Thời cơ chứng khoán
Một trong những chức năng quan trọng nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) là trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế mà cụ thể cho doanh nghiệp.
Điều này cho thấy các ngân hàng đang phải gánh một trọng trách quá lớn dẫn đến quá tải và việc một số ngân hàng phải tái cấu trúc là một hệ quả. Tại TPHCM, trung tâm kinh tế của cả nước, tăng trưởng tín dụng sau 2 tháng đầu năm chỉ 1%.
Mức tăng này có thể xuất phát từ yếu tố mùa vụ do có đợt nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, doanh nghiệp ít có nhu cầu vay vốn để sản xuất, nhưng không thể phủ nhận ngân hàng vẫn hết sức cẩn trọng khi cho vay. Dòng tiền chảy chậm, buộc nhiều ngân hàng phải giảm lãi suất huy động, có ngân hàng kỳ hạn ngắn dưới 6%/năm
Trong khi đó, diễn biến trên TTCK lại rất sôi động với giá trị giao dịch mỗi phiên lên đến 3.000-4.000 tỷ đồng, gấp 3-4 lần so với giai đoạn thấp điểm. Dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chảy rất mạnh vào TTCK. Nhiều nhà đầu tư gửi tiền tại ngân hàng nay thấy lãi suất thấp đã rút tiền chuyển sang đầu tư mua cổ phiếu tốt, an toàn để hưởng cổ tức.
Chỉ sau hơn 2 tháng, Quỹ Market Vector Vietnam ETF đã huy động được gần 62 triệu USD, tương đương 1.300 tỷ đồng, xấp xỉ lượng tiền huy động của cả năm 2013. Nhưng đây chỉ là một trong số rất nhiều quỹ đầu tư đang rót tiền vào Việt Nam. Những thống kê này chỉ ra rằng với khả năng thu hút vốn tốt trong thời điểm hiện tại, đây là thời cơ thứ 2 của TTCK sau giai đoạn 2006-2007.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng thu hút vốn cho TTCK lúc này khác và khó hơn nhiều so với 7-8 năm trước, nhưng nếu thực hiện được, hiệu quả và tác động sẽ lan tỏa rất mạnh. So với vài năm trước, vốn ngân hàng và vốn TTCK đều mạnh, thời điểm này không thể dồi dào như vậy, cả 2 kênh dẫn vốn quan trọng này phải tương trợ lẫn nhau.
Với doanh nghiệp nói chung đang ở giữa lằn ranh sống/chết, có thể các ngân hàng không dám cho vay, nhưng dòng vốn mạo hiểm trên TTCK vẫn sẵn sàng tìm đến. Nếu doanh nghiệp hồi sinh, lợi ích không chỉ dành cho nhà đầu tư mà cho cả ngân hàng, vì ngân hàng có thể thu hồi nợ xấu, hoặc mạnh dạn hơn trong việc rót vốn cho doanh nghiệp để có thêm nguồn thu nhập.
Còn nói riêng với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết có quỹ đất tốt nhưng đang thiếu tiền, việc thu hút được nhà đầu tư sẽ giúp các đơn vị này bổ sung dòng tiền để triển khai hoặc hoàn thiện dự án. Trong trường hợp ngược lại, các doanh nghiệp BĐS hoạt động tốt sẽ tiếp tục thu hút vốn để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.
Tất cả những điều này, trước tiên sẽ lấy lại sự ổn định cho thị trường BĐS, qua đó củng cố niềm tin người dân nói chung và những người có nhu cầu sở hữu nói riêng. Và chỉ cần có mức giá bán hợp lý, dòng tiền sẽ quay lại với thị trường BĐS. Điều đó cũng giống việc khi TTCK èo uột, cứ ngỡ tất cả nhà đầu tư đều hết tiền, nhưng đến khi thị trường khởi sắc, tiền lại đổ vào rất mạnh khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt nam (VAFI), đã đề xuất ý kiến chọn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng làm “tư lệnh” cho quá trình cổ phần hóa. Một số nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cũng đồng tình đề xuất này, bởi với họ Bộ trưởng Thăng khi còn công tác tại Tổng công ty Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí đã rất quyết liệt trong cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc và tiến hành niêm yết trên sàn.
Nhờ vậy, TTCK dồi dào hàng hóa, thu hút thêm dòng tiền. Nới room hay cổ phần hóa, đưa doanh nghiệp niêm yết đều là những giải pháp tạo hàng, đưa hàng ra thị trường. Nhưng hiện nay không thể bán đắt hay cung hàng một cách nhỏ giọt, TTCK cần nguồn hàng ổn định, dồi dào, với mức giá hợp lý. Đối với nhà đầu tư tổ chức, thanh khoản nhiều còn quan trọng hơn việc tăng giảm của thị trường và cổ phiếu.
Nếu thanh khoản được duy trì, gia tăng, càng có thêm cơ hội để hút thêm nhiều dòng tiền khác. Khi dòng tiền tăng thêm cũng cần có thêm hàng hóa đối ứng, tức cơ hội sẽ được rộng mở cho TTCK. Đó là cách kết nối giữa doanh nghiệp tiếp cận với dòng vốn trên TTCK.
Vốn trên TTCK là dòng vốn thông minh, nên khi ở trạng thái dồi dào nó sẽ tự tìm đến các ngành nghề, doanh nghiệp hấp dẫn hoặc khó khăn. Như vậy, khơi được dòng vốn cho TTCK cũng đồng thời giảm tải cho ngân hàng và nhờ vậy ngân hàng sẽ tập trung vào việc tái cấu trúc.
Thêm nữa, dòng vốn của TTCK sẽ chảy vào BĐS, vật liệu xây dựng… thông qua việc mua cổ phần của doanh nghiệp trong ngành, từ đó góp phần đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.