MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn khỏi Vinamilk, SCIC còn lại gì?

Từng có không ít "lời ong tiếng ve" về chuyện SCIC nắm gần nửa cổ phần và cuộc chiến quyền lực ngầm tại "hậu trường" của Vinamilk.

Tuy nhiên, rất có thể mọi thứ sẽ đi đến hồi kết khi SCIC tiến hành thoái toàn bộ vốn khỏi công ty này.

Từ bỏ "gà đẻ trứng vàng"?

Tại Diễn đàn M&A 2015 vừa được tổ chức ngày 6/8 vừa qua, dẫn lời trên TBKTSG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu Tư Đặng Huy Đông cho biết, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ phải đề xuất lộ trình rút dần vốn nhà nước tại Vinamilk.

Thứ trưởng Đông cho hay: “Vinamilk là doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ vốn và chúng tôi đồng ý sẽ thoái vốn tại đây."

Phát biểu này của Thứ trưởng Đông khá bất ngờ bởi theo đề án tái cơ cấu SCIC được phê duyệt cuối tháng 12/2013, SCIC sẽ được nắm giữ, đầu tư dài hạn vốn tại 4 doanh nghiệp gồm có: CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE); CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom); CTCP Dược Hậu Giang; CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Trong khi đó, Vinamilk luôn được xem là "con gà đẻ trứng vàng" cho SCIC khi chi trả cổ tức luôn ở mức cao nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng suốt nhiều năm qua. Năm 2014, với mức lợi nhuận sau thuế đạt 6.068 tỷ đồng, Vinamilk chi trả cổ tức trong năm nay ở mức 40%. Với 541 triệu cổ phiếu nắm giữ, cổ tức mà SCIC nhận được từ Vinamilk lên tới 2.164 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh được công ty đề ra trong năm 2015 là đạt doanh thu 30.077 tỷ đồng, tăng 9,4%; lợi nhuận ròng tăng 12,6% lên 6.830 tỷ đồng. Như vậy mức chi trả cổ tức trong năm 2015 dự kiến sẽ còn cao hơn cả năm 2014.

Tuy nhiên, việc SCIC rút vốn khỏi Vinamilk là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trước khi có phát biểu trên của Thứ trưởng Đông, ngày 31/7 vừa qua, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) - công ty con của SCIC cũng đã thoái toàn bộ 822.700 cổ phiếu VNM (tương đương 0,08% vốn điều lệ) mà tổ chức này đang nắm giữ.

Sau giao dịch này, SIC chỉ còn giữ hơn 10 cổ phần của Vinamilk, là số cổ phiếu lẻ ở các tài khoản dưới mức giao dịch tối thiểu (hiện công ty mẹ của SIC là SCIC vẫn đang nắm giữ hơn 450 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 45,08%).

Một yếu tố nữa cũng cần lưu ý là những thay đổi cán cân quyền lực tại thượng tầng của Vinamilk. Cuối tháng 7, Vinamilk tuyên bố bà Lê Thị Băng Tâm sẽ thay "nữ tướng" Mai Kiều Liên ở vị trí Chủ tịch HĐQT.

Không như bà Liên là đại diện cho hơn 45% cổ phần vốn nhà nước của SCIC, Tân Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm là thành viên HĐQT độc lập đại diện cho 11% cổ đông, trong đó có 3% là các cán bộ nhân viên của công ty.

Bà Tâm cũng khẳng định, khi giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tư cách là thành viên độc lập, mọi quyết định của bà sẽ vì lợi ích chung của công ty chứ không có chuyện “nghiêng chỗ này, nghiêng chỗ kia”. Như vậy, quyền lực của SCIC tại Vinamilk vốn đã bị hạn chế bởi quyền quyết định thuộc về khối nhà đầu tư ngoại (nắm tới 49% lượng cổ phần), nay càng hẹp hơn khi Chủ tịch HĐQT lại là thành viên độc lập đại diện cho số cổ đông nhỏ và cán bộ công ty.

Bỏ "gà vàng", SCIC còn lại gì?

Trong đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt có một số nội dung liên quan thoái vốn được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý.

Thứ nhất, SCIC được nắm giữ, đầu tư dài hạn vào 4 doanh nghiệp gồm VINARE, FPT Telecom, Dược Hậu Giang và Vinamilk. Theo thống kê, chỉ riêng với 4 công ty này, SCIC đã thu về hơn 2.000 tỷ đồng tiền cổ tức trong năm 2013 và con số này sẽ còn tăng thêm trong năm 2014 khi chỉ riêng Vinamilk đã trả cho SCIC hơn 2.160 tỷ đồng cổ tức.

Tuy nhiên, với kế hoạch thoái vốn khỏi Vinamilk, SCIC còn nắm giữ và đầu tư dài hạn cổ phần tại FPT Telecom (49,9 triệu cổ phiếu, tương đương 50,02%), Dược Hậu Giang (28,3 triệu CP tương đương 43,36%) và VINARE (40,7 triệu CP, xấp xỉ 40,36%).

Tính tới ngày 10/8, giá trị cổ phần của 3 công ty này mà SCIC hiện đang nắm giữ vào khoảng hơn 5.445 tỷ đồng (FPT Telecom 2.415 tỷ, DHG 2.094 tỷ, VINARE 936 tỷ đồng).

Ngoài 3 công ty trên, SCIC vẫn đang nắm 100% vốn tại 3 doanh nghiệp là: Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC, Công ty Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty Đầu tư và Kinh doanh khoáng sản Vinaconex.

Bên cạnh đó, SCIC sẽ nắm cổ phần chi phối tại 24 doanh nghiệp nhà nước và cổ phần chi phối ở 2 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa là Công ty Thương mại, Du lịch và Dịch vụ tổng hợp Điện Biên & Công ty Khoáng sản Lai Châu.

Ngoài những công ty trên, SCIC sẽ phải thoái hết vốn tại 376 DN từ nay đến năm 2015. Trong đó, có những tên tuổi được nhà đầu tư đánh giá cao như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã VCG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Nước khoáng Vĩnh Hảo, CTCP Thủy Điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (VNE), CTCP Thủy Điện Thác Bà (TBC)…

Với thị giá hiện tại, nếu bán hết số cổ phần SCIC đang nắm giữ tại VCG, VSH, BVH, VNE, FPT, NTP, BMP, TBC, số tiền SCIC thu về ước đạt 7.500 tỷ đồng. Riêng giá trị cổ phiếu VCG do SCIC sở hữu đạt hơn 2.700 tỷ đồng, và giá trị cổ phiếu BVH, NTP và BMP SCIC đang nắm đạt hơn 900 tỷ đồng.

Theo số liệu của SCIC, kể từ khi thành lập đến tháng 4/2015, SCIC đã thoái được 3.151 tỷ đồng tại 678 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 7.202 tỷ đồng, gấp 2,3 lần giá vốn, trong khi bình quân cả nước chỉ bán được gấp 1,48 lần giá vốn.

Tuy nhiên, trong quý I/2015, SCIC chỉ thoái được 253,5 tỷ đồng vốn nhà nước tại 22 doanh nghiệp, thu về 844 tỷ đồng. Do đó, để kịp cán đích theo Đề án tái cơ cấu đến hết 2015, đến cuối năm, Tổng công ty SCIC sẽ phải thoái vốn tại hơn 300 doanh nghiệp, không kể phần vốn mà SCIC sẽ tiếp nhận và thực hiện thoái vốn theo quy định.

 

Theo Thùy Linh

Trí Thức Trẻ/Cafebiz

Trở lên trên