MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TTCK: Đầu tư theo chính sách

Bất chấp áp lực tăng lên từ phía cung cũng như giới hạn mới đối với dòng vốn cho vay đầu tư cổ phiếu, chứng khoán vẫn hứa hẹn là kênh đầu tư hấp dẫn

Trong báo cáo mới nhất của một số công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán đang có những thông tin rất tích cực để đưa kênh đầu tư này trở thành nơi đầu tư hấp dẫn nhờ:

(1) Quan điểm tích cực hơn đối với kinh tế vĩ mô; (2) Triển vọng cải thiện biên lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) niêm yết nhờ lãi suất giảm và chi phí sản xuất giảm theo xu hướng chung của giá hàng hóa nguyên liệu; và (3) Chính sách kích thích kinh tế ở một số nền kinh tế phát triển khiến dòng vốn rẻ từ bên ngoài chảy vào Việt Nam.

Đơn cử, về triển vọng kinh doanh 2015, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp có hoạt động gắn liền với biến động giá hàng hóa sẽ được cải thiện. Trong năm 2014, chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg đã giảm hơn 17%, giá dầu WTI giảm 45,8% và giá xăng A92 giảm 26%. Xu hướng giảm giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2015.

Trước xu hướng này, các chuyên viên của Công ty Chứng khoán VDSC đưa ra đánh giá về mức độ tác động lên biên lợi nhuận của một số ngành có tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu hàng hóa cao. Cụ thể, những ngành với giá sản phẩm đầu ra có độ nhạy thấp so với giá nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi nhiều.

Đó là những ngành có độ tập trung cao vào một số DN nhất định, giá sản phẩm đầu ra do một vài DN lớn dẫn dắt hay do sự bắt tay giữa các DN dẫn đến tình trạng "độc quyền". Các ngành có giá hàng hóa nguyên liệu giảm giá gần đây (đặc biệt là nửa sau 2014) sẽ có khả năng cải thiện biên lợi nhuận cao hơn.

Theo quan sát, giá sản phẩm đầu ra thường được điều chỉnh phản ánh biến động giá nguyên liệu đầu vào theo đúng quy luật thị trường. Trong năm 2015, những ngành đã có giá nguyên liệu giảm sâu kể từ trước năm 2014 có thể sẽ cải thiện biên lợi nhuận không đáng kể so với các ngành vừa mới đón nhận đợt giảm giá nguyên liệu đầu vào trong năm 2014, đặc biệt là từ nửa cuối năm này.

Tuy nhiên, đối với các DN tạo ra giá trị gia tăng thấp, thị trường có tính quốc tế, không gặp rào cản xuất nhập khẩu, việc nguyên liệu đang trong đợt giảm sẽ càng làm kết quả kinh doanh khó khăn hơn. Các ngành này cũng thường có biên lợi nhuận gộp rất thấp, chẳng hạn: thép (5,2%), phân phối khí (6,6%).

Một yếu tố cũng khá quan trọng là dòng vốn ngoại vẫn đang hoạt động tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Số liệu thống kê của Rongviet Research cho thấy, mặc dù bán ròng trong khoảng thời gian cuối tháng 11 và tháng 12/2014, nhưng trong hai tháng đầu năm 2015, khối ngoại đã trở lại mua ròng với giá trị là 983,2 tỷ đồng.

Những phân tích ở trên có thể thấy nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN nói riêng đang có cơ hội để phát triển. Nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc, khung chính sách cũng từng bước được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tế, khả năng tiếp cận của dòng vốn ngoại đến những hàng hóa có chất lượng cao (được Nhà nước cung ra thị trường thông qua các đợt IPO và bán vốn).

Đây sẽ là những yếu tố giữ chân và thu hút thêm dòng vốn ngoại. Theo kỳ vọng của giới phân tích, nguồn vốn đối ứng trong năm nay có khả năng đến nhiều từ các nhà đầu tư (NĐT) Nhật và châu Âu (đặc biệt là từ Đức). Bởi số liệu trong năm 2014 của khối NĐT này chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường Việt Nam, lần lượt là 23% và 18%.

Với những điểm tích cực về nền kinh tế, VN-Index được các nhà phân tích dự báo biến động trong vùng 561 - 718 điểm. Nếu so với các thị trường khác trong khu vực, chỉ số P/E, P/B tại cuối năm 2014 của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức thấp nhất.

Ngoài ra, xem xét biến động chỉ số P/E và P/B của VN-Index, dễ thấy rằng tại thời điểm cuối năm 2014, hai chỉ số này đã tăng nhẹ so với năm 2013 song vẫn ở mức thấp so với giai đoạn 2006 - 2009.

Để định lượng cụ thể hơn về vùng giá trị biến động của VN-Index trong năm 2015, giới chuyên viên trong ngành cho biết đã sử dụng mô hình chiết khấu dòng cổ tức hai giai đoạn.

Mô hình này cho thấy, với nền tảng kinh tế hiện tại, giá trị nội tại của VN-Index có thể nằm trong 561 - 718 điểm, tương ứng với các giả định từ tiêu cực nhất đến tích cực nhất. Với những giả định cơ sở, chỉ số này được dự báo sẽ kết thúc năm 2015 ở mức 633,23 điểm.

Dù mới chỉ là dự báo, song thị trường có nhiều cơ sở tăng trưởng đang giúp cho NĐT dễ dàng tìm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, thị trường bộc lộ những mặt tích cực song rủi ro tiềm ẩn cũng khá cao. Do vậy, nhiều NĐT có kinh nghiệm chia sẻ rằng họ vẫn dè dặt trong việc lựa chọn cổ phiếu, vì còn rất nhiều yếu tố có thể tác động đến giá trong ngắn hạn.

Chẳng hạn, nền kinh tế vẫn trong giai đoạn tái cấu trúc và năm 2015 được xem là năm cuối cùng của giai đoạn 1, trong đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là trọng tâm. Quan sát diễn biến giai đoạn 2012 - 2014, hệ quả của việc tái cấu trúc luôn có những ảnh hưởng không mong muốn, đôi khi gây sốc tâm lý cho NĐT trên sàn chứng khoán.

Số liệu cho thấy khoảng cách giữa tỷ giá thực (REER) và tỷ giá danh nghĩa (NEER) ngày càng lớn, cường độ và tần suất biến động tỷ giá trên thị trường tự do và trong các ngân hàng đang ngày càng mạnh và nhiều hơn.

Những dấu hiệu này cho thấy áp lực đối với việc phá giá VND (với biên độ cao hơn kế hoạch 2% của NHNN) đang ngày càng lớn và có khả năng tạo nên những cơn sốt "tỷ giá” nhấtđịnh, đặc biệt vào các mùa cao điểm trong năm.

Đó là chưa kể một số rủi ro từ yếu tố bên ngoài khác cũng cần được NĐT quan sát. Trong đó, ba yếu tố cần được quan tâm nhiều nhất là: (1) Việc tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc; (2) Sự suy thoái kinh tế cũng như biến động chính trị ở khu vực châu Âu, vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam; và (3) Các bất ổn về chính trị, tôn giáo đang ngày càng tăng tại nhiều khu vực trên thế giới.

Từ đây, giới chuyên gia khuyên rằng cơ hội không thiếu, NĐT có thể chọn lựa cổ phiếu để nắm giữ. Song NĐT cần cẩn trọng với những rủi ro chính sách để hạn chế những thiệt hại đầu tư không đáng có.

Theo LAM ANH

PV

Sài Gòn đầu tư tài chính

Trở lên trên