Vì sao huy động trái phiếu chính phủ 2015 sẽ gặp thách thức lớn?
Bình luận của ông võ trí thành (viện phó ciem) ông nguyễn sơn (ubck nn) và bà nguyễn thị hồng (phó thống đốc NHNN) về quyết định: từ năm 2015 chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên, tại tọa đàm trực tuyến biztalk: “làm ăn gì năm 2015?”
Theo Nghị quyết 78 của Quốc Hội về Dự toán ngân sách nhà nước 2015, từ năm 2015, phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.
Trong khi đó kỳ hạn các đợt phát hành trước đây phổ biến là 2 – 3 năm và tỷ trọng kỳ hạn từ 5 năm khoảng 33%. Riêng năm 2014, cơ cấu kỳ hạn 5 năm chiếm khoảng 48%, chủ yếu được phát hành vào giai đoạn cuối năm do.
Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường của UBCKNN, quyết định kéo dài kỳ hạn phát hành dựa trên quan điểm phải giảm áp lực của việc phát hành để đảo nợ.
Tuy nhiên mục tiêu này phải gắn vào thực tiễn thị trường, trong đó có vấn đề người sở hữu trái phiếu. Đặc thù của thị trường trái phiếu Chính phủ là trên 80% do các tổ chức tín dụng nắm giữ, do các khó khăn trong tăng trưởng tín dụng các năm trước đây.
Năm 2015, Việt Nam dự kiến phát hành khoảng 260 ngàn tỷ, tăng khoảng 13% so với năm 2014. Nếu chỉ phát hành loại trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm sẽ khó khả thi trong ngắn hạn. Mục tiêu là như thế nhưng phát hành trái phiếu có thành công hay công còn phụ thuộc vào người mua, cụ thể là các ngân hàng thương mại.
Đây nên là mục tiêu dài hạn và cần có bước đệm, theo hướng giảm thiểu kỳ hạn dưới 5 năm. Có thể, kỳ hạn trên 5 năm sẽ chiếm khoảng 2/3 hoặc một nửa, phần còn lại các kỳ hạn thấp hơn.
Diễn biến CPI vẫn là khó lường và chỉ số này ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất được thiết kế khi huy động trái phiếu. “Chúng ta không thể huy động trái phiếu dài hạn 7 năm, 10 năm hay 15 năm trong môi trường CPI chưa ổn định” – ông Nguyễn Sơn nói.
Phó viện trưởng CIEM, ông Võ Trí Thành bình luận rằng hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ của Việt Nam còn khá nhiều tồn tại: “Phát hành trái phiếu Chính phủ còn là câu chuyện phát triển thị trường, tạo ra đường cong lãi suất, phải đầy đủ các kỳ hạn khác nhau”.
“Tôi có cảm giác, quyết định chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm chịu áp lực lớn về việc dòng tiền đáo hạn, phải trả nợ đối với các khoản đã phát hành trước đây của Chính phủ. Rõ ràng ở đây thiếu sự phối hợp với Ủy ban Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, ở nước ngoài phát hành trái phiếu chính phủ với mục tiêu tạo hàng hóa, phát hành thị trường vốn… người mua không tập trung vào một nhóm đối tượng như ở Việt Nam, hơn 80% so các ngân hàng nắm giữ.
Năm 2014 Chính phủ phát hành lượng trái phiếu rất lớn do tín dụng tăng thấp. Trong thời gian tới, nếu tín dụng tăng trưởng cao trở lại thì nhu cầu mua trái phiếu của ngân hàng thương mại cũng sẽ giảm.
Do đó, việc phát hành trái phiếu Chính phủ khối lượng lớn trong năm 2015 sẽ là thách thức lớn. Tín dụng năm nay được định hướng tăng 13%- 15% trong năm nay so với mức 12% – 14% năm 2014.
Bản thân các ngân hàng lựa chọn mua trái phiếu bao nhiêu, kỳ hạn nào phụ thuộc vào cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn họ huy động được.
Nếu phụ thuộc quá lớn vào hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu Chính phủ cũng sẽ chịu những ảnh hưởng gián tiếp từ hệ thống này, do các ngân hàng chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi các chính sách tiền tệ.
Ví dụ khi phải kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lượng tiền của các ngân hàng co lại. Việc mua trái phiếu chỉnh phủ của các ngân hàng khi đó phải được cân nhắc nhằm đảm bảo khả năng chi trả mọi thời điểm.
Theo ANH TUẤN
Diễn đàn đầu tư