UBCKNN hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK
Thông tư 217 đã hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Bên cạnh việc đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK), trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tiếp tục tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, trong đó có Nghị định 108/2013/NĐ-CP (Nghị định 108) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK và Thông tư số 217/2013/TT-BTC (Thông tư 217) hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Nghị định số 108 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013, đã nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời bổ sung thêm nhiều hành vi vi phạm trong các hoạt động của TTCK, đảm bảo tính thực thi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác. Để hướng dẫn thi hành Nghị định này, ngày 31/12/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 217/2013/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2014 (thay thế Thông tư số 37/2011/TT-BTC ngày 16/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK).
Những điểm mới của Thông tư 217/2013/TT-BTC
Thông tư 217 có một số điểm mới như sau:
- Hướng dẫn về thời hiệu xử phạt phù hợp với quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính; đồng thời hướng dẫn việc xác định thời hiệu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm:
+ Đối với hành vi vi phạm quy định về thực hiện chào bán, phát hành chứng khoán, ngày chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc đăng ký mua chứng khoán; trường hợp đã thu tiền mua chứng khoán thì ngày chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc thu tiền mua chứng khoán.
+ Đối với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng (CtyĐC), thời hiệu xử phạt được tính kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm về hồ sơ đăng ký CtyĐC.
+ Đối với hành vi báo cáo, công bố thông tin (CBTT) không đúng thời hạn, không báo cáo, CBTT theo quy định hoặc theo yêu cầu, thời điểm xác định hành vi vi phạm được thực hiện là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện báo cáo hoặc CBTT theo quy định hoặc theo yêu cầu.
- Hướng dẫn chi tiết về loại thông tin tại hồ sơ chào bán, phát hành, niêm yết, cấp phép nếu vi phạm sẽ bị xử phạt trong trường hợp lập, xác nhận hồ sơ có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng, cụ thể:
+ Đối với hành vi vi phạm về hồ sơ chào bán, phát hành, Thông tư quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm đối với các thông tin về: hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính của tổ chức phát hành; về điều kiện chào bán, về phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán; các thông tin, tài liệu pháp lý liên quan đến việc sử dụng vốn cho mục đích đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án bất động sản...
+ Đối với hành vi vi phạm về hồ sơ niêm yết, Thông tư quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm đối với các thông tin về: điều kiện niêm yết, điều kiện đăng ký giao dịch; thông tin về hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch; thông tin về cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức đăng ký niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch đối với nhà đầu tư; thông tin về báo cáo kết quả đầu tư của quỹ và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng có xác nhận của ngân hàng giám sát...
+ Đối với vi phạm về hồ sơ cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tổ chức kinh doanh chứng khoán, Thông tư quy định xử phạt trong trường hợp vi phạm đối với các thông tin về: điều kiện cấp giấy phép, về hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính của tổ chức đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép...
- Phân định thẩm quyền xử phạt giữa chức danh Chánh Thanh tra UBCKNN và Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành của UBCKNN. Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành của UBCKNN có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được phát hiện qua hoạt động thanh tra chuyên ngành.
- Phân định thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế của Chánh Thanh tra UBCKNN và Chủ tịch UBCKNN; về các biện pháp cưỡng chế và các hình thức đôn đốc các đối tượng nộp số lợi nhuận bất hợp pháp và tiền phạt vi phạm hành chính phù hợp với lĩnh vực chứng khoán.
- Quy định rõ trình tự, thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và việc chuyển giao cho UBCKNN để xử lý các vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được phát hiện bởi các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
- Hướng dẫn về thủ tục thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) và tiền lãi cho nhà đầu tư để khắc phục vướng mắc phát sinh do Thông tư 37 chưa hướng dẫn cụ thể về thủ tục thực hiện biện pháp này.