MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời điểm cho DN chuẩn bị niêm yết

6 tháng đầu năm 2013, đã có 5 nghìn tỷ đồng được DN huy động qua TTCK bằng bán cổ phần và phát hành thêm cổ phiếu.

Về chuyện ra niêm yết trong bối cảnh hiện nay, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) cho rằng, dù kinh tế khó khăn, DN vẫn có cơ hội để phát hành và niêm yết. Ông nói: Vẫn có những DN niêm yết rất thuận lợi trong tình hình hiện tại...

Lợi ích huy động vốn, minh bạch thông tin tài chính và hoạt động… khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán không phải DN không tường. Tuy nhiên, khi nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) gặp khó khăn, nhiều DN niêm yết thậm chí có ý định rời sàn.

Diễn biến trên khiến nhiều nhà đầu tư và DN đang dự kiến lên sàn “lăn tăn” rằng, liệu có nên niêm yết hay không? Thậm chí, đại diện nhiều đơn vị còn tỏ ra lo lắng, khi niêm yết có thể khả năng huy động vốn còn khó khăn hơn.

“Một phần lo lắng này là đúng”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ông Trần Văn Dũng thừa nhận. Bởi theo ông phân tích, trong lúc nền kinh tế khó khăn thì việc huy động vốn trên TTCK chắc chắn cũng khó khăn hơn giai đoạn trước.

Tuy nhiên, một thực tế được vị này đưa ra khá thú vị. Trong các năm 2010 - 2012, mặc dù nền kinh tế rất khó khăn nhưng các DN niêm yết trên HNX đã huy động được 34 nghìn tỷ đồng. Con số này cao hơn 2 lần so với thời kỳ 2005 - 2009. Còn 6 tháng đầu năm 2013, đã có 5 nghìn tỷ đồng được DN huy động qua TTCK bằng bán cổ phần và phát hành thêm cổ phiếu.

“Đây là con số đáng suy ngẫm. Theo thiển nghĩ, các DN nếu làm ăn tốt, hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch thì vẫn có cơ hội huy động vốn và huy động một cách hiệu quả trên TTCK. Thông điệp này cần được gửi đến DN đại chúng”, ông Dũng nói.

Một số “điển hình” có thể lấy làm ví dụ cho phát biểu nói trên. NHTMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã chính thức giao dịch trên HNX từ tháng 4/2009 với 200 triệu cổ phiếu. Sau một năm tham gia TTCK, tháng 10/2010, SHB đã thực hiện thành công đợt huy động vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên và đối tác chiến lược, khối lượng phát hành thành công là 1.497,5 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 3.497,5 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2010, SHB đã phát hành thành công 14.976.620 trái phiếu và thực hiện niêm yết toàn bộ số lượng trái phiếu chuyển đổi tại HNX. Ngày 24/5/2011, SHB đã chuyển đổi thành công 13.182.764 trái phiếu sang 131.827.640 cổ phiếu và thực hiện niêm yết nâng tổng số vốn điều lệ SHB lên 4.815 tỷ đồng. Trong năm 2012, SHB thực hiện phát hành ra công chúng để tiến hành hoán đổi cổ phiếu sáp nhập với NHTMCP Phát triển Nhà Hà Nội, nâng số vốn điều lệ của SHB gần 8.866 tỷ đồng.

Một trường hợp khác là Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS). Ngày 20/9/2007, PVS chính thức giao dịch trên HNX với số lượng niêm yết lần đầu 100 triệu cổ phiếu. Trong khoảng thời gian gần 6 năm niêm yết trên HNX, PVS đã thực hiện huy động tăng vốn điều lệ 4 lần. Cụ thể là năm 2009, PVS đã huy động gần 740 tỷ đồng; năm 2010 huy động 250 tỷ đồng; năm 2011 là 1.000 tỷ đồng; và gần đây nhất vào đầu năm 2013, số vốn huy động mà PVS đã đạt được là gần 1.489 tỷ đồng. Vốn điều lệ hiện tại của PVS đạt gần 4.467 tỷ đồng.

Về chuyện ra niêm yết trong bối cảnh hiện nay, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) cho rằng, dù kinh tế khó khăn, DN vẫn có cơ hội để phát hành và niêm yết. Ông nói: Vẫn có những DN niêm yết rất thuận lợi trong tình hình hiện tại... Ở điểm này, ông Dũng khuyến nghị: “Quan trọng nhất là DN định dạng cho được những cơ hội và những thách thức khi tham gia TTCK để trả lời câu hỏi có nên tham gia không và tham gia thế nào cho hiệu quả nhất”.

Tuy nhiên, vấn đề thủ tục cũng là điểm các DN đang chuẩn bị ra niêm yết cần chú ý. Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành phân tích, việc đăng ký chào bán chứng khoán với UBCKNN rất đơn giản, nhưng để được chấp thuận và việc phát hành chứng khoán thuận lợi, DN cần thời gian chuẩn bị tương đối dài. Bởi trên thực tế, rất hiếm DN có thể nhận được chấp thuận chào bán trong vòng 30 ngày, kể từ khi UBCKNN nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán theo quy định.

Không hiếm trường hợp kể từ thời điểm đăng ký đến thời điểm được chấp thuận cấp giấy chứng nhận kéo rất dài. Có DN lên đến hơn 300 ngày, vì lý do DN phải tổ chức lại đại hội đồng cổ đông, thuê kiểm toán làm lại. Chính vì vậy, thời gian này là thời gian rất thuận lợi để cho DN có sự chuẩn bị cần thiết cho kế hoạch niêm yết, đặc biệt những công ty chưa phải đại chúng”, ông Hải nói và khuyến nghị các DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng các văn bản, giấy tờ, tất cả nội dung về phát hành theo đúng quy định.

Theo Trần Hương

phuongmai

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên