MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường dầu mỏ sẽ còn căng thẳng do sản lượng của OPEC+ dễ giảm khó tăng

03-02-2022 - 14:05 PM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cuộc họp mới nhất của nhóm các nhà xuất khẩu dầu mỏ OPEC + dường như chỉ diễn ra trong 16 phút để quyết định tiếp tục lộ trình hiện tại. Vì sao họ không nâng mức tăng sản lượng bất chấp các nước tiêu thụ dầu chủ chốt hối thúc và họ sẽ làm thế nào để đạt được các mục tiêu của mình?

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, một nhóm được gọi là OPEC +, đã nhóm họp vào thứ Tư (2/2) và nhanh chóng nhất trí tiếp tục bám sát kế hoạch tăng sản lượng dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày (bpd) mỗi tháng.

Trong một môi trường lý tưởng, mức tăng nguồn cung này có thể đủ để cân bằng thị trường và đảm bảo mức giá khoảng 75 USD/thùng, thay vì mức đóng cửa 89,47 USD đối với dầu Brent hợp đồng tham chiếu kỳ hạn tương lai hôm thứ Tư, 2/2, đúng ngày OPEC+ nhóm họp.

Vấn đề là OPEC + đang trầy trật để thực hiện mục tiêu tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, và đã rơi vào tình trạng đó kể từ khi bắt đầu kế hoạch này vào tháng 8 năm ngoái.

Có nhiều cách tính toán khác nhau dẫn đến những con số khác nhau, nhưng tựu chung thì nhóm này đã sản xuất với sản lượng thấp hơn khoảng 800.000 bpd so với mục tiêu kể từ cuối năm ngoái, và đến thời điểm hiện tại thì con số này có lẽ đã lên tới gần 1 triệu bpd.

10 thành viên của OPEC có hạn ngạch trong nhóm OPEC + đã tăng sản lượng khoảng 210.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022, trong khi sản lượng của Nga tăng khoảng 100.000 bpd, theo dữ liệu của Reuters.

Kể cả khi cho phép một số thành viên khác ngoài OPEC của nhóm OPEC+ tăng nhẹ sản lượng thì có vẻ như nhóm này vẫn không có khả năng thúc đẩy sản lượng đạt mục tiêu đề ra.

Thị trường đang nghi ngờ liệu OPEC + có tin rằng họ cuối cùng sẽ đạt được mục đích đáp ứng mục tiêu sản lượng của mình hay không? Từ đó có thể cung cấp thêm ít nhất 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho thời điểm hiện tại, trong khi vẫn tăng sản lượng thêm 400.000 bpd hàng tháng trong những tháng tới.

Với thực trạng của nhóm, có lẽ việc thị trường nghi ngờ là có lý, ít nhất là trong nửa đầu năm 2022.

Có vẻ như việc ngăn sản xuất dầu dễ hơn là đưa dòng chảy dầu quay trở lại.

Thị trường dầu mỏ sẽ còn căng thẳng do sản lượng của OPEC+ dễ giảm khó tăng - Ảnh 1.

Kết quả thất thường của OPEC+ trong việc thực hiện mục tiêu nâng sản lượng năm 2021.

Giá dầu thô kết thúc tháng 1 đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm do nguồn cung thiếu hụt và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông. Phiên cuối cùng của tháng, ngày 28/1, dầu Brent kỳ hạn tháng 3 đạt 91,21 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ đạt 88,15 USD/thùng, những mức chưa từng có kể từ 2014, đưa mức tăng giá trong tháng 1 đối với Brent lên 17% và WTI lên 18%. Sang tháng 2, giá dầu tiếp tục duy trì ở mức quanh 90 USD/thùng.

Bên cạnh đó, một loạt các vấn đề địa chính trị, chẳng hạn như căng thẳng ở Đông Âu và Trung Đông, cũng như những khó khăn đang diễn ra trong việc giải quyết tranh chấp của Iran với các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này, vẫn là mối lo ngại lớn đối với thị trường dầu mỏ và làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung.

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao của Rystad Energy cho biết: "Nguồn cung tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng là vô cùng quan trọng đối với thị trường, nhưng nhóm đã không thực hiện đầy đủ mức tăng đó", "Do đó, giải pháp ngắn hạn duy nhất để cân bằng cho thị trường dầu đang mất cân đối cung – cầu là thị trường sẽ cần thêm dầu đến từ OPEC + - được chỉ đạo bởi Saudi Arabia, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất trong khối." Song OPEC+ đang mắc kẹt với các kế hoạch đã thống nhất trước đó là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày bất chấp các nước tiêu thụ dầu hàng đầu muốn họ nâng sản lượng nhiều hơn nữa.

Saudi Arabia và các ‘đối thủ nặng ký’ ở Vùng Vịnh như Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có thể tăng sản lượng tương đối nhanh chóng, nhưng thỏa thuận OPEC + không cho phép họ lấn sang hạn ngạch của các nhà sản xuất khác - những nước có thể không tăng sản lượng.

OPEC+ đã đổ lỗi cho việc giá dầu tăng cao là do các nước tiêu thụ dầu lớn không đảm bảo đầu tư đầy đủ vào nhiên liệu hóa thạch trước khi chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.

Một số nguồn tin OPEC + cũng cho biết giá tăng còn do bị Nga và Mỹ đẩy lên, ý nói đến quan hệ căng thẳng giữa 2 bên, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung năng lượng cho Châu Âu có thể bị gián đoạn.

Washington đã cáo buộc Moscow lên kế hoạch xâm lược Ukraine, điều mà Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, phủ nhận. Hôm thứ Tư (2/2), Mỹ thông báo sẽ cử gửi gần 3.000 quân đến Ba Lan và Romania trong những ngày tới để củng cố lực lượng cho các đồng minh NATO ở Đông Âu khi liên minh này tiếp tục tham gia vào các nỗ lực ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết một cơn bão lớn mùa Đông dự kiến sẽ bao phủ phần lớn miền Trung nước Mỹ và kéo dài đến các vùng của Đông Bắc trong tuần này, mang theo tuyết dày, mưa lạnh và băng tuyết. Cơn bão xảy ra vài ngày sau một vụ nổ chết người vào mùa đông và có thể làm tăng giá dầu, đặc biệt là khi một số khu vực phải dùng dầu thay thế khí đốt tự nhiên, nơi nguồn cung có thể khan hiếm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu thô của nước này trong tuần cuối cùng của tháng 1 đã giảm 1 triệu thùng, trái với kỳ vọng tăng, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất cũng giảm giữa bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu hồi phục, chẳng hạn như tồn trữ của các nước OECD tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm và tháng 12 vẫn tiếp tục đà giảm, thậm chí giảm nhiều hơn tháng 11.

Giá dầu cao như hiện nay sẽ cản trở các nhà nhập khẩu bổ sung kho dự trữ, đồng nghĩa với tình trạng tồn trữ thấp có thể sẽ còn tiếp diễn.

Do vậy, về mặt nào đó, thị trường dầu thô đang cần một thiết bị ‘ngắt mạch’. Việc nguồn cung tăng đã bắt đầu trở nên ý nghĩa thực sự, thông qua sự kết hợp giữa OPEC + và các nhà sản xuất khác để nâng sản lượng, hoặc tăng trưởng nhu cầu bị ảnh hưởng bởi giá tăng gây ra lạm phát và dẫn đến tăng lãi suất ảnh hưởng tới toàn cầu.

Tuy nhiên, những động lực này sẽ không diễn ra nhanh chóng, với một trong hai khả năng có thể sẽ phải mất vài tháng mới trở nên rõ ràng, có nghĩa là giá dầu có khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức khoảng 90 USD như hiện tại.

Tuy nhiên, giá cũng khó tăng thêm nữa bởi theo một số nhà phân tích thì giá tăng nữa sẽ dẫn đến hiện tượng bán chốt lời. Các nhà phân tích của Bank of America cho biết thị trường dễ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong ngắn hạn sau khi giá tăng khá tốt từ đầu năm đến nay.

Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group ở Chicago, cũng cho rằng: "Có rất nhiều ngưỡng kháng cự gần sát mức 90 USD, vì vậy chúng tôi đã thấy một số động thái bán chốt lời".

Tham khảo: Refinitiv, Oilprice

https://cafef.vn/thi-truong-dau-mo-se-con-cang-thang-do-san-luong-cua-opec-de-giam-kho-tang-20220203135520699.chn

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên