MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì ở Tổng Công ty Viglacera trước thềm IPO?

Viglacera đang tái cấu trúc đúng lộ trình, và chuẩn bị IPO lần đầu dự kiến vào 20/2/2014 tới đây, gần 77 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần.

Hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản là Nhà ở xã hội, các khu công nghiệp, khu đô thị, …Viglacera có vốn điều lệ năm 2010 là 1.050 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ tăng lên 3.070 tỷ đồng và tổng tài sản khoảng 10.390 tỷ đồng. Tài sản chủ yếu của Viglacera là đất đai, hạ tầng cơ sở khu công nghiệp rộng lớn cùng hệ thống các Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng với công nghệ hiện đại và tiên tiến trên thế giới.

Sở hữu trên 1.200ha đất

Là Tổng công ty nhà nước hoạt động về lĩnh vực bất động sản, Viglacera hiện đang sở hữu rất nhiều dự án, và hiện đang quản lý đến hơn 1.200ha đất, trong đó, hơn 800ha là đất thuê và gần 390ha là đất nhà nước giao. Chưa kể đất do các công ty con của Viglacera đang quản lý và sử dụng.

Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2012, tốc độ tăng trưởng tài sản của Viglacera khá cao, bình quân khoảng 19%/năm, đặc biệt là bất động sản đầu tư tăng trưởng bình quân 11%/năm do việc mở rộng đầu tư mạnh sang lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản (hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và nhà ở)

Đất đai mà Viglacera sở hữu chủ yếu là đất KCN ở Bắc Ninh khoảng trên 730ha và Quảng Ninh khoảng trên 340ha, còn lại khoảng trên 100ha là đất các dự án khu đô thị, khu nhà ở tại Hà Nội…

Theo Quyết định số 619/QĐ-BXĐ ngày 25/06/2013 của Bộ Xây dựng về việc xác định giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty Viglacera để cổ phần hóa, giá trị thực tế của Tổng công ty Viglacera tại ngày 31/12/2011 là 9.364 tỷ đồng, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Viglacera là hơn 2.277 tỷ đồng.

Các dự án khu nhà ở và khu đô thị mà Viglacera hiện đang phát triển chủ yếu ở Hà Nội, giá trị quyền sử dụng đất của 10 dự án bất động sản này được định giá đến hết năm 2011 gần 1500 tỷ đồng, các dự án KCN ở Bắc Ninh khoảng trên 132 tỷ đồng. Máy móc thiết bị được định giá lại vào khoảng 254 tỷ đồng và phương tiện vận tải trị giá khoảng trên 14 tỷ đồng.

Điểm sáng kinh doanh hạ tầng KCN

Viglacera đã tham gia kinh doanh BĐS từ năm 1998, đã có nhiều dự án thành công như 671 Hoàng Hoa Thám, Xuân Phương, Đặng Xá, Số 1 Đại lộ Thăng Long,…Tuy nhiên, do gặp khó khăn chung của thị trường BĐS những năm gần nây, do vậy Viglacera vì thế cũng chịu ảnh hưởng.

Tuy vậy, Viglacera vẫn là một trong những đơn vị có hoạt động kinh doanh BĐS mạnh nhất trong năm qua, vẫn đảm bảo duy trì lợi nhuận ở mức ổn định. Doanh thu toàn Tổng công ty năm 2013 đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Đổi lại, lĩnh vực kinh doanh hạ tầng KCN của đơn vị này lại đạt hiệu quả cao trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, doanh thu tăng gấp 4 lần trong 3 năm qua, đạt khoảng 600 tỷ đồng 2012, vì thế tỷ trọng lĩnh vực này tăng từ 4% lên 22%.

Vật liệu xây dựng trong nước và thế giới suy giảm mạnh nhưng tỷ trọng doanh thu của lĩnh vực kính vẫn khá ổn định, đóng góp bình quân 22% tổng doanh thu của Tổng công ty qua các năm. Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh sen vòi khoảng 3-4% tổng doanh thu, doanh thu tài chính chủ yếu từ  lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận các công ty con,…

Kế hoạch kinh doanh của Viglacera giai đoạn 2013-2018 (nguồn: viglacera)

Tái cấu trúc đúng lộ trình

Theo chiến lược kinh doanh nhà ở mà Viglacera định ra trong những năm tới sẽ giảm dần các dự án thương mại để thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở xã hội. Hiện Viglacera đang triển khai khá thành công các dự án nhà ở xã hội như Đặng Xá 1, Đặng Xá 2 và Tây Mỗ cung cấp khoảng gần 3000 căn hộ.

Bên cạnh đó, với triết lý kinh doanh “kiên định với ngành nghề cốt lõi”, Viglacera đang tái cơ cấu theo chiều sâu là đầu tư mạnh vào 2 lĩnh vực chính là sản xuất VLXD và đầu tư xây dựng kinh doanh Bất động sản, trong đó kinh doanh hạ tầng KCN là mũi nhọn của Viglacera.

Với chủ trương trên, thời gian tới đơn vị này sẽ thoái tồn bộ vốn ở nhiều công ty như Giấy Tây Đô, Thủy Tinh Gò Vấp, công ty nguyên liệu Viglacera; Giảm tỷ lệ nắm giữ từ 77% còn 51% ở Tư vấn Viglacera, từ 91% xuống 51% ở Viglacera Việt Trì, từ 60% xuống 51% ở Viglacera Thanh Trì,…nhưng lại tăng vốn đầu tư vào các công  ty về kính, sứ, gạch ốp lát,…

Cùng với việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của mình, Viglacera đẩy mạnh sang hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản. Theo kế hoạch từ 2013 -2018, Viglacera sẽ đầu tư khoảng trên 6600 tỷ đồng cho 23 danh mục đầu tư.

Trong đó, đáng chú ý là các dự án khu đô thị mới được đầu tư mạnh như Đặng Xá giai đoạn 2 là 2587 tỷ, giai đoạn 1 là 683 tỷ tổng, 671 Hoàng Hoa Thám giai đoạn 3 là 600 tỷ, Xuân Phương hơn 1500 tỷ….

Mộ số KCN sẽ được Viglacera quan tâm mở rộng đầu tư như KCN Yên Phong, Nam Sơn –Hạp Lĩnh, Hải Yên, Đông Mai…

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên