MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực hư dịch vụ “thoát hàng”

Khi TTCK diễn biến thuận lợi đã xuất hiện tin đồn về một dịch vụ dành cho những ai mua phải CP giá cao trước đây và bị “kẹp hàng”, nếu có nhu cầu “thoát hàng” sẽ được đáp ứng. Thực hư ra sao?

Cũng như nhiều tin đồn khác, dịch vụ “thoát hàng” cũng chứa đựng 3 phần thực 7 phần hư, trừ khi có ai đó tham gia trực tiếp vào dịch vụ này lên tiếng, còn lại cũng chỉ có thể bàn luận, phán đoán và… nghi ngờ. Có 3 cơ sở (3 phần thực) để dịch vụ này xuất hiện: Thứ nhất, TTCK thuận lợi, nhưng mức độ tăng giá của từng CP khác nhau. Có những CP có thể là “hàng bị kẹp” do tăng chậm, hoặc còn quá thấp so với giá họ mua vào nên chưa bán, chưa kể thanh khoản cũng không cao, muốn thoát cũng không dễ thực hiện.

Thứ hai, cũng do TTCK thuận lợi, dòng tiền đổ vào mạnh nên nhu cầu với hàng hóa cũng tăng. Một NĐT đã tếu táo rằng, có khi nhờ dịch vụ “thoát hàng” mà thị trường có thêm “hàng” để chơi. Thứ ba, với dịch vụ này cả 3 bên đều có lợi: NĐT thu hồi vốn, “nhà cung cấp” dịch vụ có thu nhập và CTCK có phí.

Còn nhớ vao giai đoạn 2009-2010, có một CP có đến vài “đội lái” tự nhận mình là “lái tàu” mà chẳng biết thực hư ra sao. Dịch vụ “thoát hàng” bây giờ xét về mặt thông tin không phổ biến như 4-5 năm trước và rất nhiều rủi ro như đã phân tích ở trên, khả năng triển khai thành công vẫn là một dấu hỏi lớn. Nói một cách lạc quan, thông tin và cả những tin đồn chưa nhiều, có nghĩa là dịch vụ này chưa phổ biến.

Giả định dịch vụ này có thật, có NĐT có nhu cầu, “nhà cung cấp” sẽ thực hiện như thế nào? Đầu tiên có thể là “bài” làm thanh khoản cho CP thông qua việc “bán tay phải, mua tay trái” để tạo ra kịch bản hấp dẫn kiểu như: TTCK thuận lợi, CP đang có giá thấp nhưng có thanh khoản cao, có lẽ giá đã quá rẻ để mua vào.

Sau đó là một số kịch tính như có lực mua khối lượng lớn, giá CP có một số phiên tăng kèm theo những lời rỉ tai về việc mua vào. Cứ như vậy, giá CP tăng dần, nếu số người mua ở bên ngoài cũng tăng, số hàng kẹp dần dần sẽ được đẩy hết ra bên ngoài và dịch vụ kết thúc tốt đẹp.

Cơ sở và cả những viễn cảnh tốt đẹp đã rõ ràng, vậy trong thực tế thì sao? “Nhà cung cấp” là ai? Nhiều phán đoán cho rằng chỉ có những ai có mối quan hệ chặt chẽ với CTCK mới triển khai dịch vụ này được, bởi muốn thực hiện những bước đi kiểu như tạo thanh khoản, đánh lên đánh xuống mà tự làm có ngày cháy túi. Có một tin đồn về việc một NĐT trước đây nợ khá nhiều nhưng nhờ triển khai dịch vụ này nên số tiền thu về đã trả được gần hết nợ. Nhưng liệu họ có dám làm hay không?

Muốn thoát được hàng phải có người mua, nhưng ai sẽ mua? Một NĐT VIP kể lại, cách đây ít lâu, anh có chú ý đến một CP vì thấy mức định giá khá hấp dẫn, nhưng lại nghe tin đồn về khả năng CP này đang ở trong diện “thoát hàng”. Đem thông tin này hỏi một người quen cũng vào loại có “máu mặt” anh nhận được câu trả lời “đừng chơi”.

Câu chuyện này nói lên vấn đề rằng không dễ gì “dụ” được NĐT VIP, vì họ có rất nhiều quan hệ, kinh nghiệm để xác minh những vấn đề liên quan đến CP. Mặt khác, CTCK hay môi giới giờ đây chắc cũng không dám liều tới mức đem CP “xả” lên khách hàng VIP của mình. Một khi đã khó “dụ” được NĐT VIP, e rằng CTCK sẽ không thể gia tăng nguồn cung, đồng thời việc thu hút các NĐT khác cũng vô cùng khó khăn.

Giả sử trong trường hợp CP chỉ được tạo thanh khoản, có sóng “nhấp nhô” lên xuống, mà không có một động thái gì khác cũng có thể thu hút NĐT, nhưng là số ít. Bởi lẽ những dòng tiền lớn cần có thêm thông tin liên quan đến CP kiểu như kết quả kinh doanh thế nào, thậm chí có ai “lái tàu” hay không để biết mà “đánh”.

Lúc này, giả sử các “nhà cung cấp” dịch vụ “thoát hàng” là có thật họ cũng sẽ bị đẩy vào thế khó, vì nếu “ra mặt” đồng nghĩa với việc chứng thực cho dịch vụ của mình, lúc đó chẳng mấy ai dám vào hàng. Khi điều này đã lộ ra, dù CP có thông tin tốt, những người chơi cũng e dè.

Xả cho ai? Ai sẽ xả? Giả như các nhà cung cấp tìm được một nhóm NĐT ban đầu để thoát bớt hàng, đồng thời cũng nhờ nhóm này tham gia vào quá trình tạo thanh khoản, tạo sóng cũng khó thông. Bởi như đã nói ở trên, không dễ và cũng không dám lừa NĐT VIP, nên an toàn hơn cả là vẫn phải “chẻ nhỏ” tiếp lượng CP này ra bên ngoài, trên số đông.

Nhưng càng đông người tham gia, kết cấu càng lỏng lẻo, người mua kẻ bán rất khó kiểm soát, có khi bên này gom, bên kia lại xả, chưa kể rủi ro về việc lộ thông tin rất cao. Vấn đề kiểm soát cung-cầu sẽ khó khăn hơn gấp bội. Liệu rằng CTCK có đủ sức kiểm soát tất cả các cổ đông? Các cổ đông có thể đồng thuận với nhau? Câu trả lời là rất khó.

Như vậy, ai đó không may mua phải CP nằm trong dịch vụ bị thoát hàng vào giai đoạn cuối rất khó thu về được lợi nhuận, vì khi hàng đã thoát hết, CP cũng có thể hết động lực để đi lên hay có thanh khoản. Nhưng thực ra, không chỉ có NĐT bên ngoài gặp rủi ro trở thành người bị hại mà chính bên cung cấp dịch vụ và những khách hàng tìm đến cũng vấp phải nhiều cạm bẫy, chẳng hạn việc bị “mất hàng” hay bị “xả hàng sau lưng” mà không biết được. Và việc can thiệp vào cung-cầu, tác động đến giá CP nguy hiểm thế nào ai cũng đã rõ.

Theo NGUYÊN TRỰC

thanhhuong

Sài Gòn Đầu tư tài chính

Trở lên trên