MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index: Hoàn toàn có thể vượt qua ngưỡng 550 điểm

Về dài hạn chứng khoán luôn đi theo chu kỳ kinh tế. Nếu căn cứ theo yếu tố kinh tế thì VN-Index hoàn toàn có thể vượt qua ngưỡng 550 điểm, xa hơn là 600-650 điểm.

Ông Đàm Hồng Sơn - chuyên gia phân tích - Phòng Phân tích và Đầu tư của CTCP Chứng khoán Artex trao đổi về những vấn đề của TTCK trong thời gian gần đây.

Chứng khoán thế giới mấy phiên vừa qua hồi phục mạnh, nhưng thị trường trong nước vẫn lình xình, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

Thị trường chứng khoán thế giới đang trải qua những phiên hồi phục khá mạnh. Các chỉ số DJ, S&P500, FTSE, DAX, CAC đang quay lại mức đỉnh cũ thiết lập hồi tháng 6 và không loại trừ khả năng tạo lập đỉnh mới. Nguyên nhân của sự phục hồi này chính là kết quả kinh doanh rất khả quan của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các ngân hàng.

Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này như: các ngân hàng còn ít tài sản độc hại; gia tăng bảo lãnh đối với các công ty muốn tăng vốn hoặc tái cấp vốn; lợi nhuận cao từ các hoạt động giao dịch chứng khoán; và đặc biệt là có ít sự cạnh tranh hơn sau khi nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Lợi thế sau cùng này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong vài quý tới. Như vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp đã làm cho nhà đầu tư tạm quên đi nỗi ám ảnh về tỷ lệ thất nghiệp

Trong thời gian gần đây, chứng khoán trong nước hầu như không đi theo thị trường chứng khoán thế giới. Không phải là lúc này, kinh tế thế giới không ảnh hưởng đến Việt Nam, mà do nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam đang có những vấn đề của riêng nó.

Đối với nền kinh tế, nỗi lo lạm phát thể hiện khi các mục tiêu kích cầu dường như không hoàn toàn đúng chỗ, nhập siêu quay trở lại gây căng thẳng về tỷ giá, ...Còn đối với thị trường chứng khoán, trong lúc dòng tiền đang bị rút dần ra thì lượng cung lại tăng mạnh, giá chứng khoán giảm cũng là điều dễ hiểu.

Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của cổ phiếu Vietinbank đến thị trường?

Việc định giá chào sàn quá cao của CTG đương nhiên ảnh hưởng đến toàn thị trường nói chung cũng như các cổ phiếu ngân hàng nói riêng. Khi chào sàn, P/E Forward của CTG đã lên tới mức 25, quá cao so với mặt bằng chung. Cổ phiếu cũng chỉ là một loại hàng hóa và giá cả của hàng hóa thì bao giờ cũng phải xoay quanh giá trị. Bởi vậy, CTG liên tục giảm sàn để về với giá trị thật của nó là điều hợp lý.

Có một ví dụ tiêu biểu trong quá khứ mà nó hoàn toàn ngược với tình cảnh của CTG hiện nay: HAG cách đây hơn nửa năm, chỉ định giá chào sàn ở mức 40, một mức rất thấp. Ngay cả khi VN-Index mất điểm liên tục, xuống tận đáy 235 thì HAG chưa bao giờ xuống thấp hơn mức chào sàn ban đầu.

Qua đó cho ta thấy, mức giá mà thị trường quyết định mới là mức giá gần với giá trị thực nhất, chứ không phải mức giá do doanh nghiệp đưa ra.

Tại sao các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý II mà thị trường dường như không có phản ứng mạnh mẽ nào?

Rất nhiều doanh nghiệp lớn đã công bố KQKD các tháng 4 và tháng 5. Cho nên, nhà đầu tư sẽ không khó khăn để đoán được lợi nhuận của tháng tiếp theo, nhất là khi môi trường kinh doanh không mấy thay đổi. Và điều này đúng, nó được phản ánh qua giá cổ phiếu trong giai đoạn cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua.

Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố bao nhiêu phần trăm số lợi nhuận mà họ đạt được. Điều đó phụ thuộc vào mức độ nóng lạnh của thị trường chứng khoán. Trong trường hợp thị trường vẫn không tốt như hiện nay, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ để dành cho lợi nhuận cho các quý tiếp theo.

Vì vậy, nếu không có sự đột biến nào thì nhà đầu tư sẽ dành sự quan tâm cho những diễn biến vĩ mô nhiều hơn.

Giá trị giao dịch thị trường thời gian qua xoay quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng – đây không phải con số nhỏ nhưng có ý kiến cho rằng dòng tiền đang ra khỏi thị trường, ông đánh giá thế nào?

Khối lượng cũng như giá trị giao dịch hiện đang ở mức thấp, thấp hơn so với mức trung bình 50 ngày của Vn-Index. Tuy nhiên, nếu tính theo từng tháng thì chúng ta lại thấy điều ngược lại. Đây lại là tháng có giá trị và khối lượng giao dịch cao thứ 4 trong lịch sử Vn-Index, chỉ sau lần lượt các tháng 6, 5 và 4 vừa qua. Nghĩa là, xét trong dài hạn thì giá trị giao dịch xoay quanh 1.000 tỷ mỗi phiên như hiện nay vẫn là một mức khá cao.

Tuy nhiên, khi xem xét đến dòng tiền thì người ta thường không coi trọng giá trị cao thấp của nó bằng việc sử dụng nó như một công cụ đơn giản để phát hiện sự đảo chiều của xu hướng hiện tại.

Nhiều nhận định của các chuyên gia vẫn cho rằng thị trường sẽ tăng trong dài hạn, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Ông có dự đoán nào cho chỉ số đại diện 2 sàn vào cuối năm nay?

Về dài hạn, thị trường chứng khoán luôn đi theo chu kỳ kinh tế.

Hiện nay, kinh tế vẫn đang trong vùng đáy, nghĩa là những gì tốt đẹp còn nằm ở phía trước. Vì vậy, nếu căn cứ theo yếu tố này thì VN-Index hoàn toàn có thể vượt qua ngưỡng 550 điểm, xa hơn là 600-650 điểm.

Từ nay đến cuối năm, vấn đề đáng lo ngại nhất có lẽ vẫn là lạm phát. Nếu lạm phát được kiềm chế ở mức thấp thì những mốc dự đoán ở trên có cơ sở để trở thành hiện thực.

Theo ATP

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên