MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán: Khi cuộc chơi không còn vui

Không ít doanh nghiệp đã quyết định rời bỏ cuộc chơi trên TTCK mà không cần thị trường "đá" ra ngoài. Đằng sau những quyết định này là bóng hình của các cổ đông chiến lược.

Về mặt nguyên tắc, thị trường chứng khoán là nơi doanh nghiệp có thể rộng rãi huy động vốn. Nói gì thì nói, huy động vốn trên một diện rộng thông thường sẽ dễ hơn trong một khu vực nhỏ hẹp. Tuy nhiên, cuộc chơi với thị trường chứng khoán không thể nào vui mãi. Không ít doanh nghiệp đã quyết định rời bỏ cuộc chơi mà không cần thị trường "đá" ra ngoài.

MPC và câu chuyện cổ đông chiến lược

Bắt đầu lên sàn từ khá sớm, năm 2007, MPC đã trải qua khá nhiều thăng trầm cùng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đã có lúc, thị giá của MPC lên trên 6x. Hiện tại, sau khi kế hoạch hủy niêm yết được thông qua, thị giá của MPC chỉ ở mức dưới 3x.



Từ khi lên sàn, MPC không một lần tăng vốn điều lệ.

Gần đây, khi nhen nhóm ý định phát hành thêm 30 triệu cổ phiếu và bán cho cổ đông chiến lược, lập tức MPC "có vấn đề". Trên danh nghĩa "vua tôm", MPC đã thương lượng bán cổ phần phát hành thêm (và gần 11% cổ phần hiện hữu) cho cổ đông chiến lược với giá trên 50.000 đồng. Đã lâu lắm rồi, thị giá của MPC không đạt được mức đó!

Để thuận tiện hơn cho việc phát hành thêm và bán cổ phần với mức giá cao, MPC đã thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện.

Tại ĐHCĐ thường niên 2013 của công ty này, đại diện MPC cũng đồng thời cho các cổ đông biết, việc phải chấp hành các quy định về công bố thông tin đã không ít lần khiến công ty căng thẳng. Cuối năm 2012, MPC đã bị cảnh cáo trên toàn thị trường vì vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Như vậy là, việc niêm yết hiện nay không những không giúp MPC huy động vốn (nếu không muốn nói là cản trở), lại khiến công ty này bị ràng buộc bởi các quy định của Sở giao dịch, của Ủy ban chứng khoán....

Alphanam và chuyện tái cơ cấu

Lựa chọn hủy niêm yết, ông chủ Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho biết công ty đành "mang tiếng" không minh bạch, chứ nhất định không mất thêm tiền nữa. Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho biết trong thời gian đang niêm yết, có nhiều đối tác đã tìm đến ALP và đặt vấn đề mua cổ phần của công ty này. Tuy nhiên, thời gian làm thủ tục kéo dài, diễn biến thị trường phức tạp khiến công ty bị vụt mất các cơ hội làm ăn. 

Trong khuôn khổ ĐHCĐ, ông Hải cho biết trước niêm yết, cổ tức dành cho các cổ đông ALP không phải là nhỏ, không dưới 25%. Cổ tức cao chỉ là "kỷ niệm đẹp" khi ALP đứng trước sức ép tăng trưởng nóng.

Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh chính của ALP là đầu tư tài chính. Lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này hầu như không nằm trong chiến lược của ALP khi vừa lên sàn (năm 2007). Trong ngắn hạn, ông Hải cho biết kết quả kinh doanh của ALP chưa có lãi được. Quý 1/2013, ALP đã lỗ ròng 24,6 tỷ đồng. 

Để có thể tự chủ hơn trong việc tái cơ cấu, ít ảnh hưởng bởi "lời ong tiếng ve" khi thông tin được công bố rộng rãi trên thị trường, đồng thời giúp cổ đông có thể sống bằng cổ tức, ĐHCĐ Alphanam đã nhất trí thông qua kế hoạch hủy niêm yết. 

Câu chuyện quyền lợi của cổ đông nhỏ

 Trong các cuộc chia tay tự nguyện này, cổ đông nhỏ lẻ là đối tượng cần được bảo vệ quyền lợi hơn cả. Còn nhớ cách đây gần 1 năm, MKP quyết định rời sàn, mặc dù kết quả kinh doanh vẫn đang còn khả quan. Trước đó, ý định mua lại tối đa 30% cổ phiếu quỹ của công ty này đã thất bại khi chỉ có duy nhất 1 cổ đông đồng ý bán. 

Gần đây, MKP bất ngờ thông báo chi trả cổ tức đợt 2 năm 2012 bằng tiền mặt 20%. Như vậy những cổ đông kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu MKP sau khi hủy niêm yết đã đến lúc hái được quả ngọt.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, cổ đông nhỏ lẻ đều chưa được quan tâm đúng mực.

Đơn cử trường hợp của MPC. Hủy niêm yết, cổ đông nhỏ lẻ được gì? Họ được công ty cam kết mua lại cổ phiếu bằng thị giá. Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà Ban điều hành MPC đàm phán được với đối tác nước ngoài. Oái oăm ở chỗ, đối tác CPFoods lại chỉ đồng ý mua lại cổ phần MPC từ chính tay của Ban điều hành công ty, cụ thể là vợ chồng ông Tổng Giám đốc Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình (Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT) nhằm nắm giữ cổ phần đa số, có quyền quyết định và phủ quyết hầu hết các vấn đề ĐHCĐ đưa ra. 

Nắm giữ cổ phiếu của MPC để chờ 1 ngày hái quả ngọt như các cổ đông MKP đã làm, hay bán lại với mức giá chưa tới 3x là một quyết định không hề dễ dàng. 

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp muốn rời sàn

Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình của việc hủy niêm yết tự nguyện. Gần đây, một số công ty khác cũng muốn rời sàn với nhiều lý do khác nhau. Có thể kể đến HPR, AGD, GFC... VHG cũng bỏ ngỏ khả năng hủy niêm yết nếu công ty này thất bại trong việc tái cơ cấu. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên