MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu mỏ nghi ngờ hiệu quả của thỏa thuận OPEC +

06-12-2020 - 11:08 AM | Thị trường

Thỏa thuận của OPEC + về việc chỉ nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1 thay vì 2 triệu thùng nhìn chung có vẻ là một thỏa thuận hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhóm này, có thể tác động không nhỏ đến hiệu quả của thỏa thuận.

Tuần này, giá dầu tăng tuần thứ 5 liên tiếp, theo đó dầu Brent tăng 1,7%, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,9%, kết thúc phiên 4/12 ở lần lượt 49,25 USD/thùng (tăng 54 US cent hay 1,11% so với phiên liền trước) và 46,26 USD/thùng (tăng 62 US cent).

Các nhà kinh doanh cho biết, giá dầu tuần này tăng là nhờ kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế của Mỹ và khả năng vắc xin Covid-19 sẽ sớm có mặt trên thị trường để nhanh chóng ngăn chặn đại dịch. Niềm tin đó đã át đi những lo ngại về việc số ca tử vong do Covid-19 vẫn không thuyên giảm, và nguồn cung dầu trên thị trường đang tăng lên.

Hiện ít có nhà đầu tư nhắc tới tác động của việc OPEC+ vừa quyết định giảm mức tăng sản lượng dự kiến từ tháng 1/2021 từ 2 triệu thùng/ngày xuống 500.000 thùng/ngày.

Trong ngày họp 3/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã nhất trí thay đổi kế hoạch tăng sản lượng trong năm 2021, theo đó chỉ tăng 1/4 mức dự định ban đầu, nhưng chưa thỏa hiệp được về chính sách lâu dài hơn cho thời gian còn lại của năm 2021 (mặc dù vậy, thị trường vẫn dự đoán OPEC sẽ tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng ít nhất cho đến tháng 3).

Tháng 1 tới OPEC + sẽ lại nhóm họp để bàn xem có tiếp tục tăng dần sản lượng hay tạm dừng ở đó.

Theo kế hoạch này, mức cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu của OPEC+ kể từ tháng 1 tới sẽ là 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu dầu toàn cầu (so với hiện tại đang cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày).

Tuy nhiên, thị trường nhìn chung đều cho rằng thỏa thuận của OPEC + nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế khó có kết quả. Các nhà phân tích hầu như không quan tâm tới quyết định nâng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày do nhóm này đưa ra hôm 3/12, mà chỉ đang tập trung chờ đợi quyết định của nhóm sẽ đưa ra vào tháng 1 tới là có tiếp tục nâng dần sản lượng hay tạm dừng tăng ở đó, bởi tháng 1 còn là dấu mốc quan trọng của một số dự báo khác, chẳng hạn như diễn biến dịch Covid-19, hiệu quả của vắc-xin Covid-19…

Những gì OPEC + đang cố gắng làm là đạt được cả 3 mục đích: Tăng sản lượng, giữ giá dầu và cuối cùng là không nhường thị phần cho các nhà sản xuất bên ngoài nhóm, chẳng hạn như Mỹ hay Brazil.

Các nhà đầu tư cũng có chút tin tưởng vào khả năng của OPEC + trong việc điều tiết nguồn cung cho thị trường với tốc độ tương đương nhu cầu khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục sau đại dịch.

Tuy nhiên, thị trường dầu ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần có rất nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của OPEC +.

Nhưng trên thực tế, dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Mỹ và phần lớn Châu Âu nên thị trường dầu chỉ hy vọng vào sự hồi phục ở Châu Á – nơi đã làm tốt trong việc ngăn chặn đại dịch.

Mặt khác, việc dịch bệnh ở Châu Á được kiểm soát tốt hầu như nhờ vào những hạn chế nghiêm ngặt trong việc đi  lại giữa các quốc gia cũng như trong nội bộ một số nước, vẫn là khuyến khích làm việc tại nhà và tránh tiếp xúc nhau. Như vậy thì nhu cầu dầu thô ở Châu Á cũng khó có thể tăng mạnh.

Trong khi đó, vắc xin dù đã được một số công ty công bố hiệu quả cao, nhưng sẽ còn mất nhiều thời gian để có thể đến được với tất cả mọi người. Như vậy, dự đoán về việc nhu cầu dầu bắt đầu hồi phục từ tháng 1/2021 có vẻ vẫn là hơi lạc quan quá.

Một yếu tố khác cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC +, đó là các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ phản ứng ra sao khi giá dầu tăng lên.

Quá khứ cho thấy, ngành dầu đá phiến Mỹ sẽ gia tăng việc sản xuất dầu thô mỗi khi giá dầu tăng, ban đầu là tăng dần dần, nhưng sẽ tăng tốc theo thời gian nếu giá dầu duy trì vững.

Na Uy, một nhà sản xuất ngoài OPEC +, cũng cho biết việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của họ sẽ kết thúc vào cuối tháng 12, có khả năng họ sẽ bổ sung 300.000 thùng dầu/ngày vào thị trường.

Điều đó có nghĩa là nguồn cung dầu mỏ trên thị trường thế giới từ tháng 1 tới không chỉ tăng thêm 500.000 thùng/ngày từ OPEC+, mà còn nhiều nữa (từ Na Uy và có thể từ những nước khác). Mà thời điểm tháng 1/2021 vẫn còn là quá sớm để các loại vắc xin có thể tác động thúc đẩy du lịch hoặc mở cửa biên giới.

Ngoài ra, cũng có người nghi ngờ về sự tuân thủ thỏa thuận của các thành viên OPEC+. Mặc dù cho đến nay mức độ tuân thủ có vẻ vẫn hợp lý (102% trong tháng 11/2020 đối với các thành viên OPEC cam kết giảm sản lượng), nhưng các thành viên OPEC+ liệu có thể tránh được cám dỗ không khi giá dầu tăng lên, nhất là đối với những thành viên đã phản đối dưới mọi hình thức việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng như hiện tại.

Tóm lại, thỏa thuận của OPEC+ chỉ là một trong số nhiều yếu tố tác động đến thị trường dầu mỏ, trong đó có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhóm này.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên