MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VN-Index xuống dưới 390 điểm, HNX-Index xuống sát 62 điểm

Thị trường liên tục dò đáy và chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng này sẽ chấm dứt. AVS cho rằng cần phải có một thời gian đủ dài để chứng khoán có cơ hội tăng điểm trở lại.

Mặc dù TTCK thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước đều hồi phục mạnh sau khi chính phủ Hy Lạp mới ra mắt, song TTCK Việt Nam hiện nay dường như không còn bị chi phối nhiều trước những thông tin từ thế giới.

Mặc dù VN-Index đã giảm trong suốt tuần qua, song mở cửa phiên giao dịch sáng nay, VN-Index tăng nhẹ 1,22 điểm lên 397,5 điểm sau đó sang đợt 2 lại giảm hơn 4 điểm xuống 392 điểm. Khi ngưỡng hỗ trợ 400 điểm bị phá vỡ, nhiều người chưa thể hình dung ra viễn cảnh của VN-Index sắp tới sẽ “đi về đâu” bởi hiện tại không có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để kéo thị trường đi lên, trong khi dòng tiền ngày càng sụt giảm trên cả hai sàn.
 

Toàn thị trường lúc này có 163 mã giảm giá, trong đó có tới 62 mã giảm sàn; số mã tăng giá chưa đến 30 mã.

Trong nhóm bluechips, MSN giảm 2.000 đồng, VIC giảm 1.000 đồng, SSI giảm 400 đồng xuống 16.300 đồng, VCB, HAG, EIB, MBB đều giảm diểm. STB đầu phiên tăng nhẹ lên 14.100 đồng, tuy nhiên hiện đang giao dịch tại giá tham chiếu.

HQC sau thông tin chủ tịch HĐQT đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu, vợ đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu, sáng nay tiếp tục giảm sàn xuống 7.600 đồng, dư bán sàn hơn 920 nghìn đơn vị. Đây là phiên giảm điểm thứ 7 của HQC và cũng là phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp.

Một số mã khá giảm mạnh là OGC, PTC, QCG, TNT…

Bên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,84 điểm xuống 62,73 điểm (-1,37%). KLS đã xuống dưới mệnh giá, giao dịch quanh mức 9.500 – 9.700 đồng/cp; VND xuống 9.500 đồng/cp, đang có dư mua giá sàn 9.300 đồng hơn 800 nghìn đơn vị; các mã khác như PVL, SME, VSP giảm sàn.

SHC, SJ1 tăng trần song thanh khoản rất thấp.

Theo CTCP Chứng khoán Âu Việt, hiện tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục tăng cao. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong khi các công ty trong ngành này hầu hết đang phải gánh chịu chi phí lãi vay khá lớn khiến cho rủi ro tại các công ty này tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, chi phí lãi vay vẫn tiếp tục ở mức cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn hơn... Do đó, AVS cho rằng cần phải có một thời gian đủ dài để chứng khoán có cơ hội tăng điểm trở lại.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên