MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam: Cuộc chiến của những ‘kỳ lân’ châu Á, ai sẽ là kẻ 'sống sót' cuối cùng?

24-05-2019 - 14:29 PM | Doanh nghiệp

Thị trường giao nhận thức ăn nhanh Việt Nam đang là cuộc chiến đầy khốc liệt giữa 4 công ty ‘kỳ lân’ châu Á: SEA và Grab đến từ Singapore, Woowa Brother từ Hàn Quốc và Go-Jek từ Indonesia. Hiện tại, Grab đang thắng thế, còn tương lai chẳng ai biết được!

Ngày 23/5, Grab vừa tổ chức kỷ niệm một năm ra mắt dịch vụ GrabFood và theo những số liệu mà Ban lãnh đạo của doanh nghiệp này cung cấp, chúng ta có thể thấy: họ đang là kẻ thắng thế trên thị giao nhận thức ăn nhanh Việt Nam.

Chia sẻ với báo giới, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam cho biết: sau một năm, với việc lượng đơn hàng bình quân hằng ngày tăng 250 lần, Grab Food hiện là dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất trên thị trường.

Ngoài ra, tính đến tháng 1/2019, GrabFood đã mở rộng dịch vụ đến 15 tỉnh thành. 81% người dùng tại Hà Nội và TP.HCM chọn GrabFood là thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất trong số các dịch vụ giao nhận thức ăn, theo khảo sát được công bố vào cuối tháng 4/2019 bởi Kantar. Tỉ lệ này vào tháng 10/2018 là 48% và là 68% vào tháng 1/2019.

Với thời gian giao hàng trung bình chỉ trong vòng 20 phút, GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn nhanh nhất hiện nay - theo khảo sát và công bố của GComm vào tháng 12/2018, nhờ vào đội ngũ đối tác tài xế đông đảo, lên đến hơn 190.000 người.

Việc Grab đang dẫn đầu thị trường Việt Nam gần như là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên, so với các đối thủ chính họ vào Việt Nam sớm hơn nên có rất nhiều lợi thế khác nhau, như lượng đối tác đông hơn, hiểu thói quen người tiêu dùng hơn…

Tuy nhiên, như lĩnh vực thương mại điện tử, mảng giao nhận thức ăn nhanh cũng là mảng đốt tiền; mà thị trường này của Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, nên GrabFood chỉ là kẻ thắng tạm thời chứ không phải cuối cùng. Các đối thủ chính của Grab, như SEA – Now, Go-Jek – Go-Food và Woowa Brother – Vietnammm/Beamin, đều là những công ty ‘kỳ lân’ của châu Á và họ cũng nhiều tiền không thua gì Grab.

Thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam: Cuộc chiến của những ‘kỳ lân’ châu Á, ai sẽ là kẻ sống sót cuối cùng? - Ảnh 1.

Ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam

Grab và GrabFood

Grab – công ty có trụ sở chính tại Singapore, đến Việt Nam từ năm 2014, nhưng họ không ngay lập tức phát triển mảng giao nhận thức ăn, mà tập trung vào hoàn thiện công nghệ cùng dịch vụ gọi xe, như cách chuẩn bị nguồn lực cho mảng GrabFood. Thế nên, việc GrabFood đi rất nhanh trong 1 năm vừa qua nhờ rất nhiều vào sự chuẩn bị từ 3 đến 4 năm trước.

Grab ra mắt vào tháng 6/2012 và hiện đang hoạt động ở 8/10 nước Đông Nam Á. Kể từ năm 2014 đến 2018, họ đã gọi được hơn 6,8 tỷ USD. Đầu năm 2019, Grab vừa gọi thêm 1,46 tỷ USD từ SoftBank. Ngoài SoftBank, những nhà đầu tư lớn khác của Grab còn có Didi Chuxing, Toyota Motor Corp, Ping An Capital… Hiện tại, Grab được định giá khoảng 11 tỷ USD.

Go-Jek và Go-Food

Tháng 5/2018, sau khi thông báo sẽ đổ 500 triệu USD vào việc mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á, Go-Jek đã đến Việt Nam và đề nghị hợp tác với một công ty Việt Nam để cho ra đời liên doanh Go-Viet, rồi sau đó sở hữu luôn công ty này.

Go-Jek thành lập năm 2010 và đang hoạt động tại 4 nước là Việt Nam, Indonesia, Thái Lan cùng Singapore. Họ đang có kế hoạch xâm nhập thị trường Philippines và Malaysia trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong năm 2016, Go-Jek từng nhận 550 triệu USD từ các quỹ đầu tư khác nhau. Đầu năm 2019, họ vừa nhận thêm 100 triệu USD từ nhà đầu tư Astra, theo đó, họ đã đạt ½ trong chỉ tiêu gọi 2 tỷ USD tại vòng gọi vốn Serie F. Ngoài Astra, thì Google, Tencent, Tamasek, Mitsubishi… đều đã đổ tiền vào Go-Jek. Tháng 2/2019, Go-Jek được định giá khoảng 10 tỷ USD, trở thành công ty ‘kỳ lân’ lớn nhất Indonesia.

Woowa Brother – Vietnammm/Beamin

Đầu năm 2019, Woowa Brother đã gây xôn xao thị trường gọi thức ăn nhanh Việt Nam, khi mua lại nền tảng Vietnammm. Nếu lần lại gốc gác lịch sử, thì Vietnammm là nền tảng gọi thức ăn lâu đời nhất tại Việt Nam. Trước khi bị Woowa Brother thâu tóm, năm 2015, Vietnammm đã từng mua lại ứng dụng HungryPanda của công ty Foodpanda. Mà HungryPanda bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 2012, là một trong những ứng dụng đầu tiên khai phá thị trường này.

Hiện tại, Foodpanda – doanh nghiệp có trụ sở tại Đức, đang là startup hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đặt thức ăn trực tuyến, khi có mặt tại 40 quốc gia thuộc 4 châu lục khác nhau.

Thị trường giao nhận thức ăn tại Việt Nam: Cuộc chiến của những ‘kỳ lân’ châu Á, ai sẽ là kẻ sống sót cuối cùng? - Ảnh 2.

Beamin có khuyến mãi lớn nhưng hoạt động chưa mượt mà.

Woowa Brother đang cho chạy song song 2 ứng dụng là Vietnammm và Beamin (viết tắt từ tên ứng dụng đặt thức ăn nhanh của Woowa tại Hàn Quốc – Beadal Minjok). Beamin hiện mới giao hàng ở quận 1, 3 và 5 và khuyến mãi rất nhiều, có món họ giảm giá tới 70%.

Theo nhiều người dùng, mặc dù giao diện Beamin trông rất dễ thương và thân thiện, nhưng do mới nên số lượng món ăn trên đó không nhiều cũng như thao tác vẫn không mượt mà, thậm chí nhiều lúc app còn bị trục trặc rất lâu.

Beadal Minjok ra mắt thị trường Hàn Quốc vào năm 2010. Sau 11 vòng gọi vốn kể từ năm 2012, Woowa Brother đã nhận được 422,8 triệu USD từ các quỹ đầu tư khác nhau. Vào ngày 21/12/2018, họ mới nhận tiền đầu tư thêm 320 triệu USD từ Hillhouse Capital, Sequoia Capital và GIC ở vòng Serie G, nâng giá trị công ty lên 2,6 tỷ USD.

SEA – Now

Trước khi IPO trên sàn chứng khoán Mỹ năm 2017, SEA đã bỏ ra 64 triệu USD để mua lại 82% cổ phần của Now và Foody, như cách giúp họ có profile đẹp hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Trước khi GrabFood xuất hiện, Now chính là kẻ dẫn đầu thị trường với hệ sinh thái khá toàn diện Foody – TableNow – Now ra đời từ năm 2016. Cho tới thời điểm này, Now đã có mặt trên 16 tỉnh thành Việt Nam, hơn Grab một tỉnh thành. Năm 2017, Now tiết lộ, đối tác tài xế của họ khoảng 5.000 đến 7.000 người. Với việc Now tuyển tài xế để lấn sân qua mảng gọi xe trong gần 1 năm trở lại đây, dự đoán đối tác tài xế của họ cao nhất cũng khoảng 10.000 người.

Như thống kê từ Kantar, tháng 10/2018, sau 5 tháng GrabNow chính thức hoạt động, thị phần của họ cũng chỉ mới 48%. Nhưng nhờ sự vượt trội của công nghệ cùng lượng tài xế dồi dào khiến thời gian giao hàng nhanh đáng kinh ngạc (20 phút), cũng như khuyến mãi lớn liên tục, GrabFood đã dần vượt qua đối thủ trực tiếp này.

SEA trước có tên là Garena và mảng kinh doanh đầu tiên – cốt lõi nhất của họ là game chứ không phải thương mại điện tử - Shopee hay giao nhận thức ăn trực tuyến – Now. Hai mảng đó được họ thêm vào sau này. Năm 2017, Garena từng nhận 500 triệu USD tiền đầu tư từ các quỹ khác nhau, rồi sau đó đổi tên thành SEA và IPO. Lúc đó, họ được định giá gần 4 tỷ USD.

SEA cũng đã thu về 884 triệu USD sau khi IPO tại Mỹ năm 2017. Hiện tại, giá trị vốn hóa của ‘kỳ lân’ có trụ sở ở Singapore này tầm 10,7 tỷ USD. Ngoài sự hậu thuẫn to lớn từ Tencent, SEA còn nhận được nguồn vốn từ GDP Venture, JG Summit Holding, Penision Plan…

Báo cáo của Euromonitor cho thấy, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Còn theo khảo sát của GCOMM, 99% người Việt sử dụng dịch vụ đặt món trực tuyến ít nhất từ 2 đến 3 lần mỗi tháng; 39% sử dụng 2 đến 3 lần mỗi tuần. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường này là 11%/năm.


Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên