MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường chứng khoán: Những cải cách đột phá

Việc tăng độ mở của thị trường thông qua việc mở “room” là động lực quan trọng để đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường

Thực tế trong năm 2015, TTCK Việt Nam đã tiến hành nhiều giải pháp đột phá, trong đó đáng chú ý là việc tăng độ mở của thị trường thông qua việc mở “room” là động lực quan trọng để đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/9/2015, đã cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO. Đây được đánh giá là cải cách đột phá và được các nhà đầu tư chờ đợi nhất trong năm qua.

Ngày 1/1/2016, UBCKNN chính thức triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán trong giao dịch chứng khoán từ T+3 xuống T+2 và các biện pháp kỹ thuật khác nhằm thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp, đã tạo dấu ấn tốt hơn cho TTCK Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc bắt buộc tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà chưa niêm yết trên Sở GDCK phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM là một quy định rất mới, sẽ giúp tăng lượng hàng hóa cho thị trường và hỗ trợ cổ phần hóa.

Tính đến thời điểm 31/12/2015, có 256 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với số lượng đạt hơn 5 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị đăng ký giao dịch 50.485 tỷ đồng.

Đánh giá về thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu năm 2016, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà nói: “Hoạt động huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước đã cơ bản hoàn thành”, kỳ hạn bình quân trái phiếu huy động tăng lên hai năm so với năm 2014, mặt bằng chung lãi suất huy động giảm từ 6,54% năm 2014 xuống 6,23% năm 2015, cơ cấu nhà đầu tư có cải thiện khi các quỹ bảo hiểm, đầu tư tham gia tích cực hơn vào thị trường, thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 3.656 tỷ đồng/phiên.

Ông Trần Xuân Hà cho rằng, kết quả đạt được trong năm qua một mặt do cơ chế chính sách đã được hoàn thiện. Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư mới hướng dẫn về phát hành TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu CQĐP; phải kể đến vai trò của các đơn vị vận hành thị trường đã hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian từ phát hành lên niêm yết, giao dịch và đặc biệt là sự nỗ lực tham gia của tất cả các thành viên thị trường TPCP ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang quyết tâm xây dựng hệ thống các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ hưu trí bổ sung, thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống cấp mã số online cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN);cho phép NĐTNN được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu (bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp). Đồng thời, các bộ ngành liên quan hiện nay đang hoàn tất thông tư và các quy định, quy chế hướng dẫn nhằm sớm đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào vận hành với hai sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số và hợp đồng tương lai trái phiếu trong năm 2016 - 2017.

Thị trường chứng khoán phái sinh là thị trường tài chính bậc cao, nơi sẽ niêm yết và giao dịch các sản phẩm tương lai có mục đích phòng ngừa rủi ro cho các tài sản cơ sở. Việc đưa TTCK phái sinh vào vận hành trong thời gian tới sẽ giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán cơ sở phát triển, có tác dụng hỗ trợ ngược lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu. Về lâu dài, các sản phẩm chứng khoán phái sinh không chỉ giúp bảo vệ lợi nhuận của nhà đầu tư trên TTCK mà còn giúp phòng ngừa rủi ro đối với các sản phẩm khác như hàng hóa, lãi suất như thông lệ của các nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, Vụ quản lý quỹ cho biết, đến cuối năm 2015, với sự xuất hiện của quỹ đầu tư bất động sản (REIT), TTCK Việt Nam gần như đã có đủ quỹ đầu tư hiện đại theo thông lệ quốc tế và được kỳ vọng là một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư. Các quỹ mới cũng được giảm sát chặt bởi hệ thống ngân hàng, nên có thể bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, UBCKNN tiếp tục tiến hành tái cơ cấu các công ty chứng khoán, trong đó đã xử lý được 21 công ty chứng khoán theo các hình thức giải thể, sáp nhập, đồng thời áp dụng các quy định mới tăng cường năng lực cho các công ty khác. Tính đến giữa năm 2015, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đã tăng 4.789 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2011, tình hình tài chính đã được cải thiện, lành mạnh và minh bạch hơn.

Nhận diện những tồn tại

Tuy nhiên, Chủ tịch UBCKNN cũng chỉ ra những mặt tồn tại trong năm 2015, đó là TTCK Việt Nam đã bị tác động trong một số giai đoạn. Trở lại thời điểm tháng 8/2015, khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng NDT và giá dầu sụt giảm sâu. TTCK Việt Nam đã giảm tới 15%, đây là đợt sụt giảm lớn nhất của TTCK. Ông Vũ Bằng nói: “Yếu tố tâm lý và tin đồn thời gian gần đây vẫn chiếm lĩnh thị trường là không tốt”.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc cơ sở hàng hóa vẫn đang được triển khai, công tác cổ phần hóa đang được đẩy mạnh, tuy nhiên việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại DNNN lớn còn chậm nên chưa dẫn đến thay đổi về chất trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Ông Vũ Bằng thêm: “Vấn đề quản trị trong các doanh nghiệp này chưa thực sự cải thiện nên dẫn đến chất lượng đầu vào còn hạn chế”.

Ông Vũ Bằng cũng cho biết, vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã được đưa vào Nghị định 60 nhưng còn có nhiều vướng mắc với luật đầu tư nước ngoài. Trong khi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa rõ ràng nên triển khai còn khó khăn.

Cơ hội vẫn là căn bản

Kinh tế thế giới năm 2016 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, chậm phục hồi, song TCK Việt Nam vẫn sẽ có những yếu tố hỗ trợ tích cực như nhiều hiệp định thương mại đầu tư đi vào thực thi, môi trường đầu tư có nhiều cải cách, các chính sách vĩ mô được ban hành khá đầy đủ.

Đặc biệt là kinh tế vĩ mô trong nước được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và có mức phục hồi cao hơn trong năm 2016. Minh chứng là Ngân hàng ADB đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6,6% cho năm 2016. Trong khi khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, chỉ số cạnh tranh quốc gia (GCI) của Việt Nam đạt 4,3 điểm, xếp ở vị trí 56/140 và là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất tại Đông Nam Á. Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2015 tăng ba bậc so với xếp hạng năm trước, ở vị trí thứ 93 và năm 2016 được xếp ở vị trí 90, tăng ba bậc.

Thừa nhận TTCK Việt Nam sẽ chịu tác động, ảnh hưởng trước dự báo kinh tế toàn cầu năm 2016 tăng trưởng chậm lại, thị trường tài chính toàn cầu còn nhiều bất ổn, đặc biệt sự đi xuống của kinh tế và TTCK Trung Quốc, nhưng Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng vẫn lạc quan: “Mặc dù năm 2016 sẽ có những khó khăn nhưng cơ hội vẫn là căn bản. Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao triển vọng kinh tế và TTCK Việt Nam trong năm 2016”.

Theo Nhân Trí

VOV

Trở lên trên