MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 03/07: Đồng loạt sụt mạnh, vàng thấp nhất 6 tháng rưỡi, bạnh kim chạm đáy 10 năm

03-07-2018 - 08:42 AM | Thị trường

Giá đồng thấp nhất 7 tháng, thép và quặng sắt cũng giảm mạnh trong khi cao su, đậu tương cũng không thoát xu hướng lao dốc.


Dầu giảm do sản lượng OPEC tăng

Giá dầu giảm trong ngày thứ hai (2/7), do nguồn cung từ Saudi Arabia và Nga tăng, trong khi tăng trưởng kinh tế châu Á giảm trong bối cảnh tranh chấp thương mại với Mỹ leo thang.

Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,93 USD tương đương 2,4% xuống còn 77,3 USD/thùng, sau khi tăng hơn 5% trong tuần trước. Giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 21 cent xuống còn 73,94 USD/thùng.

Nhà cung cấp thông tin Genscape cho biết, dự trữ dầu thô Mỹ tại trung tâm giao hàng Cushing, Oklahoma giảm 3,2 triệu thùng trong tuần đến ngày 22/6, nhưng tăng nhẹ 4 ngày liên tiếp đến 26/6. Nguồn cung tại Cushing giảm một phần là do mất điện tại Canada. Sản xuất tại cơ sở dầu cát Syncrude Canada gần Fort McMurray, Alberta có khả năng vẫn còn tắc nghẽn đường ống đến ít nhất tháng 7, Suncor Energy Inc cho biết.

Sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC tăng 320.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng 6. Như vậy sản lượng dầu trong tháng 6 đã tăng 680.000 bpd so với tháng 5. Sản lượng dầu của Nga tăng lên 11,06 triệu bpd trong tháng 6 so với 10,97 triệu bpd trong tháng 5, Bộ Năng lượng nước này cho biết. Sản lượng của Mỹ tăng 30% trong 2 năm qua lên 10,9 triệu bpd, điều đó có nghĩa là sản lượng của 3 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã đạt gần 11 triệu bpd, đáp ứng 1/3 nhu cầu dầu toàn cầu. 

Ngoài ra áp lực đối với nhu cầu dầu là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế chủ chốt khác bao gồm Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Canada. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 6 đều suy giảm, trong bối cảnh gia tăng tranh chấp thương mại với Mỹ.

Vàng thấp nhất 6 tháng rưỡi, bạch kim thấp nhất gần 10 năm

Giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong 6 tháng rưỡi, trước ngày nghỉ của Mỹ và bạch kim giảm xuống mức thấp nhất gần 10 năm, do đồng bạc xanh tăng mạnh mẽ và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU tiếp diễn gây áp lực đối với kim loại quý.

Lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đẩy đồng NDT của Trung Quốc so với đồng USD xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng.

Đồng USD được thúc đẩy bởi số liệu sản xuất của Mỹ cao hơn so với dự kiến. Đồng USD tăng mạnh mẽ đã đẩy giá vàng giao ngay giảm hơn 8% từ mức cao nhất 1.365,23 USD/ounce trong tháng 4.

Giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống còn 1.242,01 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 tại Mỹ giảm 12,8 USD tương đương 1% xuống còn 1.241,7 USD/ounce.

Giá bạch kim giảm 4% xuống còn 814 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 804 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Giá bạch kim hướng tới ngày giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm rưỡi.

EU cảnh báo Mỹ áp thuế quan nhập khẩu đối với ô tô và phụ tùng ô tô sẽ gây tổn hại đến ngành công nghiệp ô tô Mỹ và có khả năng dẫn đến các biện pháp đối ngược đối với 294 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Trong khi đó, giá bạc giảm 1,4% xuống còn 15,85 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 15,73 USD/ounce, mức thấp nhất trong 6 tháng rưỡi. Giá palađi giảm 1,1% xuống còn 942,5 USD/ounce.

Đồng thấp nhất 7 tháng

Giá đồng chạm mức thấp nhất 7 tháng do nhu cầu tại nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – suy yếu, bị ảnh hưởng bởi tranh chấp thương mại với Mỹ, ngay cả khi lĩnh vực sản xuất của nước này chậm lại.

Giá đồng hợp đồng tham chiếu giảm 1,6% xuống còn 6.523 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 6.519 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 5/12. Giá đồng đã giảm hơn 10% kể từ ngày 7/6.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm nay đã tìm cách đàm phán lại với một số quan hệ thương mại của Mỹ, đặc biệt với Trung Quốc. Ông đã áp đặt thuế quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu, gây ra hành động trả đũa bởi các nước khác, gia tăng lo ngại một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Trung Quốc chiếm gần 1/2 tiêu thụ đồng toàn cầu trong năm nay, đạt khoảng 24 triệu tấn. Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 giảm nhẹ, do các doanh nghiệp đối mặt với chi phí đầu vào gia tăng và các đơn hàng xuất khẩu giảm, trong bối cảnh gia tăng tranh chấp thương mại với Mỹ. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc dự kiến sẽ hỗ trợ giá kim loại công nghiệp.

Trong khi đó, giá nhôm giảm 1,6% xuống còn 2,098 USD/tấn, giá kẽm giảm 1,1% xuống còn 2.822 USD/tấn, chì giảm 1% xuống còn 2.386 USD/tấn, thiếc không thay đổi ở mức 19.750 USD/tấn và nickel giảm 2,3% xuống còn 14.550 USD/tấn.

Thép, quặng sắt giảm

Giá thép và quặng sắt tại Trung Quốc giảm sau số liệu cho thấy rằng, tăng trưởng tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 6/2018 chậm lại và trước thời hạn chót trong tuần này khi Mỹ áp thuế quan đối với gói hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 34 tỉ USD.

Hợp đồng thép thanh trên sàn Thượng Hải giảm 0,9% xuống còn 3.751 NDT/tấn. Chứng khoán Trung Quốc giảm gần 3% trước hạn chót 6/7 khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh dự kiến sẽ đáp trả với mức thuế quan riêng đối với hàng hóa của Mỹ.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên đóng cửa giảm 1,9% xuống còn 463 NDT (70 USD)/tấn, giảm trở lại từ mức cao đỉnh điểm 2 tuần trong ngày thứ sáu (29/6) ở mức 476 NDT/tấn.

Dự trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc tăng 1,7 triệu tấn lên 157,58 triệu tấn trong ngày thứ sáu (29/6), công ty tư vấn SteelHome cho biết. Như vậy, dự trữ tăng trở lại lên gần mức cao kỷ lục 161,98 triệu tấn đạt được hồi đầu tháng 6.

Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, giá quặng sắt giao ngay giảm gần 11% trong năm nay xuống còn 65,02 USD/tấn trong ngày thứ sáu (29/6), gần mức thấp nhất trong 1 tháng. Sau khi ở mức trung bình 70 USD/tấn trong nửa đầu năm 2018, giá quặng sắt giao ngay dự kiến sẽ ở mức trung bình 61 USD/tấn trong 6 tháng tới.

Giá nguyên liệu sản xuất thép khác tại Trung Quốc cũng giảm trong ngày thứ hai (2/7), với giá than cốc giảm 2,5% xuống còn 2.025,5 NDT/tấn và giá than luyện cốc giảm 1,9% xuống còn 1.166,5 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 1.154 NDT/tấn, mức thấp nhất 2 tháng.

Cao su giảm do lo ngại dự trữ ở mức cao

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo, tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á giảm do lo ngại dự trữ tại các quốc gia tiêu thụ như Nhật Bản và Trung Quốc – thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới – tăng.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn TOCOM kết thúc giảm 2,5 JPY xuống còn 173,8 JPY (1,57 USD)/kg.

Tại Thượng Hải hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 giảm 90 NDT xuống còn 10.445 NDT/tấn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn SICOM giảm 0,8 cent xuống còn 132,6 Uscent/kg.

Đường giảm, cà phê chạm mức thấp nhất 4 năm rưỡi

Giá đường thô kỳ hạn giảm hơn 5% do hoạt động bán tháo xuống dưới ngưỡng 12 cent, trong khi giá cà phê arabica chạm mức thấp nhất 4 năm rưỡi.

Hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,69 cent, tương đương 5,6% xuống còn 11,56 cent/lb, ghi nhận ngày giảm mạnh nhất. Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 12,4 USD tương đương 3,6% xuống còn 331,5 USD/tấn, giảm mạnh so với phiên trước đó. Các đại lý cho biết, các nhân tố có thể khiến giá đường giảm bao gồm, sản lượng đường tại Ấn Độ duy trì ở mức cao cùng với đồng real Brazil suy yếu và giá ethanol tại nước sản xuất đường hàng đầu thế giới suy giảm.

Giá ca cao kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York giảm 11 USD tương đương 0,4% xuống còn 2.501 USD/tấn. Giá cao cao sẽ giảm xuống còn 2.350 USD/tấn trong quý IV/2018 trước khi tăng trở lại trong quý I/2019 ở mức 2.375 USD/tấn, Capital Economics cho biết. Hợp đồng ca cao kỳ hạn tháng 9 trên sàn London tăng 1 GBP, tương đương 0,05% lên 1.835 GBP/tấn, được hậu thuẫn bởi đồng bảng Anh suy yếu.

Giá cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi, do đồng USD tăng mạnh mẽ. Hợp đồng cà phê arabia kỳ hạn tháng 9 giảm 3,45 cent, tương đương 3% xuống còn 1,1165 USD/lb, trong phiên có lúc chạm 1,1155 USD/lb, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2013. Hơp đồng cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 13 USD, tương đương 0,8% xuống còn 1.677 USD/tấn.

Đậu tương thấp nhất hơn 2 năm

Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ chạm mức thấp nhất trong hơn 2 năm, trong khi giá ngô giảm xuống mức thấp mới, do triển vọng sản lượng vụ thu hoạch Mỹ tăng mạnh mẽ và lo ngại về chiến tranh thương mại với Trung Quốc và các đối tác xuất khẩu chủ yếu khác.

Các quỹ hàng hóa đẩy mạnh bán ra gây áp lực đối với thị trường ngũ cốc cùng với đồng USD tăng mạnh mẽ khiến xuất khẩu của Mỹ kém hấp dẫn trên thị trường toàn cầu.

Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 8 trên sàn Chicago giảm 10 cent tương đương 1,2% xuống còn 8,53-1/2 USD/bushel. Hợp đồng đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 10-1/2 cent xuống còn 8,69-1/2 USD/bushel, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016.

Thị trường ngũ cốc đang dõi theo thông tin căng thẳng thương mại với Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới và các đối tác thương mại khác của Mỹ bao gồm Mexico, Canada và EU.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 8h sáng ngày 3/7

Thị trường hàng hóa ngày 03/07: Đồng loạt sụt mạnh, vàng thấp nhất 6 tháng rưỡi, bạnh kim chạm đáy 10 năm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên