MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường điện Việt Nam méo mó vì giá bán thấp?

Thông tin giá điện Việt Nam dự kiến tăng 8,36% trong tháng 3-2019 được Bộ Công Thương phát đi gần đây tạo ra nhiều quan điểm trái chiều.

Điều này đặt ra yêu cầu minh bạch ngành điện để vừa đảm bảo quyền lợi của người dân nhưng cũng không quên quyền lợi doanh nghiệp.

Phóng viên PLO đã có cuộc trao đổi với ông Franz Gerner, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về vấn đề giá điện.

. Có quan điểm cho rằng, giá bán điện Việt Nam chưa phản ánh được chi phí sản xuất đầu vào, ông nghĩ gì về vấn đề này? 

+ Ông Franz Gerner: Mỗi quốc gia có những đặc thù riêng về tiềm năng năng lượng, cơ cấu nguồn điện cũng như hạ tầng và các thách thức riêng, cùng đó là mức giá dịch vụ tương ứng. Các yếu tố chi phối giá sản xuất dao động rất lớn nên việc so sánh giá điện giữa các nước trên thế giới có thể khập khiễng.

Để đánh giá sự phù hợp về mức giá bán điện, cần phải đánh giá về cấu trúc chi phí đặc thù của quốc gia và mức độ các dịch vụ cung ứng điện cho người tiêu dùng. Trước đây, Việt Nam có các nguồn tài nguyên giá rẻ như than đá, dầu và thủy điện dồi dào. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng một cách tiếp cận về giá khá thống nhất. Theo đó nguồn thu từ bán điện được sử dụng để trang trải cho hoạt động và vận hành cũng như để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và cho ngành điện.

Tuy nhiên, giá bán điện này chưa tính đến chi phí đầu tư và chi phí này thường được trang trải bởi nguồn tài chính ODA hoặc các khoản vay của EVN nhưng được Chính phủ bảo lãnh.

Cách tiếp cận này thành công trong quá khứ, góp vào sự phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam, giúp vận hành nền kinh tế bằng một nguồn năng lượng giá tương đối rẻ. Song giá bán điện dưới mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện méo mó và kém hiệu quả, đơn cử là cường độ thâm dụng năng lượng cao, từ việc đưa ra những tín hiệu không chính xác đến người tiêu dùng về chi phí thực của dịch vụ.

Giá bán điện Việt Nam đang thuộc top giá rẻ, xếp thứ 21/93 nước được khảo sát, theo thống kê của Global Petrol Prices. Với giá 1.720 đồng/kWh, giá điện Việt Nam thấp hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào,...

Thị trường điện Việt Nam méo mó vì giá bán thấp? - Ảnh 1.

Ông Franz Gerner, Chuyên gia năng lượng cao cấp, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới ( WB ) tại Việt Nam.

.Vậy tương lai giá điện Việt Nam sẽ được điều chỉnh ra sao, thưa ông?

+ Tình hình hiện nay của Việt Nam thay đổi đáng kể. Đầu tiên phải kể đến là phần lớn nguồn tài nguyên rẻ trong nước đã được phát huy tối đa về công suất, đặc biệt là dầu khí và thủy điện. Việt Nam càng ngày càng dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ hơn như than và khí tự nhiên. Thứ hai, Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và ngành điện không còn nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi nhiều như trước đây nữa. Cuối cùng, Chính phủ đã và đang tăng định hướng cho ngành điện hướng tới các hình thức huy động vốn theo hướng thị trường nhiều hơn thay vì sử dụng nguồn ODA và vay bảo lãnh của Chính phủ.

Bởi vậy, chi phí đầu tư cho phát triển ngành điện trong tương lai ước tính khoảng 8 tỷ USD/năm sẽ được tính vào doanh thu bán điện từ các công ty phân phối điện tới người tiêu dùng. Mức tăng giá bán lẻ điện dự kiến khoảng 8,4% hay 8,1 UScent/kWh là một bước đi đúng hướng.

Giá điện trong tương lai cần phải thu hồi đầy đủ tất cả các chi phí của ngành điện gồm chi phí vận hành, bảo dưỡng; chi phí đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ thông qua nguồn thu từ bán điện và mức giá này dự tính trung bình khoảng 11 - 12 UScents/kWh.

.Ông vừa nói đến hiện tượng giá điện Việt Nam không phản ánh được chi phí sản xuất đầu vào của ngành điện. Thực tế những năm gần đây, các tổng công ty điện lực đã nỗ lực giảm thất thoát điện, chi phí đầu vào và phân phối điện?

EVN đã và đang làm rất tốt trong việc giảm tổn thất điện liên quan đến kỹ thuật trong những năm qua. Thực tế là EVN đã giảm thất thoát điện trong truyền tải và phân phối điện từ 24% vào năm 1995 xuống chỉ còn 7.5% vào năm 2018. Việt Nam có một hệ thống điện tích hợp lớn trải dài hơn 2.000 km từ Bắc vào Nam và mức tổn thất kỹ thuật hiện nay có thể nói là đã tương đương với chuẩn mực quốc tế và các thực tiễn tốt nhất.

Tuy nhiên vẫn có thể giảm thất thoát hơn nữa bằng cách tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống và các công nghệ thông minh để tối ưu hóa hệ thống điện, phản hồi nhanh và hiệu quả hơn nữa trước các vấn đề phát sinh của mạng lưới điện.

Về chi phí điện hiện nay và trong tương lai, nhìn chung 2/3 chi phí bán điện cuối cùng nằm ở khâu phát điện. Bởi vậy, điều quan trọng ở đây là công suất phát điện mới phải được thực hiện đấu thầu một cách cạnh tranh để có thể giảm giá thấp nhất.

Chính phủ đang cân nhắc việc phát triển một quy trình đấu thầu cạnh tranh cho điện mặt trời để mở rộng quy mô nguồn điện mặt trời. Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị rằng, bên cạnh việc xây dựng Tổng Sơ đồ Điện 8 - dự kiến được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2020 -  Chính phủ cần phải thực hiện một chương trình Nhà phát điện độc lập (IPP) toàn diện, minh bạch và dài hạn, nhằm tiến hành đấu thầu cạnh tranh cho toàn bộ công suất phát điện mới.

Xin cảm ơn ông!

Theo Trung An

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên