VNSTEEL mua lại 85% cổ phần Nhà máy thép mạ kẽm của Lilama Hà Nội
CTCP Lilama Hà Nội và Tổng công ty thép Việt Nam (VNSTEEL) vừa đạt được thoả thuận về mua bán và sáp nhập (M&A) với giá trị lên tới 30 triệu USD.
Với thương vụ M&A này, VNSTEEL sẽ thông qua một pháp nhân mới (CTCP Tôn mạ VNSTEEL Thăng Long) để sở hữu 85% cổ phần chi phối đối với Nhà máy Thép mạ kẽm, mạ màu của Lilama Hà Nội tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Theo đánh giá của đơn vị tư vấn VPBS, với giá trị 579 tỷ đồng (gần 30 triệu Đô la Mỹ), giao dịch này là một trong những giao dịch M&A tiêu biểu của Việt Nam trong năm 2010.
Ngoài ra, thương vụ M&A này gây được sự chú ý của dự luận do cả 2 đơn vị đều là những doanh nghiệp mạnh, có tầm ảnh hưởng lớn trên thương trường.
Theo đó, VNSTEEL là một doanh nghiệp Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc điều tiết thị trường thép, đóng góp vào sự bình ổn về giá thành và đảm bảo về nguồn cung cầu trên thị trường thép hàng năm.
Trong khi đó, Lilama Hà Nội là một đơn vị thuộc Tổng Công ty Lắp Máy Việt Nam có bề dày 47 năm phát triển, với ngành nghề truyền thống là thiết kế, chế tạo và lắp máy…
Theo ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc VPBS, đơn vị tư vấn giao dịch M&A này cho biết, đây là một hợp đồng tư vấn điển hình của VPBS trong năm nay thể hiện không chỉ ở giá trị lớn mà còn ở cơ cấu giao dịch. “VPBS đã đề xuất cơ cấu giao dịch thỏa mãn được tối đa tiêu chí do từng bên tham gia giao dịch đặt ra, đồng thời đảm bảo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp mới được thành lập từ giao dịch M&A này”, ông Dũng nói.
Về phía Công ty Lilama Hà Nội, ông Ngô Công Cường, Tổng Giám đốc cho biết, đây rõ ràng là một giao dịch có lợi cho tất cả các bên tham gia. Cụ thể là, Lilama Hà Nội thu hồi được một phần vốn đầu tư để tập trung vào mảng kinh doanh chính của mình là xây lắp, trong khi VNSTEEL sẽ tiết kiệm được thời gian đầu tư xây dựng và tận dụng mạng lưới phân phối sẵn có của mình để phát triển thị trường phía Bắc.
Ngoài ra, ông Cường còn tiết lộ thêm, Lilama Hà Nội đang đặt nhiều kỳ vọng vào doanh nghiệp mới trong tương lai dựa vào mối quan hệ đối tác chặt chẽ có được từ sự thành công của giao dịch M&A này.
Với những động thái đang diễn ra thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A sẽ ngày càng phát triển mạnh với số lượng các thương vụ M&A tăng lên, và quy mô các thương vụ cũng ngày một lớn hơn.
Theo ước tính của Avalue Vietnam, một tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực định giá, tư vấn tài chính, tư vấn quản trị và đầu tư, trong năm 2009, số thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ước tính đạt 287 và giá trị giao dịch đạt 1,09 tỷ USD. Theo đó, số thương vụ M&A của năm 2009 đã tăng tới 71% so với năm 2008.
Các giao dịch M&A tiêu biểu nhất năm 2009 tại Việt Nam, theo báo cáo nghiên cứu của Avalue Vietnam là: Viettel mua lại 35 triệu cổ phần của Vinaconex; HSBC nâng sở hữu thêm 8% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt; Thương vụ sáp nhập giữa Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 và Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 2; Pomina hoán đổi 80 triệu cổ phiếu Thép Việt bằng phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu của Thép Việt….
Về triển vọng 2010, Avalue Vietnam cho rằng, số thương vụ M&A sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, giá trị giao dịch sẽ tăng ổn định, có một số động thái cho thấy sẽ xuất hiện một số thương vụ có quy mô lớn.
Theo Chí Tín
Đầu tư