MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường đã hồi phục sớm đến vậy?

Theo ông Nguyễn Xuân Bình (BVSC), nếu mua giá đóng cửa ngày hôm nay và đến T+3 thì khả năng thua lỗ theo đánh giá có phần chủ quan là 40%, trong khi 60% các mã vẫn có lãi.

20/05, một phiên tăng điểm rất hưng phấn của thị trường khi VN-Index đã vượt qua những mốc hỗ trợ dự báo của nhiều công ty chứng khoán như 540 – 545 mà vọt lên trên 550 điểm. Sắc tím trải rộng trên nhiều mã. Liệu thị trường đã hồi phục sớm đến vậy?

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Khối Phân tích & Tư vấn đầu tư Trụ sở chính của CTCK Bảo Việt.

Thưa ông, phiên ngày 20/05 chứng khiến mức tăng hơn 13 điểm của VN-Index với thanh khoản tăng mạnh trên cả 2 sàn. Liệu dòng tiền đã quay lại?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Tôi cho rằng tất nhiên phải có sự quay trở lại của dòng tiền thì thị trường mới có thể tăng điểm tích cực cùng với tín hiệu tăng đột biến của thanh khoản như trong 2 phiên vừa qua. Dòng tiền của các NĐT trong nước đang quay trở lại, được thể hiện khá rõ qua hiện tượng bật tăng nóng của nhóm các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, vừa trải qua một nhịp giảm sâu.

Tuy nhiên, dòng tiền ở đây theo quan sát của tôi mới chỉ hàm ý những tín hiệu tích cực trong ngắn hạn chứ chưa đủ đảm bảo cho một xu hướng hồi phục bền vững trong trung hạn. Nói cách khác, sau một giai đoạn điều chỉnh sâu và kéo dài, thị trường đang có nhiều cơ hội quay lại xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn nhưng nó chưa đủ để xác nhận đã chính thức hình thành đáy trung hạn.

Vậy còn dòng tiền của khối ngoại?

Dòng tiền ngoại xuất phát từ 2 đối tượng: một là các quỹ ETFs và hai là nhóm các quỹ đầu tư giá trị. Nhìn chung nhóm NĐT giá trị trong suốt giai đoạn vừa qua vẫn giải ngân khá đều đặn và ổn định, nhưng các quỹ ETFs thì chưa định hình xu hướng rõ ràng.

Chiến lược giải ngân của các NĐT nước ngoài theo trường phái đầu tư giá trị mang tính chọn lọc và tùy theo vùng giá của cổ phiếu. Nhìn chung từ đầu năm cho đến nay và ngay cả trong vòng 1 tháng trở lại đây, tôi thấy dòng tiền này duy trì khá ổn định còn việc bán ròng một vài phiên cũng có nhưng với giá trị thấp hơn nhiều và chủ yếu mang tính tái cơ cấu danh mục. Có thể nói là mặt bằng giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam, với mức P/E hiện tại chỉ khoảng hơn 11 lần, vẫn đang có sự hấp dẫn nhất định đối với khối ngoại.

Ông có nói thị trường chưa đủ điều kiện để xác nhận 1 tín hiệu tăng trong trung hạn. Vậy điều kiện gì là đủ, thưa ông?

Về kỹ thuật, sau khi phá vỡ các vùng đáy trung hạn của VN30 và HNXIndex, cùng với tín hiệu "bear- trap" trong phiên đầu tuần thì các chỉ số đã có đủ điều kiện cần để thiết lập xu hướng tăng trung hạn trở lại. Tuy nhiên, chỉ với 2 phiên hồi phục vừa qua thì chưa được coi là điều kiện đủ để xác nhận đáy trung hạn. Để xác nhận điều này, các chỉ số phải tiếp tục vượt qua các ngưỡng cản trong ngắn hạn và điểm then chốt, còn tùy vào khung thời gian, nhưng hiện tôi đang tạm xác định tại vùng 575 – 580 điểm của Vnindex. Đây cũng đang được lấy làm vùng chốt lời theo "kỳ vọng" cho các hoạt động trading ngắn hạn trong đợt hồi phục này.

Bên cạnh đó, về mặt thông tin cơ bản, thị trường cần có một "lý do" đủ mạnh để xác lập lại xu hướng tăng trung hạn. Hiện NĐT đang khá kỳ vọng vào các thông tin hỗ trợ như việc thông qua Nghị Định 58, đặc biệt là những nội dung về mở room cho NĐT nước ngoài, hay những bước đi cụ thể hơn trong lộ trình ký kết TPP...

Có ý kiến cho rằng việc tăng đồng loạt của hầu hết các nhóm ngành, và đáng nói là tăng trần tại rất nhiều cổ phiếu thể hiện sự nóng vội hay hưng phấn quá mức của nhà đầu tư. Ông nghĩ sao?

Tôi cho rằng điều này là đúng,  nhưng chỉ đúng trong ngắn hạn và mang ý nghĩa theo phiên. Thông thường sau 1 nhịp giảm điểm sâu, đặc biệt là đối với nhóm đầu cơ trong giai đoạn lao dốc vừa qua, khi thị trường cho tín hiệu hồi phục, sẽ cuốn theo đà mua lại của các NĐT sau khi đã lỡ bán thấp, bao gồm cả các hoạt động chủ động bán xuống trước đó. Tôi cho rằng nó mang tính tâm lý và kết hợp hiệu ứng về mặt kỹ thuật khiến giá cổ phiếu bật tăng trở lại khá nóng.

Điều này cũng cho thấy khả năng đà hồi phục có thể sẽ sớm chững lại trong 1 – 2 phiên tới khi thiếu hụt nguồn tiền ngắn hạn, sau khi đã đẩy mạnh mua lên giá cao trong 2 phiên vừa qua, và tâm lý NĐT mất đi trạng thái hưng phấn. Tuy nhiên, sau nhịp chùng 1 -2 phiên, thị trường hoàn toàn có thể tìm lại điểm cân bằng và tiếp tục duy trì đà hồi phục ngắn hạn. Tóm lại, tôi đồng ý rằng sự thái quá có xuất hiện theo phiên nhưng nó không tiêu cực. Tại các vùng đáy ngắn hạn thường xuất hiện những phiên như vậy và đây không phải điều quá bất ngờ.

Theo ông, mua hôm nay có rủi ro không?

Tôi cho rằng mua hôm nay thì trung bình giá vốn sẽ không thực sự hiệu quả chứ rủi ro thua lỗ cũng không lớn. Cụ thể hơn, nếu mua giá đóng cửa ngày hôm nay thì đến T+3, khả năng thua lỗ theo đánh giá có phần chủ quan là 40%, trong khi 60% các mã vẫn có lãi.

Trên thực tế, NĐT đã có và sẽ còn cơ hội mua ở vùng giá hợp lý hơn. Một là chủ động mua trong những phiên trước, chúng tôi cũng đã khuyến nghị mua trải lệnh trong những phiên trước; Hai là, sau 1 nhịp tăng, thị trường nhiều khả năng sẽ chùng xuống và NĐT có thể mua ở vùng giá tốt hơn.

Hôm nay cũng là ngày khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Theo thống kê, thường thì thị trường giảm điểm vào các kỳ họp Quốc hội nhưng kỳ này có vẻ ngược lại. Ông có cho rằng có mối liên hệ nào không?

Tôi nghĩ là có mối quan hệ giữa các kỳ họp Quốc hội với diễn biếnthị trường. Nhưng đây chỉ được xem là một trong khá nhiều các chất xúc tác, còn ảnh hưởng nhiều hay không lại tùy thuộc vào mức độ quan trọng hay sự kỳ vọng của NĐT vào yếu tố đột biến trong từng kỳ họp. Đặt trong bối cảnh năm nay là vĩ mô khá ổn định và đa số diễn biến của nền kinh tế đều nằm trong dự đoán của NĐT nên tôi cho rằng không có nhiều thông tin đột biến trong kỳ họp này có tác động đến thị trường.

Đánh giá trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng các yếu tố chi phối chính bao gồm các yếu tố khách quan như khả năng ký kết TPP, diễn biến giá dầu, diễn biến Biển Đông; còn yếu tố chủ quan là khả năng mở room ngoại.

Theo quan điểm cá nhân của ông, ông ấn tượng dòng cổ phiếu nào trong thời gian gần đây, và trong phiên hôm nay?

Thời gian gần đây, tôi ấn tượng 2 dòng là cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu ngành ô tô. Còn trong 1 – 2 phiên gần đây dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã giảm mạnh và mang tính thị trường cao như chứng khoán, bất động sản.

Mặc dù có nhiều NĐT cho rằng dòng ngân hàng không còn hấp dẫn do không có nhiều đột biến và đa số đã nằm trong kỳ vọng của NĐT nhưng nếu nhìn dài ra thì tôi cho rằng câu chuyện của ngành Ngân hàng sẽ không dừng lại ở đây. NĐT trong nước đã quá tập trung vào các yếu tố ngắn hạn mà quên đi những tín hiệu chuyển biến mang tính dài hạn. Ngành Ngân hàng trên thực tế đã dần vượt qua giai đoạn khó khăn và đang quay lại chu kỳ phục hồi. Đây cũng có thể là "bức tranh rộng" mà khối ngoại đã nhìn nhận và giải ngân mạnh vào nhóm này trong suốt giai đoạn vừa qua.

Còn nhóm ô tô được hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Một là sự phục hồi của sức cầu nền kinh tế kể cả phân khúc xe du lịch lẫn ô tô tải. Thứ 2 là tiềm năng tăng trưởng của nhu cầu tiêu dùng nội địa, của hộ gia đình. Thứ 3 là kỳ vọng về giảm thuế theo lộ trình gia nhập các FTA, tạo kỳ vọng về giá ô tô giảm sẽ kích thích cầu tiêu dùng và tăng doanh số. Tuy nhiên yếu tố thứ 3 đang gặp khó khăn nếu phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt được thông qua. Trong phiên hôm nay nhóm này chùng xuống có thể vì yếu tố đó.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Bảo Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên