Thị trường đặt cược USD sẽ còn tăng nữa
Một loạt các lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, thái độ ‘diều hâu’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự suy yếu của đồng euro đã đẩy đồng đô la Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 20 năm, và một số nhà đầu tư đang đặt cược rằng những “đỉnh” mới của đồng USD vẫn còn ở phía trước.
- 10-07-2022Tâm điểm của thị trường tài chính toàn cầu tuần tới: USD quá mạnh, lợi nhuận các ngân hàng kém khả thi vì lãi suất tăng
- 10-07-2022Lợi nhuận ngân hàng sẽ kém sắc hơn trong nửa cuối năm?
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chủ chốt – đã tăng 12% trong năm 2022, kết thúc tuần qua ở mức 106,96, và đang hướng đến năm tăng mạnh nhất kể từ 2014. DXY đã tăng trong 7/10 năm vừa qua.
Xu hướng tăng giá kéo dài của đồng USD.
Nhiều yếu tố đang cùng lúc đẩy USD mạnh lên. Các nhà đầu tư tin rằng Ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nhiều ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu vì họ có nhiệm vụ phải chống lại mức lạm phát ở Mỹ tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận.
Đồng thời, một số nhà phân tích lo ngại rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương khác có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc suy thoái. Trong khi đó, những người khác đang nắm giữ USD vì họ tin rằng nước Mỹ sẽ vượt qua cuộc suy thoái đang rình rập trên toàn cầu tốt hơn các quốc gia khác.
USD trong năm nay tăng giá so với tất cả tiền tệ của các thành viên nhóm G10.
Đồng bạc xanh đã tăng so với tất cả các thành viên nhóm G10, trong đó tăng mạnh nhất so với yen Nhật, do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản một mình tách biệt khỏi làn sóng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu.
Dòng tiền càng chảy mạnh vào USD trong bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng khi giá khí đốt châu Âu tăng cao khiến đồng euro EUR giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ và gần ngang bằng với đồng bạc xanh.
Nếu Fed vẫn tăng lãi suất ngay cả khi châu Âu và Mỹ rơi vào suy thoái, đồng euro có thể giảm xuống mức thấp nhất là 0,95 so với đồng USD, tương đương giảm khoảng 7% so với mức hiện tại, nhà phân tích George Saravelos của Deutsche Bank cho biết.
Trong một bài báo, ông Saravelos viết: "Chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng đi xa đến mức đó, nhưng đã có sự suy giảm rõ ràng về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, và cụ thể là đồng euro, trong hai tuần qua.
Kit Juckes, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Societe Generale, cũng tin rằng đồng đô la Mỹ có thể được hưởng lợi nếu xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu.
Ông viết trong một thông điệp vào đầu tuần qua rằng: "Có nỗi lo về suy thoái toàn cầu, và đồng USD hiện đang rất ít bị ảnh hưởng bởi dữ liệu của Mỹ", "Nếu dữ liệu của Mỹ cho thấy kinh tế đang xấu đi, chúng tôi tin rằng những dữ liệu của châu Âu cũng sẽ yếu kém tương tự như của Mỹ."
Diễn biến chỉ số DXY ở những thời điểm Fed tăng lãi suất.
Lịch sử cho thấy đồng đô la có xu hướng tăng giá trong những tháng chuẩn bị vào đợt tăng lãi suất đầu tiên trong các chu kỳ tăng lãi suất, trước khi giảm bớt sau khi lãi suất tăng mạnh lên.
Tuy nhiên, cho đến nay, đồng đô la vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Chỉ số đồng USD đã tăng 8% kể từ khi Fed tăng lãi suất, vào ngày 16 tháng 3 - lần tăng đầu tiên kể từ tháng 12 năm 2018.
Đồng USD mạnh lên có thể giúp Fed chống lại lạm phát bằng cách làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn; đồng thời, nó làm cho các sản phẩm của các nhà xuất khẩu Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài trong khi gây áp lực lên lợi nhuận cuối cùng của các công ty Mỹ - cần chuyển lợi nhuận của họ ra nước ngoài bằng tiền USD.
Tháng 6, Microsoft Corp đã cắt giảm dự báo lợi nhuận và doanh thu quý 4, cùng với một số công ty khác của Mỹ cũng cảnh báo về tác động tiêu cực từ việc đồng bạc xanh mạnh lên.
Số ngày khi chỉ số DXY tăng tăng 0,5% trở lên trong năm nay cao nhất kể từ 2015.
Sức mạnh của đồng USD đi kèm với sự biến động mạnh trên thị trường tiền tệ, khi các nhà giao dịch cố gắng theo kịp với môi trường lãi suất toàn cầu thay đổi nhanh chóng.
Chỉ số biến động tiền tệ của ngân hàng Deutsche Bank - DBCVIX, đo lường kỳ vọng về sự thay đổi tỷ giá trên thị trường ngoại hối, ngày 7/7 là 11,09, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Trong khi đó, năm nay, đã có 25 ngày đồng đô la tăng 0,5% trở lên, mức cao nhất so với bất kỳ thời kỳ nào so sánh được kể từ năm 2015.
Đã tăng nhiều nhưng dự đoán DXY sẽ còn tăng tiếp.
Các nhà đầu cơ trên Thị trường Tiền tệ Quốc tế dường như kỳ vọng đồng đô la sẽ tăng thêm nữa, với lượng tiền ròng đặt cược vào USD tăng lên tới 13,62 tỷ USD.
Các nhà đầu cơ đã duy trì lập trường đồng USD tăng giá từ gần một năm nay, chuỗi ngày dài nhất kể từ tháng 3 năm 2020, dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ cho thấy.,
Tham khảo: Refinitiv