàng loạt doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp lớn, triển vọng tăng trưởng cao như Vinatex, Vietnam Arilines, Mobi Fone..., Nếu như các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định trên của UBCKNN thì cả 3 sàn chứng khoán (HOSE, HNX và UPCOM) sẽ không thiếu gì những cổ phiếu vừa mới lại vừa chất lượng… Hiện nay, vốn hóa Thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến 40 tỷ USD tương đương một số thị trường chứng khoán ở châu ÂU như Tiệp Khắc, Hungari và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy đó là lý do để chúng ta không phải lo lắng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị thu hẹp.

Lê Đình Hải

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên