Thị trường địa ốc đã đi qua điểm đáy?
Với tín hiệu tích cực từ lượng giao dịch, nhiều quan điểm cho rằng, thị trường địa ốc đã bắt đầu đi qua điểm đáy và dần phục hồi?
Trái với diễn biến trầm lắng ở giai đoạn nửa cuối năm 2022 và thời điểm tháng 1/2023, thị trường bất động sản đang ghi nhận những tín hiệu “ấm lên”.
Thuỳ Anh (nhân viên tại Đất Xanh Miền Bắc) chia sẻ, chỉ ít ngày trước, đội ngũ kinh doanh của đơn vị này “chốt” thành công căn hoa hậu tại dự án Epic Tower với mức giá 11 tỷ đồng. Cũng theo nhân viên này chia sẻ, từ thời điểm đầu tháng 2/2023, lượng khách hàng quan tâm căn hộ tăng mạnh. Lượng giao dịch chốt thành công cũng gia tăng.
“Một số dự án đã mở bán và chuẩn bị ra hàng đều ghi nhận tín hiệu tốt từ khách tìm mua cũng như lượng khách chốt giao dịch.”, Thuỳ Anh cho biết.
Anh Trần Trung (Giám đốc Sàn môi giới bất động sản ở khu vực Hoài Đức – Hà Nội) cũng cho biết: “Thị trường đang ấm dần lên. Một số khu vực ghi nhận lượng khách đi tìm hàng gia tăng, điển hình như dọc trục đường Vành đai 4 dự kiến qua Hà Đông. Tại Hoài Đức, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm lô đất nền trong dân với tầm giá 1-2 tỷ đồng”.
Theo anh Trung, không chỉ lượng nhà đầu tư xuống tiền mua đất để “tích sản”, chờ đợi thị trường hồi phục, tăng trưởng mà tệp khách hàng mua nhà ở thực cũng gia tăng.
“Khách hàng đã mạnh tay chốt mua, không còn tâm lý do dự, chờ đợi. Trung bình 2 tuần trở lại đây, sàn chúng tôi có tới 4 giao dịch thành công”, anh Trung nói. Theo anh Trung, “Với tín hiệu tích cực như hiện tại, thị trường sẽ bắt đầu ấm lại”. Vị này cũng cho rằng, thị trường đã đi qua điểm đáy và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. “Người mua có nhu cầu đầu tư hay mua để ở có thể tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn này”.
Ngoài ra, ông Trung nhận định, giá bất động sản sẽ khó tiếp tục hạ mà hiện tại sẽ đi ngang hoặc bắt đầu nhỉnh lên.
Trong toạ đàm mới đây, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tình hình bất động sản hiện tại không quá xấu như mọi người nghĩ.
Một dự báo khác mà ông Lực đưa ra, đó là thị trường có thể phục hồi nhưng sẽ không quá sôi động như giai đoạn 2019 - 2021. Đánh giá về sự khác biệt giữa cuộc khủng hiện tại và giai đoạn 2011-2013, ông Lực cho rằng, về bản chất, cuộc khủng hoảng năm 2011 - 2023 là dư cung, còn hiện tại là thiếu cung. Thời điểm điểm 2011 - 2013 nhu cầu rất yếu vì người dân vừa trải qua cuộc suy thoái kinh tế nặng với mức tăng trưởng GDP năm 2012 chỉ 5%. Lạm phát năm 2013 là 19%. Nhưng hiện tại, tình hình kinh tế vĩ mô ổn hơn nhiều. Trước đó, lãi suất rất cao lên tới 20- 25% gấp đôi bây giờ. Nhu cầu thực với phân khúc trung cấp và giá rẻ rất cao. Thời điểm 2013 là Chính phủ hỗ trợ thị trường cơ bản bằng cách bơm tiền với gói 30.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều gói tín dụng được đề xuất, các chính sách đồng bộ hơn.
Cũng theo ông Lực, chúng ta hiện đang sửa đổi 3 luật bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo cho nhất quán. Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội cũng được đề ra. Thời gian sắp tới Chính phủ đề xuất với Quốc hội có Nghị quyết riêng về phát triển nhà ở xã hội cho bền vững chứ không phải thuần bơm tiền như năm 2013.
Một điểm tích cực khác mà ông Lực chỉ ra, đó là kinh nghiệm quản trị của doanh nghiệp và ngân hàng giờ đây rất khác so với 10 năm trước, dự phòng rủi ro cũng tốt hơn. Chưa bao giờ ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tốt như giờ lên tới 145% tức 1 đồng nợ xấu có 1,5 đồng dự phòng. Trong khi đó, trước đây tỷ lệ này thường thiếu.
Vị chuyên gia này dự báo, thị trường đang hồi phục dần và sớm đi vào quỹ đạo ổn định trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường