MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường sẽ hết “bội thực” công ty chứng khoán

Nhiều quy định nghiêm ngặt hơn sẽ được Bộ Tài chính đưa vào "Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động CTCK" đang trong quá trình gấp rút soạn thảo.

Song song với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đang gấp rút soạn thảo hướng dẫn về tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán - CTCK - (thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC) nhằm thắt chặt việt thành lập CTCK đồng thời nâng chất lượng hoạt động của định chế tài chính này.

Theo Dự thảo hướng dẫn về tổ chức và hoạt động CTCK đang được Bộ Tài chính xây dựng thì để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, CTCK bắt buộc phải có trụ sở làm việc bảo đảm quyền sử dụng tối thiểu một năm, trong đó diện tích làm sàn giao dịch phục vụ nhà đầu tư tối thiểu 150 m2; có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh; có hệ thống an ninh, bảo vệ an toàn trụ sở làm việc...

Theo quy định mới thì vốn pháp định của CTCK (áp dụng đối với cả chi nhánh CTCK nước ngoài tại Việt Nam) không có sự thay đổi so với quy định hiện hành, tuy nhiên, điều kiện góp vốn sẽ được quy định rất chặt chẽ.

Cụ thể, nếu chỉ thực hiện nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán, CTCK chỉ cần vốn pháp định 35 tỷ đồng (môi giới là 25 tỷ đồng và tư vấn đầu tư là 10 tỷ đồng). Tuy nhiên, nếu thực hiện thêm nghiệp vụ tự doanh, CTCK phải bảo đảm mức vốn pháp định thêm 100 tỷ đồng nữa. Và nếu thực hiện cả 4 nghiệp vụ, CTCK phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng (trong đó nghiệp vụ bảo lãnh phát hành có mức vốn pháp định 165 tỷ đồng).

Cũng theo Dự thảo, CTCK thành lập theo hình thức cổ phần hoặc TNHH từ 2 thành viên trở lên phải có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là tổ chức, trong đó phải có ít nhất 1 tổ chức là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm. Các cổ đông sáng lập là tổ chức tối thiểu phải nắm giữ 65% vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo biểm tối thiểu phải đạt 30% vốn điều lệ của CTCK.

CTCK thành lập theo hình thức công ty TNHH 1 thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm.

Cá nhân là cổ đông sáng lập chỉ được phép sử dụng vốn của mình để góp vốn, không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn thành lập CTCK. Ngoài ra, cá nhân tham gia góp vốn phải chứng minh khả năng góp vốn bằng tiền, chứng khoán, hoặc các tài sản khác.

Pháp nhân chỉ được phép góp vốn thành lập CTCK khi đã có thời gian hoạt động tối thiểu là 5 năm; nguồn vốn góp phải được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận và không được sử dụng vốn ủy thác của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

Công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tham gia góp vốn thành lập CTCK phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn vốn và các điều kiện tài chính khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp ban đầu của mình trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác, trong đó, ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm phải luôn đảm bảo nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ CTCK.

CTCK cổ phần được mua lại không quá 10% số cổ phần phổ thông đã bán làm cổ phiếu quỹ; khoảng cách giữa lần mua và lần bán cổ phiếu quỹ gần nhất không dưới 6 tháng, trừ trường hợp phân phối cho người lao động trong công ty hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng nhưng phải đảm bảo có nguồn thanh toán từ quỹ phúc lợi, khen thưởng. CTCK chỉ được dùng nguồn lợi nhuận để lại, thặng dư vốn và các nguồn khác để mua cổ phiếu quỹ.

Bộ Tài chính nghiêm cấm CTCK mua cổ phiếu quỹ nếu đang kinh doanh thua lỗ hoặc đang có nợ quá hạn; đang trong quá trình chào bán cổ phiếu để huy động thêm vốn; đang thực hiện tách gộp cổ phiếu; cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai.

Bộ Tài chính cũng nghiêm cấm CTCK đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty có sở hữu trên 50% vốn điều lệ của CTCK; cùng với người có liên quan đầu tư từ 5% trở lên vốn điều lệ của CTCK khác; đầu tư từ 20% trở lên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức niêm yết; đầu tư từ 15% trở lên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một tổ chức không niêm yết; đầu tư hoặc góp vốn từ 15% trở lên tổng số vốn góp của một công ty TNHH. Ngoài ra, CTCK cũng không được sử dụng quá 20% tổng tài sản để đầu tư, mua cổ phần hoặc tham gia góp vốn vào một tổ chức khác.

So với các quy định hiện hành, điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động CTCK được nâng lên khá cao, tuy nhiên, theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, việc nâng điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động đối với định chế tài chính trung gian này là cần thiết.

“Các điều kiện thành lập CTCK hiện nay quá dễ dàng khiến thị trường “bội thực” CTCK. Hệ quả là trong số 105 CTCK đang hoạt động hiện nay, đa phần là kinh doanh không hiệu quả. Cần phải có những quy định chặt chẽ nhằm hạn chế bớt việc thành lập CTCK cho phù hợp với tình hình thị trường chứng khoán hiện nay. Nếu có quá nhiều CTCK thực hiện nghiệp vụ cung cấp thông tin, tư vấn cho nhà đầu tư, trong điều kiện có quá nhiều công ty sẽ dẫn đến cạnh tranh không bình thường, không lành mạnh gây tác động không tốt tới thị trường chứng khoán”, ông Ngoạn phát biểu.

Đây là lần thứ 3 Bộ Tài chính nâng điều kiện thành lập và hoạt động của CTCK. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, qua mỗi lần nâng điều kiện, chất lượng hoạt động của CTCK đã từng bước được cải thiện và đã hạn chế đáng kể được tình trạng “đua nhau” thành lập CTCK trong giai đoạn 2007-2008. Vẫn theo ông Ninh, để nâng cao chất lượng hoạt động của CTCK, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình nâng điều kiện thành lập và hoạt động của CTCK trong đó có việc nâng vốn pháp định lên 500 tỷ đồng thay vì mức 300 tỷ đồng như Dự thảo hiện nay.

Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu tư

thanhtu

Trở lên trên