MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 11/8: Dầu thô đảo chiều tăng trở lại trong khi vàng, sắt, thép, cao su lại mất giá

11-08-2018 - 08:35 AM | Thị trường

Dầu bật tăng trở lại, trong khi vàng, đồng, sắt thép và nhiều nông sản đồng loạt giảm, trong đó đậu tương rơi xuống mức thấp nhất của 3 năm.

Dầu tăng trở lại

Giá dầu kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/8 tăng hơn 1%, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran khiến nguồn cung thắt chặt. Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 74 US cent lên 72,96 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 82 US cent lên 67,63 USD/thùng. 

Dù tăng trong phiên hôm qua song giá vẫn giảm trong tuần do các nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại và nhu cầu suy giảm bởi tranh chấp thương mại toàn cầu. So với đầu tuần, cả hai loại dầu đều giảm, dầu Brent giảm 0,5% và dầu thô Mỹ giảm 1,2%.

Giá dầu thời gian tới dự kiến bị ảnh hưởng xấu bởi nhu cầu xăng của Mỹ chậm lại trong mùa thu và các nhà máy lọc dầu đóng cửa để bảo dưỡng, đẩy nguồn dự trữ dầu thô tăng.

Vàng giảm giá

Giá vàng kết thúc phiên giảm do đồng USD tăng lên cao nhất 13 tháng khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua bằng tiền tệ khác. Các nhà đầu tư đổ xô vào mua USD khi đồng Lira giảm kỷ lục 23%, đồng Rúp Nga giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 năm và đồng Euro, GBP chạm thất nhất 1 năm. Đầu phiên, giá vàng đã tăng nhẹ do cuộc khủng hoảng nhấn chìm đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi.

Vàng giao ngay không thay đổi ở mức 1.211,94 USD/ounce và kết thúc tuần giá vàng cũng không thay đổi nhiều sau 4 tuần giảm liên tiếp. Vàng kỳ hạn tháng 12 tại Mỹ giảm 90 cent tương đương 0,1% xuống còn 1.219 USD/ounce. Giá vàng đã giảm 11% so với mức cao hồi tháng 4/2018 và rơi xuống mức thấp nhất 1 năm là 1.204 USD trong tuần vừa qua do USD mạnh.

Dự kiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng tỷ lệ lãi suất trong tháng tới, điều này sẽ còn hỗ trợ đồng bạc xanh hơn nữa và gây sức ép hơn tới giá vàng.

Đồng giảm, nhôm tăng

Giá đồng giảm tuần thứ 2 liên tiếp do tranh chấp thương mại toàn cầu đẩy nhu cầu tiêu thụ đồng giảm. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London đóng cửa giảm 0,5% xuống còn 6.190 USD/tấn, kết thúc tuần giảm gần 0,5%.

Trong khi đó, giá nhôm kết thúc phiên tăng 1,3% lên 2.105 USD/tấn và thiết lập tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 4/5/2018 do dự trữ nhôm tại LME giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 còn 831.675 tấn và lo ngại nguồn cung của Trung Quốc sẽ giảm trong mùa đông tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng 20% thuế đối với nhôm và 50% đối với thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp Wood Mackenzie thuộc Kamil Wlazly nhận định: "Xuất khẩu sản phẩm nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ sang Mỹ không đáng kể, do đó việc tăng gấp đôi thuế nhập khẩu sẽ có tác động nhỏ đến thị trường nhôm".

Sắt và thép đều giảm

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên giảm trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc – Mỹ leo thang và lo ngại về tăng trưởng chậm lại, mặc dù số liệu dự trữ hàng tuần cho thấy nhu cầu từ các ngành hạ nguồn tăng.

Giá thép cây kỳ hạn tháng 10 trên sàn Thượng Hải đóng cửa giảm 0,4% xuống còn 4.200 CNY (612,8 USD)/tấn. Thép cuộn cán nóng giao cùng kỳ hạn giảm 0,6% xuống còn 4.171 CNY/tấn. Quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 0,7% xuống còn 506,5 CNY/tấn nhưng vẫn thiết lập tuần tăng mạnh nhất trong gần 8 tháng.

Trong khi đó, dự trữ sản phẩm thép hàng tuần tại Trung Quốc giảm 5.800 tấn xuống chỉ còn dưới 10 triệu tấn, với dự trữ thép cây giảm 2,4% nhưng thép cuộn cán nóng tăng 2,3%. Nhà phân tích thuộc Huatai Futures nhận định: "Cung cầu sản phẩm thép nhìn chung đã cân bằng và nhu cầu thép cuộn cán nóng yếu hơn so với thép cây". Bộ Môi trường Trung Quốc cho biết, sẽ tăng cường giám sát lượng khí thải từ các ngành công nghiệp nặng như thép, than và các khu vực trọng điểm trong 3 năm tới, điều này sẽ khiến sản lượng thép giảm.

Cao su chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp

Giá cao su tại Tokyo chốt phiên quay đầu giảm sau 4 phiên tăng liên tiếp và giảm khỏi mức cao nhất 3 tuần đạt được trong phiên trước đó, do các nhà đầu tư bán chốt lời. Tuy nhiên, giá cao su kết thúc tuần tăng mạnh nhất trong 3 tháng. Cao su giao tháng 1/2019 trên sàn Tokyo kết thúc phiên giảm 2,2 JPY xuống còn 172,3 JPY (1,55 USD)/kg, song kết thúc tuần tăng 2,4%, tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 5/2018. Cao su giao cùng kỳ hạn tại Thượng Hải giảm 140 CNY xuống còn 12.380 CNY (1.807 USD)/tấn.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ đánh thuế chống bán phá giá đối với cao su butyl halogen từ Mỹ, EU và Singapore với mức thuế dao động từ 23,1% đến 75,5% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/8/2018.

Đường thấp nhất 3 năm do đồng real Brazil suy yếu

Giá đường giảm 3% xuống mức thấp nhất gần 3 năm do đồng Real Brazil yếu, thời tiết thuận lợi tại Brazil và Ấn Độ, thúc đẩy hoạt động bán ra. Đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,3 US cent tương đương 2,8% xuống còn 10,54 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 10,43 US cent/lb, mức thấp nhất gần 3 năm. Kết thúc tuần ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Đường trắng cùng kỳ hạn giảm 6 USD tương đương 1,9% xuống còn 315,7 USD/tấn.

Ngô và lúa mì giảm, đậu tương thấp nhất 3 năm

Giá đậu tương giảm gần 5% xuống mức thấp nhất 3 năm sau khi chính phủ Mỹ dự báo năng suất cây trồng cao hơn so với dự kiến và tồn kho đậu tương đạt mức cao kỷ lục. Đậu tương kỳ hạn tháng 11 trên sàn Chicago giảm 42-1/4 US cent tương đương 4,7% - mức giảm mạnh nhất 3 năm - xuống còn 8,61-3/4 USD/bushel, kết thúc tuần giảm 4,5%.

Ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago giảm 11 US cent tương đương 2,9% xuống còn 3,71-3/4 USD/bushel, mức thấp nhất 2 tuần, kết thúc tuần giảm 3,3%.

Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 9 trên sàn Chicago giảm 17-3/4 US cent tương đương 3,1% xuống còn 5,46-3/4 USD/bushel, kết thúc tuần giảm 1,7%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 11/8

Thị trường hàng hóa ngày 11/8: Dầu thô đảo chiều tăng trở lại trong khi vàng, sắt, thép, cao su lại mất giá - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên