Thích lên, chán xuống
Quyết định hủy niêm yết là vấn đề quan trọng không chỉ với doanh nghiệp mà cả NĐT đang nắm giữ CP của doanh nghiệp.
Không lỗ cũng hủy
Năm 2013, CTCP Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn (SBC) ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh với lợi nhuận âm hơn 50 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ tổ chức ngày 9-6 vừa qua, HĐQT của SBC đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân gây thua lỗ và đề ra những biện pháp khắc phục tình trạng này.
Thậm chí, lãnh đạo SBC đã tự tin đề ra mục tiêu kinh doanh cho năm 2014 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.602 tỷ đồng và 31 tỷ đồng. Thế nhưng, điều khiến nhiều người tham dự ĐHCĐ khá bất ngờ là quyết định hủy niêm yết mã CP SBC trên sàn HOSE để tập trung vào việc khắc phục hậu quả do thua lỗ và tái cơ cấu doanh nghiệp.
Chính vì quyết định khó hiểu này, giá CP SBC đã bị NĐT bán tháo và giảm giá mạnh, thay vì tăng giá với thông tin doanh nghiệp sẽ có lãi trở lại. Từ mức 10.400 đồng/CP, SBC đã giảm xuống còn 9.200 đồng/CP, tương đương mức giảm 11,5% trong 4 phiên giao dịch gần đây, dù diễn biến chung của thị trường thời điểm này tương đối tích cực.
Năm 2014, LGC đặt kế hoạch 245 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với thực hiện 2013, và lợi nhuận sau thuế đạt 16,82 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần kết quả thực hiện 2013. |
Nếu việc SBC hủy niêm yết một phần đến từ kinh doanh không hiệu quả và CP đang nằm trong diện bị cảnh báo, thì quyết định hủy niêm yết tự nguyện của CTCP Nhựa Tân Tiến (TTP) khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Theo số liệu được công bố tại ĐHCĐ thường niên tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, dù 2013 là năm cực kỳ khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, với lợi nhuận trước thuế hơn 50 tỷ đồng (hoàn thành 100% chỉ tiêu) và chi trả cổ tức 5%.
Từ kết quả này, TTP quyết định chi trả cổ tức năm 2013 cho cổ đông l5% và chủ động đề ra chỉ tiêu lợi nhuận cho năm 2014 đạt 60 tỷ đồng (tăng 20% so với kết quả thực hiện năm 2013). Tuy nhiên, ngay tại ĐHCĐ lần này, HĐQT của TTP đã đưa ra tờ trình xin hủy niêm yết tự nguyện để tập trung việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nếu các tờ trình về sản xuất xuất kinh doanh được 100% cổ đông tham dự ĐHCĐ đồng ý, tờ trình hủy niêm yết chỉ có 77,6% cổ đông biểu quyết thông qua. Từ mức giá 28.500 đồng/CP vào thời điểm tổ chức ĐHCĐ, hiện nay TTP giảm chỉ còn 19.200 đồng/CP (tương đương với mức giảm 32%).
Nay hủy mai thôi
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Cơ khí điện Lữ Gia (LGG) được tổ chức vào ngày 25-4, cổ đông của doanh nghiệp này đã thông qua tờ trình hủy niêm yết tự nguyện trong năm 2014. Lý do xin hủy niêm yết được lãnh đạo LGC đưa ra là CP giao dịch trên HOSE nhưng thanh khoản rất thấp, thậm chí có phiên không có CP được giao dịch. HĐQT cho rằng nếu để LGC tiếp tục niêm yết trên sàn nhưng không có giao dịch sẽ gây bất lợi cho hình ảnh của doanh nghiệp.
Trong khi cổ đông và NĐT đang trong tâm thế bán ra sau khi ĐHCĐ thông qua tờ trình hủy niêm yết tự nguyện, bất ngờ HĐQT của LGC công bố sẽ triệu tập ĐHCĐ bất thường để thông qua một số nội dung: phát hành chia CP thưởng, thành lập 2 công ty con để tái cấu trúc lại doanh nghiệp và đặc biệt là tờ trình hủy bỏ quyết định xin hủy niêm yết.
Việc lãnh đạo LGC bất ngờ “lật kèo” ĐHCĐ khiến giới đầu tư, đặc biệt những NĐT đã vội vã bán CP sau khi doanh nghiệp này thông qua phương án hủy niêm yết (có thời điểm LGC giảm chỉ còn hơn 13.000 đồng/CP) đặt nghi vấn. Thực tế, ngay khi thông tin này được công bố, CP LGC đã tăng dựng đứng từ mức 16.000 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP (tương đương 25%).