MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Thù lao 0 đồng" có phải là mật ngọt?

"Thù lao 0 đồng", sự chia sẻ của ban điều hành, xoa dịu tình hình hoạt động bi đát, hay chỉ là cơ hội PR của doanh nghiệp?

Gần đây, câu chuyện "thù lao 0 đồng" của các thành viên Ban điều hành doanh nghiệp trở nên phổ biến trong mùa ĐHCĐ thường niên. Không ít doanh nghiệp chủ động cắt bỏ toàn bộ thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát... với lý do kết quả kinh doanh thua lỗ, hoặc chưa hoàn thành kế hoạch đã được ĐHCĐ giao phó...

Có thể kể đến Masan MSN với nghị quyết thù lao HĐQT và Ban kiểm soát 0 đồng đồng thời số lượng thành viên HĐQT năm 2013 được bổ sung thêm 1 người. ĐHCĐ chứng khoán FPT (FPTS) cũng thông qua nội dung tương tự khi kết quả kinh doanh 2012 chưa hoàn thành kế hoạch. Các lãnh đạo ngoại của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng tình nguyện nhận thù lao 0 đồng kèm kế hoạch lợi nhuận năm 2013 ở con số khiêm tốn 1,5 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm 2012, thành viên HĐQT và BKS của Chứng khoán Sacombank SBS cũng không còn được nhận thù lao do kết quả kinh doanh thua lỗ...

Thù lao của HĐQT, BKS là một khoản mục được lấy ý kiến tại ĐHCĐ và nhận được nhiều sự quan tâm của các cổ đông. Thông thường, khoản thù lao này không lớn, hầu hết đều mang tính tượng trưng, dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Tất nhiên, chẳng ai tin thu nhập của một cán bộ quản lý doanh nghiệp, lại ở mức bèo bọt đến vậy. 

Thù lao là mức chi trả của doanh nghiệp cho chức danh của cán bộ quản lý. Có nghĩa là, ngoài thù lao ra, họ còn có lương. Khoản mục lương, đương nhiên, rất ít khi được báo cáo chi tiết cho cổ đông. Đấy là chưa kể các khoản thưởng cổ phiếu, thưởng tiền mặt,... và các lợi thế vô hình khác chỉ các "sếp" mới biết. 

Như vậy, suy cho cùng, việc tự nguyện nhận mức thù lao 0 đồng, là cách để cán bộ quản lý doanh nghiệp "xoa dịu" tình hình kết quả kinh doanh bi đát, một cách để bày tỏ sự chia sẻ của HĐQT, Ban giám đốc với các cổ đông trong tình hình khó khăn. 

Khoản tiền tiết kiệm được trong 1 năm cho doanh nghiệp, tính "xông xênh" cũng chỉ ở mức 600 triệu đồng. Đấy là trong trường hợp doanh nghiệp có 5 thành viên HĐQT và ai cũng nhận được mức thù lao 10 triệu đồng/tháng. Rất ít doanh nghiệp có mức thù lao như thế này. Không ít doanh nghiệp thù lao chỉ mang tính tượng trưng, từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. 

Giảm chưa đến 1 tỷ đồng, có thể nói cổ đông hầu như sẽ chẳng được hưởng thêm bất kỳ lợi ích nào về cổ tức.

Đại hội cổ đông thường niên, về mặt nguyên tắc là cuộc họp giữa Ban điều hành và cổ đông, những người chủ thực sự của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp PR bản thân, để được biết nhiều hơn trước công chúng. Một sự minh bạch và chia sẻ, ở một mức độ nào đó, đều mang lại sự thỏa mãn nhất định cho cổ đông và gây tạo ấn tượng thiện cảm hơn cho doanh nghiệp.

Nhận thù lao 0 đồng chưa phải là đã hết. Không ít doanh nghiệp cổ đông đã lên tiếng đòi quyền lợi hộ Ban điều hành. Vì họ cho rằng, lao động là phải có thù lao, và sẽ là bất công cho các sếp khi phải đảm đương chức vụ đầu tàu không công. Họ cho rằng, Ban điều hảnh phải nhận thù lao tương xứng, và cam kết trách nhiệm, từ chức khi cần thiết...

Có thể, không nhiều cổ đông ý thức được những khoản thu nhập chìm nổi ngoài thù lao của Ban điều hành, nhưng dẫu sao, ý kiến bênh vực nói trên của cổ đông cũng gây nên một áp lực đáng kể, và không chỉ cứ từ chối thù lao là xong!

Đằng sau khoản thù lao 0 đồng, HĐQT, ban điều hành còn được hưởng những lợi ích nào? Đó sẽ là một câu chuyện dài về sau...

Minh Huyền

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên