MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn ngoài ngành: Đừng nói suông

Một nguyên tắc khi thoái vốn là công khai minh bạch, bảo toàn vốn và không thấp hơn giá thị trường. Trong điều kiện thị trường không thuận lợi như hiện nay, đây là nhiệm vụ bất khả thi.

Đã tròn một năm kể từ ngày đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, ngoài việc phê duyệt một loạt đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty, mà không ít ý kiến cho rằng làm theo kiểu phong trào, thì những kết quả đạt được dường như chẳng có bao nhiêu.

Riêng vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đề án yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính hoặc không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Và thời hạn chót để thực hiện yêu cầu này là năm 2015.

Theo số liệu thống kê của 90 tập đoàn, tổng công ty, có 42 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng với giá trịước tính đến 30/9/2012 là 22.405 tỉ đồng.

Vậy mà những động thái gần đây của Nhà nước, về mặt chủ trương, luật lệ cho thấy quyết tâm buộc doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành đã không còn mạnh mẽ như trước, thậm chí là đi ngược lại, cho phép doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành. Trong khi đó, các biện pháp hướng dẫn thoái vốn lại không mấy khả thi.

Luật lệ mở đường

Mới đây, chuyện đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước đã được quy định trong Nghị định 71/2013 của Chính phủ, được ban hành ngày 11/7/2013.

Theo đó, kể từ ngày 1/9/2013, doanh nghiệp nhà nước được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của mình đã được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Một nguyên tắc để đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, theo nghị định nói trên, là doanh nghiệp không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản); không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư chứng khoán.

Mặc dù cấm như vậy nhưng không phải mọi cánh cửa đều đóng. Trong nghị định vẫn còn một cánh cửa mở cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản, ngân hàng hay chứng khoán nếu đó là trường hợp đặc biệt được Thủ tướng chính phủ cho phép.

Như vậy có thể hiểu, ngoài các trường hợp cấm nêu trên, doanh nghiệp nhà nước có quyền đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào khác mà không vi phạm pháp luật. Khi đó yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015 như đã nêu trong đề án chung về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã bị vô hiệu hóa một phần. Tức là doanh nghiệp chỉ cần thoái vốn ở những lĩnh vực không được phép đầu tư, còn các lĩnh vực khác thì cứ thoải mái làm.

Bộ cũng ủng hộ đầu tư ngoài ngành

Gần đây, Bộ Công thương đã công bố liên tiếp các dự thảo nghị định về điều lệ và tổ chức hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước như Dệt may (Vinatex), Dầu khí (PVN), Công nghiệp Than và khoáng sản (Vinacomin)…

Và người dân hy vọng sau những bài học kinh nghiệm xương máu từ các “Vina” như Vinashin, Vinalines, thì lĩnh vực hoạt động của các tập đoàn sẽ tập trung vào những thế mạnh, các ngành nghề chính chứ không dàn trải như trước kia. Tuy nhiên xem ra điều này cũng khó trở thành hiện thực. Vì sao?

Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Dệt may. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính và những ngành nghề có liên quan, tập đoàn này còn được kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất, gia công, chế biến thực phẩm, nông, lâm, thủy hải sản, hàng tiêu dùng, điện tử, thiết bị văn phòng phẩm; ủy thác mua bán xăng dầu; kinh doanh kho vận, kho ngoại quan; tư vấn, kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản…

Thử hỏi, doanh nghiệp dệt may cần gì phải mở rộng sang chế biến nông lâm hải sản, hay ủy thác mua bán xăng dầu,…

Một ví dụ khác là dự thảo điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản. Ngoài các ngành nghề chính và hàng chục ngành nghề có liên quan, dự thảo còn liệt kê thêm hàng loạt lĩnh vực mà tập đoàn này được phép tham gia như sản xuất, kinh doanh dầu mỡ bôi trơn, dầu nhũ tương, hàng bảo hộ lao động…

Đáng chú ý hơn là tập đoàn này còn được sản xuất kinh doanh nước tinh khiết, nước khoáng hay làm các dịch vụ như in ấn, xuất bản; đào tạo, y tế, điều trị bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng; thương mại, khách sạn, du lịch; hàng hải; xuất khẩu lao động; tài chính.

Vì sao, doanh nghiệp ngành khoáng sản lại tham gia sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, nước tinh khiết, nước khoáng, rồi còn lấn sân sang cả in ấn, xuất bản, đào tạo, y tế… thì quả thực là khó hiểu.

Cũng trong các dự thảo được công bố, Bộ Công thương còn tạo điều kiện mở rộng ngành nghề của các tập đoàn hơn nữa bằng quy định tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, tập đoàn có thể bổ sung các ngành, nghề khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu chấp thuận.

Có lẽ đây là bằng chứng sinh động cho thấy tư duy của các cơ quan quản lý về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn chưa thay đổi, dù rằng thực tế đã khác trước và yêu cầu tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn được đưa ra một cách mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo cao nhất.

Hướng dẫn thực hiện lại bị vướng

Cuối tháng 6 vừa rồi, Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn thực hiện việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo văn bản này, một nguyên tắc khi thoái vốn là công khai minh bạch, bảo toàn vốn và không thấp hơn giá thị trường. Trong điều kiện thị trường không thuận lợi như hiện nay, đây là nhiệm vụ bất khả thi.

Bởi lẽ, rất nhiều doanh nghiệp tham gia góp vốn vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính khi mà thị trường tài sản đang ở thời kỳ hoàng kim. Nay, bong bóng tài sản đã xì hơi, thị trường bất động sản nguội lạnh thì yêu cầu bảo toàn vốn có lẽ chỉ là nguyên tắc được đặt ra trên giấy.

Mặt khác, yêu cầu bán vốn không thấp hơn giá thị trường khả dĩ có thể chấp nhận được đối với các doanh nghiệp đang niêm yết. Còn với các doanh nghiệp chưa niêm yết thì giá thị trường được xác định ra sao lại chẳng thấy Cục Tài chính doanh nghiệp hướng dẫn.

Một nội dung khác rất đáng quan tâm trong văn bản nói trên là đối với các khoản đầu tư tài chính vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm nếu đã thực hiện bán đấu giá hay thỏa thuận trực tiếp mà vẫn không thành công, thì đề nghị giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua lại sau khi đã trừ khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư theo quy định.

Liệu SCIC có đủ năng lực tài chính để mua hết các khoản thoái vốn này? Và mua với giá nào? Trả bằng tiền mặt hay bằng một công cụ nợ khác, chẳng hạn như trái phiếu đặc biệt giống như Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua nợ xấu ngân hàng.

Người dân đang chờ một sự giải thích thỏa đáng từ phía các nhà điều hành kinh tế để có thể tin rằng Chính phủ đang thực sự quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chứ không chỉ là những lời nói suông, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.


Theo PHƯƠNG QUỲNH

thanhhuong

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trở lên trên