MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao “bầu” Hiển hăng hái với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước?

Liên tục đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trong thời gian gần đây, đâu là đích ngắm của ông Đỗ Quang Hiển -"bầu" Hiển?

Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn T&T (T&T Group) của bầu Hiển đã liên tục rót vốn vào các đợt IPO của các doanh nghiệp Nhà nước ở nhiều ngành nghề khác nhau và trở thành một trong số các doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh mẽ nhất vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Hiện tại, tập đoàn T&T đang có những khoản đầu tư lớn tại các doanh nghiệp Nhà nước mới cổ phần hóa, bao gồm Cảng Quảng Ninh, Vegetexco, Bệnh viện Giao thông Vận tải và sẽ trở thành đông lớn nhất tại Unimex Hà Nội trong thời gian tới.

Cụ thể, tập đoàn T&T đã mua 100% vốn Nhà nước tại CTCP Cảng Quảng Ninh, tương đương 49 triệu cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu 98%.

Tại Tổng công ty Rau quả nông sản – Vegetexco, tập đoàn T&T và Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH), hai tổ chức chịu sự chi phối của bầu Hiển, hiện sở hữu 50% vốn. Một doanh nghiệp liên quan tới BSH là Art Export cũng sở hữu 10% cổ phần Vegetexco.

Còn với Bệnh viện Giao Thông Vận Tải, hiện tập đoàn T&T đang là cổ đông chiến lược duy nhất với tỷ lệ sở hữu 30% vốn.

Mới đây, HNX đã thông báo T&T sẽ trở thành cổ đông chiến lược của công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư (Unimex Hà Nội) với tỷ lệ sở hữu 50%.

Có thể thấy, quá trình thâu tóm cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước của bầu Hiển diễn ra khá dồn dập trong thời gian gần đây.

Kết quả kinh doanh không quá nổi bật

Đáng chú ý là trong các doanh nghiệp trên, một số có kết quả kinh doanh khá "tầm thường" trước khi cổ phần hóa và tiềm năng tăng trưởng không rõ ràng.

Ví dụ như Cảng Quảng Ninh, hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây gặp khó khăn khi phải cạnh trạnh với cảng CICT nằm liền kề được đầu tư hiện đại.

Chỉ sau khi được T&T đầu tư, kết quả kinh doanh của Cảng Quảng Ninh mới có dấu hiệu khởi sắc hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cảng Quảng Ninh đạt 185 tỷ đồng doanh thu và 26,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi cùng kỳ năm 2014, hai chỉ tiêu này lần lượt là 132 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng.

Về Vegetexco, sự tăng trưởng của công ty này không rõ rệt qua các năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, công ty lãi ròng 19,6 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận lại chủ yếu đến từ doanh thu tài chính trong khi lãi gộp sụt giảm 12% so với cùng kỳ.

Trường hợp của bệnh viện Giao Thông Vận Tải và Unimex Hà Nội, khả năng tăng trưởng có phần tốt hơn.

Bệnh viện Giao thông Vận tải được đánh giá là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu và là bệnh viện công lập hàng đầu của ngành giao thông vận tải. Cùng với đó là dự án tòa nhà Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đang được triển khai với tổng mức đầu tư 15 triệu USD.

Hiện Unimex Hà Nội đang có kết quả kinh doanh khả quan hơn cả, doanh nghiệp này vừa thu 3,24 triệu USD chuyển nhượng 5,26% cổ phần tại khách sạn Metropole Hà Nội cho Hanoitourist. Trước đó, giá vốn đầu tư của Unimex Hà Nội chỉ là 1 triệu USD.

Quỹ đất trong tầm ngắm

Khi tìm hiểu về các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa mà bầu Hiển đầu tư trong thời gian gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy một điểm chung, đó chính là quỹ đất lớn mà các doanh nghiệp này đang sở hữu.

Bệnh viện Giao thông Vận tải đang ghi nhận giá trị sổ sách quyền sử dụng đất tại Ngõ 1194 đường Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội. Trong đó, 19.414,6 m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ có thời hạn sử dụng lâu dài với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và 1.876,8m2 đất nằm trong quy hoạch mở đường.

Trên thực tế, bệnh viện Giao thông Vận tải đang quản lý tổng cộng 20.983,8 m2 diện tích đất do Bộ GTVT đã quyết định bàn giao khu đất có diện tích 307,8 m2 hiện do bệnh viện quản lý cho Trung tâm Giám định Y khoa – Cục Y tế GTVT.

Với trường hợp của Vegetexco, nếu không bao gồm mảnh đất 11.000 m2 tại TP.HCM vẫn được tính thuộc sở hữu Nhà nước, hiện công ty đang có quyền sử dụng đất tại 9 mảnh đất với tổng diện tích lên tới 160.000m2. Trong đó phải kể đến 38.191m2 đất tại Phường Bình Hưng Hòa, TP. HCM; 1.969m2 đất tại số 2 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội và 11.221m2 đất kho Cầu Diễn, Hà Nội.

Cùng với đó, hàng loạt dự án bất động sản đang được Vegetexco thực hiện như nâng cấp cải tạo trụ sở 58 Lý Thái Tổ thành khách sạn tương đương 3 sao, xây dựng tòa nhà hỗn hợp bao gồm trung tâm thương mại văn phòng cho thuê cao 9 tầng tại Phạm Ngọc Thạch và xây dựng chung cư Cầu Tiên 15 tầng tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Còn với Cảng Quảng Ninh, doanh nghiệp này có cơ sở hạ tầng gồm 4 kho với tổng diện tích 10.700m2, tổng diện tích bãi chứa hàng là 142.000m2. Cảng nằm trong vịnh nên có tầm nhìn đẹp, thích hợp để xây dựng các khu căn hộ cao cấp. Quảng Ninh lại là nơi có cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn, đủ tiềm năng để phát triển du lịch.

Unimex Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ khi đang quản lý sử dụng 10 khu đất tại Hà Nội và 5 khu đất khác tại Hải Phòng, TP.HCM với tổng diện tích đất hơn 63.000m2.

Một vài doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa cần có thời gian để cải thiện và phát triển hoạt động kinh doanh. Song “tấc đất tấc vàng”, với quỹ đất dồi dào của các doanh nghiệp đang được đầu tư, bầu Hiển có thể yên tâm phần nào về khả năng sinh lời và hiện thực hóa tham vọng mở rộng mảng kinh doanh bất động sản.

 

Theo LÊ HẢI

BizLIVE

Trở lên trên