MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường trái phiếu chính phủ: Dấu ấn phát triển

Giao dịch TPCP đạt 313.000 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với giá trị giao dịch của cả năm 2012), trong đó giao dịch Outright chiếm tỷ trọng chủ yếu trên thị trường (hơn 83% tổng giá trị).

Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu nói chung và thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) nói riêng đã có những bước tiến mạnh về quy mô và chất lượng, trở thành kênh quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Để thị trường trái phiếu chính phủ phát triển ổn định và bền vững, cần tiếp tục có những giải pháp và lộ trình phù hợp.

Chặng đường ngắn, bước đi dài

Ngày 24/9/2009, thị trường TPCP chuyên biệt của Việt Nam đã chính thức được vận hành. Mục tiêu chính là tổ chức thị trường TPCP có sự quản lý của Nhà nước, song song, tách bạch với thị trường giao dịch cổ phiếu, là 1 kênh huy động vốn cho NSNN phục vụ đầu tư phát triển, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán (TTCK) cho giới đầu tư... trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đến nay, có thể nói, thị trường TPCP đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trở thành kênh huy động và phân bổ vốn cho phát triển kinh tế của đất nước, đóng góp tích cực trong việc phối hợp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ thông qua các nghiệp vụ mua bán TPCP. Lãi suất trên thị trường TPCP còn là kênh tham chiếu lãi suất thị trường nợ, phục vụ cho việc điều hành kinh tế vĩ mô của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại khu vực châu Á, trong thời gian qua, sự bất ổn thị trường tài chính của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các nước khu vực châu Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế mới nổi với mục tiêu đặt ra là duy trì ổn định và tăng trưởng đầu tư. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của các nước trong khu vực trong năm 2013 vẫn có dấu hiệu tăng trưởng so với thời điểm cuối năm 2012. Cụ thể: Việt Nam có mức tăng cao nhất khoảng 20%, Indonesia 5,9%, Singapore 5,1%, Hàn Quốc 3,6%...

Tại Việt Nam, đường cong lợi suất TPCP (là chỉ báo quan trọng để dự báo lãi suất trong tương lai) có chiều hướng đi xuống kể từ cuối năm 2012. Chiều hướng này phần lớn phản ánh những thay đổi quan trọng trong chính sách thời gian qua và đặc biệt là từ đầu năm 2013.

Thành công đáng kể

Bốn năm là một khoảng thời gian không dài nhưng những gì mà thị trường TPCP chuyên biệt đạt được có thể nói là mang tính rất “căn bản”:

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường TPCP. Kể từ năm 2011 đến nay, khuôn khổ pháp lý đối với thị trường sơ cấp đã được điều chỉnh với sự ra đời của Luật Quản lý nợ công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (2010).

Sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định thay thế các văn bản pháp lý nêu trên để quản lý thị trường trái phiếu, gồm Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, Nghị định số 15/2011/NĐ-CP về cấp và bảo lãnh Chính phủ, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.


Trải qua thời gian hoạt động và phát triển những bất cập và sự thiếu gắn kết giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp TPCP đã bộc lộ. Thêm vào đó, việc chính thức đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch trên thị trường TPCP tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng cần phải có hành lang pháp lý thống nhất và phù hợp.

Bên cạnh đó, việc ban hành Quyết định 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013 phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020”, khiến nhu cầu ban hành văn bản mới phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn nữa.

Thông tư 234/2012/TT-BTC ngày 28/12/2012 hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và Quyết định 160/QĐ-UBCK ngày 15/3/2013 về việc ban hành Quy định chào mua, chào bán trên thị trường TPCP chính thức có hiệu lực trên thị trường TPCP ngày 18/3/2013 đã tạo khung pháp lý thống nhất và xuyên suốt, gắn kết thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp TPCP.

Các văn bản này đã tạo nền tảng, củng cố mối liên kết giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, nâng cao chất lượng thông tin, tạo điểm tham chiếu lãi suất và hình thành đường cong lãi suất trên thị trường TPCP, vốn được xem là cơ sở để thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch.

Dấu ấn hoạt động giao dịch

Trên thị trường sơ cấp, các hoạt động giao dịch tính đến giữa tháng 12/2013 đã được triển khai hiệu quả với khối lượng huy động đạt 189.924 tỷ đồng, bằng 113,3% so với năm 2012.

Để tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu được tiến hành thuận lợi hơn, ngày 6/8/2012, hệ thống đấu thầu điện tử trên thị trường sơ cấp TPCP đã chính thức kết nối trực tiếp với các thành viên đấu thầu, với tổ chức phát hành và cơ quan quản lý.

Toàn bộ quá trình đấu thầu được điện tử hóa từ khi bắt đầu đến khi hoàn tất phiên đấu thầu một mặt giúp các thành viên tham gia đấu thầu nhanh chóng, hiệu quả, giúp cơ quan vận hành rút ngắn đáng kể thời gian xét thầu và xác định kết quả đấu thầu, mặt khác góp phần đảm bảo tính minh bạch của hoạt động đấu thầu. Hơn 1 năm áp dụng, hệ thống đấu thầu điện thử đã phát huy hiệu quả, trên thị trường sơ cấp đã hình thành thị trường đấu thầu cạnh tranh. Quy trình đấu thầu - niêm yết được chuẩn hóa, thời gian giảm xuống dưới 5 ngày.

Trên thị trường thứ cấp, quy mô niêm yết được tăng đáng kể qua các năm. Tại thời điểm cuối năm 2013, có 505 mã trái phiếu được niêm yết với giá trị khoảng 517.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2012.

Về giao dịch, giao dịch TPCP đạt 313.000 tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với giá trị giao dịch của cả năm 2012), trong đó giao dịch Outright chiếm tỷ trọng chủ yếu trên thị trường (hơn 83% giá trị giao dịch toàn thị trường) và tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn 2 năm, 3 năm, giá trị giao dịch bình quân phiên trong năm 2013 đạt 1.929 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2012.

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng là khu vực cung cấp phần lớn các nguồn vốn cho đầu tư của nền kinh tế và cũng là nguồn cầu chủ yếu đối với trái phiếu. Mục tiêu chủ yếu mua trái phiếu, đặc biệt TPCP, của các ngân hàng thương mại là để đảm bảo khả năng thanh khoản và công cụ trong giao dịch với Ngân hàng Nhà nước... Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cũng tham gia với mục đích đầu tư tài chính. Tính tới thời điểm hiện nay, đã có 25 ngân hàng thương mại và 27 công ty chứng khoán là thành viên của thị trường TPCP.

Hướng tới phát triển và ổn định


Thị trường trái phiếu Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong 10 năm gần đây. Quy mô thị trường đã tăng từ mức 2,82% GDP năm 2001 lên mức 15,6% GDP giữa năm 2013, trong đó TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm 15% GDP. TPCP được phát hành bao gồm các loại kỳ hạn chuẩn, gồm có các kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm trong đó loại kỳ hạn dưới 5 năm hiện có tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 90% tổng khối lượng trái phiếu đã phát hành.

Những thành công trên là rất đáng kể, tuy nhiên, thị trường TPCP vẫn còn rất thiếu các sản phẩm giao dịch, cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa sản phẩm giao dịch cũng như thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các chủ chủ thể đầu tư hay chưa có sự hỗ trợ nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro. Những yếu tố này phần nào làm giảm sự “lôi cuốn” nhà đầu tư tham gia tích cực trên thị trường TPCP.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển TTCK theo các quyết định: Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020; Quyết định số 958/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 về việc phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013 phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020”, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện và phát triển thị trường TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương trên cơ sở gắn kết giữa thị trường chào bán sơ cấp và thị trường giao dịch thứ cấp. Để thị trường TPCP phát triển ổn định và bền vững cần tiếp tục có những giải pháp và lộ trình phù hợp:

- Tiếp tục thực hiện chương trình hoán đổi TPCP nhằm tăng quy mô mã trái phiếu và thúc đẩy thanh khoản cho thị trường. Từ gần 200 mã vào cuối năm 2011 đến nay tổng số mã trái phiếu kho bạc chỉ còn 89 mã, quy mô bình quân mã đạt khoảng 3.300 tỷ đồng.

- Xây dựng và từng bước thực hiện cơ chế thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường thông qua rà soát, điều chỉnh hợp lý chính sách thuế và phí giao dịch trái phiếu, áp dụng các công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư nước ngoài; khuyến khích các tổ chức nước ngoài phát hành các chứng chỉ lưu ký toàn cầu được niêm yết trên thị trường nước ngoài với tài sản cơ sở là TPCP trong nước…

- Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu là ổn định, vững chắc, cấu trúc hiệu quả, đồng bộ về các yếu tố cung – cầu; tăng quy mô, chất lượng và tính thanh khoản của thị trường; đa dạng hóa các sản phẩm, nghiệp vụ; phát triển hệ thống dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo thị trường hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế; đồng thời, bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường; tăng cường năng lực giám sát; từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế.

Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường thứ cấp phù hợp, liên thông hơn nữa với thị trường thứ cấp, cần thúc đẩy nghiên cứu và áp dụng công cụ chỉ báo thị trường, chỉ số trái phiếu (Bond Index), when-Issued và các sản phẩm giao dịch phái sinh, góp phần da dạng hóa công cụ giao dịch, tạo thêm nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro thị trường.
Theo ThS. Nguyễn Thanh Huyền
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước

phuongmai

Tạp chí Tài chính

Trở lên trên