MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Cơ hội trong ngắn hạn

Quan điểm tích cực ngắn hạn dường như đã chiếm ưu thế, khi 3/5 chuyên gia được hỏi đã tăng tỷ trọng cổ phiếu...

Với những biến động tích cực từ thông tin trong cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và hoạt động giao dịch năng động của hai quỹ ETF, thị trường đã có chuyển biến về điểm số lẫn thanh khoản trong ngày cuối tuần. Phần lớn các chuyên gia được phỏng vấn đều nghiêng về kịch bản lạc quan trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, liệu những dấu hiệu trong một phiên cuối tuần đã đủ sức nặng để khởi động một xu thế tăng mới hay chưa lại dẫn đến những quan điểm khác biệt. Một xu thế tăng bền vững được nhìn nhận khá thận trọng khi cần thêm các tín hiệu chắc chắn, dù ngắn hạn có thể tích cực. Tâm lý được cởi bỏ và dòng tiền bớt phòng thủ hơn có khả năng dẫn đến những biến động tích cực trước mắt.

Điều được các chuyên gia chờ đợi để triển vọng thị trường rõ ràng hơn là sự trở lại của dòng vốn đầu cơ, dòng tiền của khối ngoại tăng mua trở lại và thanh khoản mạnh mẽ.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

FED đã không nâng lãi suất và thị trường có một ngày cuối tuần bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản. Anh chị đánh giá sức mạnh thị trường phiên cuối tuần như thế nào, liệu thông tin này có đủ sức nặng để khởi động một xu thế tăng mới?

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Theo tôi việc FED tạm thời chưa nâng lãi suất là một thông tin hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn, dòng tiền vốn dè dặt chờ đợi đã mạnh dạn hơn.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ thông tin này có đủ sức nặng để khởi động một xu thế tăng bền vững, bởi lẽ rủi ro trung hạn vẫn còn nguyên đó. FED chắc chắn sẽ bắt đầu thực hiện tăng lãi suất, có chăng chỉ là vấn đề thời gian.

Điều nên quan tâm hơn đó là mức độ và nhịp độ tăng lãi suất của FED sẽ thế nào trong thời gian tới. Rủi ro từ Trung Quốc vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thế giới trong thời gian tới.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Hiện tượng thanh khoản tăng trong phiên cuối tuần không bất ngờ, bởi có liên quan đến hoạt động của các quỹ ETF.

Tuy nhiên, khi những lo ngại về FED tăng lãi suất và sự mong ngóng hành động của các quỹ ETF đã được giải tỏa, chúng ta có thể tin tưởng dòng tiền sẽ bớt phòng thủ hơn.

Tôi chưa hoàn toàn tin tưởng vào một xu thế tăng mới bởi đóng cửa nhiều mã thấp hơn giá trong phiên, nhưng tôi rất tin vào khả năng ngược dòng của một số nhóm cổ phiếu.

Tôi tiếp tục duy trì quan điểm thị trường đi ngang nhưng sẽ có từng nhóm cổ phiếu nổi lên giữ nhịp thị trường.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Thị trường phản ứng tích cực hơn và điều này đã thể hiện qua thanh khoản tăng mạnh trên cả 2 sàn giao dịch. Khối lượng giao dịch tăng vọt, nhiều mã cổ phiếu chủ chốt thu hút dòng tiền và đây là một trong những tín hiệu quan trọng cho thấy thị trường đang đi vào một đợt tăng điểm mới phá vỡ diễn biến điều chỉnh đi ngang.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Việc thị trường bùng nổ về thanh khoản đã được chúng ta dự báo từ trước bởi phiên thứ 6 cuối tuần là phiên “review” danh mục của hai quỹ ETF. Các mã vốn hóa lớn vượt ngưỡng tỷ trọng nắm giữ của ETF đều có lệnh bán lớn. MSN đã mất hơn 2% trong khi VIC giữ được mức gia tham chiếu.

Tương ứng, đợt tái cơ cấu tạo ra dư địa cho cổ phiếu mới được thêm vào như NT2, cũng như các mã khác như HAG và KDC, giúp các mã này tăng khoảng 2%. Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong tuần - BID, có ngày giảm điểm thứ 3 liên tiếp, nhưng áp lực bán đã suy giảm khi có 7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên hôm nay, so với con số tổng cộng 200 nghìn trong hai ngày trước đó.

Các quỹ ETF cùng với khối ngoại chiếm hơn 25% tổng giá trị giao dịch trong phiên giao dịch cuối tuần. Phiên giao dịch cuối tuần mang lại hiệu ứng tích cực tương đối tốt theo tín hiệu kỹ thuật đi kèm thanh khoản đạt mức yêu cầu.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Diễn biến thị trường phiên cuối tuần đã cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được gỡ bỏ để thay thế bằng sự lạc quan, kỳ vọng vào xu hướng tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn khi mà các yếu tố khiến thị trường lo ngại trước đó như cuộc họp của FED hay kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs đều đã diễn ra theo chiều hướng tích cực.

Do đó, cá nhân tôi kỳ vọng rằng thị trường hiện tại hoàn toàn có cơ hội phá vỡ xu hướng đi ngang để bước vào một nhịp tăng điểm ngắn hạn.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Những thông điệp trong việc không tăng lãi suất lần này dựa nhiều vào yếu tố bên ngoài, trong đó có việc thị trường chứng khoán lẫn tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nghĩa là nền tảng vĩ mô chung chưa tích cực. Thị trường chứng khoán quốc tế đã không hào hứng như thị trường Việt Nam. Theo anh chị, điều này có đáng quan ngại hay không?

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi rất quan tâm đến yếu tố quốc tế trong giai đoạn này. Thực tế đã cho thấy thị trường thế giới có tăng điểm, chưa chắc thị trường Việt Nam đã tăng. Nhưng khi thị trường thế giới giảm điểm, Việt Nam sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Vì vậy tôi giữ quan điểm thận trọng.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Việc FED quyết định trì hoãn tăng lãi suất đã kết thúc nhiều tuần đồn đoán và bất trắc. Điều này có thể là một điểm cộng phần nào hỗ trợ tâm lý đầu tư trong nước, đặc biệt là trong mảng ngân hàng khi hầu hết các mã đều tăng điểm ngoại trừ BID.

Với các nhà đầu tư nước ngoài chúng tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục do dự và thận trọng trong bối cảnh vĩ mô thế giới như hiện nay.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Theo quan sát của tôi, chứng khoán tại một số thị trường mới nổi thực ra đã tăng sau thông tin FED chưa tăng lãi suất. Điều này cũng hợp logic, do đây là nhóm dự báo sẽ bị tác động mạnh nhất bởi việc FED tăng lãi suất, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Theo tôi, trong ngắn hạn không có gì đáng ngại, bởi dòng tiền nước ngoài vốn dè dặt trước cuộc họp của FOMC, FED có thể sẽ quay trở lại các thị trường mới nổi/thị trường biên, trong đó có bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, rủi ro trung và dài hạn là điều đáng ngại hơn, bởi viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng chung đến nhóm các nước đang phát triển và thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là các thị trường mới nổi. Việt Nam cũng nằm trong khu vực các thị trường mới nổi/thị trường biên nên bị ảnh hưởng chung là điều có thể dự đoán.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng kết quả cuộc họp FOMC đã trùng khớp với phần lớn kỳ vọng của thị trường trước đó khi mà FED đã trì hoãn việc tăng lãi suất do tiếp tục thận trọng trước việc lạm phát chưa đạt mức mục tiêu 2% và những nhân tố rủi ro liên quan đến tình hình Trung Quốc gần đây.

Do đó, việc thị trường chứng khoán toàn cầu có phản ứng khá dè dặt với thông tin được cho là tích cực này là điều có thể lý giải được.

Theo tôi, tăng lãi suất là việc sớm hay muộn FED sẽ phải thực hiện (có thể sẽ rời sang cuộc họp tháng 10 hoặc tháng 12 tới) nên thực chất rủi ro không phải đã được loại bỏ mà chỉ là kéo dài thêm thời gian.

Do vậy, câu chuyện liên quan đến lãi suất đồng USD sẽ quay trở lại và tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu trong một vài tháng tới.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Qua nghiên cứu động thái giao dịch của khối ngoại một vài năm trở lại đây cũng như diễn biến mua bán cổ phiếu của khối ngoại trên thị trường Việt Nam trong vài tháng gần đây thì việc kinh tế vĩ mô thế giới vẫn tiềm ẩn những bất ổn nội tại. Việc không tăng lãi suất của FED tác động một phần đến dòng tiền ngoại cũng như tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều quan trọng hơn theo tôi đó là nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thử thách lớn hơn trong công cuộc duy trì sự ổn định cũng như phát triển nền kinh tế.

Việc điều chỉnh tỷ giá, lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại, câu chuyện nợ công rồi tăng trưởng tín dụng thấp sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền tham gia vào thị trường và ở đây, nhà đầu tư ngoại cũng đã và đang nhận thức rằng hiện ngày càng ít cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Rõ rằng điều này là đáng lo ngại và vai trò của chính phủ, các cơ quan chức năng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được đặt ra lớn hơn bao giờ hết để thu hút trở lại sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Trong trường hợp ủng hộ một cơ hội tăng của thị trường, điều anh chị mong đợi nhất là gì?

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi kì vọng vào một thị trường tăng điểm ngắn hạn trong tuần sau, chỉ số HNX-Index có thể tiệm cận vùng 78 điểm còn với VNindex khả năng sẽ vượt vùng 578 điểm với thanh khoản thị trường sẽ tích cực hơn. Cùng với đó là xu hướng quay trở lại của dòng tiền đầu cơ.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi kỳ vọng VN-Index sẽ bứt phá qua ngưỡng cản 575 điểm để tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh 585-590 điểm trong ngắn hạn.

Khối ngoại duy trì hoạt động mua ròng và sức mạnh của dòng tiền nội được cải thiện mạnh mẽ là những điều tôi mọng đợi để hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của thị trường trong thời gian tới.

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Với tôi điều cần thiết nhất ở đây là niềm tin nhà đầu tư được cải thiện, hay nói cách khác là thanh khoản toàn thị trường phải tăng mạnh mẽ. Lực cầu chảy mạnh vào các cổ phiếu blue-chips và những cổ phiếu dạng đầu cơ dẫn dắt.

Chỉ 2 yếu tố nói trên xuất hiện là điều kiện cần và đủ để thị trường có thể tăng điểm bền vững.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Tôi trông đợi dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại, hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Nếu thị trường tăng trở lại, tôi cho rằng động lực lớn nhất sẽ đến từ khối ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF. Đây sẽ là nhân tố quan trọng giúp thị trường có thể khởi tạo một sóng tăng mạnh mẽ.

Trong kịch bản ít lạc quan hơn, thị trường không tăng mạnh nhưng dập dình đi ngang hoặc tăng chậm, như chia sẻ từ các tuần trước, tôi mong đợi các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt sẽ tạo sóng.

Nguyễn Hoàng

VnEconomy

Lực cầu từ nhà đầu tư trong nước tỏ ra mạnh mẽ khi hai quỹ ETFs tiến hành giao dịch cuối cùng. Anh chị có tham gia mua hay không, mức phần bổ vốn hiện là bao nhiêu?

Ông Lê Đức Khánh

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)

Nếu phiên giao dịch cuối tuần không có diễn biến giao dịch tích cực hơn cũng nhưng thanh khoản cải thiện mạnh mẽ thì có lẽ tôi vẫn sẽ giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt như hiện tại.

Tôi cũng đã thực hiện giải ngân thêm với tỷ lệ vừa phải ở phiên cuối tuần qua và tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện nay đang là 40%/60%.

Tôi kỳ vọng vào một con sóng khá từ nay đến cuối năm. Câu chuyện chọn mã, thời điểm nào vẫn là bài toán cần giải gấp của các nhà đầu tư hiện nay.

Ông Phạm Thiên Quang

Trưởng bộ phận Equity Research - Chứng khoán MBS

Với dự báo khả năng thị trường sẽ dao động trong khoảng 500 - 600 điểm, chứ khó có “uptrend” mạnh từ nay đến cuối năm, tôi thường sẽ không tăng mua cổ phiếu khi thị trường tăng về vùng cận trên.

Tôi sẽ canh bán nếu thị trường tiếp tục tăng về vùng 600 điểm, hoặc cổ phiếu nắm giữ đạt mức giá kỳ vọng. Trạng thái cổ phiếu/tiền mặt vẫn đang ở mức 20/80.

Trường hợp thị trường điều chỉnh về vùng cận dưới, tôi sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại.

Bà Hồ Huyền

Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Trong tuần rồi tôi phân bổ thêm 20% vào các cổ phiếu bất động sản. Tỷ lệ cổ phiếu hiện tại là 50%.

Ông Trần Xuân Bách

Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức cân bằng 50% cổ phiếu (trong đó phần danh mục trung hạn là 30% cổ phiếu) và không thực hiện giao dịch trong tuần qua.

Ông Trần Hữu Phúc

Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi có tham gia vào một số các cổ phiếu bị hai quỹ ETF bán mạnh như trường hợp của DRC và VCG. Hiện nay mức phân bổ vốn của chúng tôi 60% cổ phiếu 40% tiền mặt.

* Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cũng như để tạo kênh phản hồi đa chiều khách quan, VnEconomy xin chia sẻ địa chỉ e-mail của các chuyên gia tham gia "Xu thế dòng tiền". Họ sẵn sàng trao đổi, làm rõ thêm các quan điểm và phản hồi phản biện của bạn đọc.

 

 

 

 

Theo Nguyễn Hoàng

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên