MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 15/3: Giá vàng, dầu, thép bật tăng trở lại, cao su lên cao nhất 1 tuần

15-03-2018 - 08:23 AM | Thị trường

Thép, vàng, dầu, cao su đồng loạt đảo chiều tăng, riêng cà phê sụt giảm vì áp lực tăng ở Brazil.

Dầu tăng nhẹ nhưng thiếu bền vững

Giá dầu tăng nhẹ sau khi báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn dự kiến, nhưng lượng xăng và sản phẩm chưng cất sử dụng từ kho dự trữ cũng tăng cao.

Dầu Brent giá tăng 25 US cent (0,4%) lên 64,89 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng tương tự lên 60,96 USD/thùng.

Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy dự trữ dầu Mỹ đã thêm 5 triệu thùng, mức tăng nhiều nhất kể từ cuối tháng 1, trong khi dự đoán chỉ tăng khoảng 2 triệu thùng. Song bù lại, lượng nhiên liệu rút ra từ kho dự trữ cũng nhiều hơn dự kiến.

Các chuyên gia cho biết xu hướng thị trường lúc này không rõ ràng, bởi báo cáo tháng này từ EIA không thể hiện rằng thị trường sẽ tiếp tục cân bằng hay không.

Ngoài ra, giá dầu chắc chắn sẽ chịu sức ép bởi sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) trong báo cáo tháng này cho biết nguồn cung từ các nước ngoài thành viên chắc chắn sẽ tăng 1,66 triệu thùng/ngày trong năm 2018, gần gấp đôi mức dự báo hồi tháng 11, chủ yếu do Mỹ tăng sản lượng.

Vàng hồi phục trong thế giằng co

Giá vàng giảm do USD hồi phục và dự báo Mỹ sẽ tăng tỷ lệ lãi suất, nhưng vẫn được hỗ trợ bởi hoạt động mua như tài sản "trú ẩn an toàn" sau khi Ngoại trưởng Mỹ State Rex Tillerson đột ngột bị sa thải.

Giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.324 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 4 giảm 1,50 (1%) xuống 1.325 USD/ounce.

Các chuyên gia khẳng định yếu tố chính trị đã ngăn đà giảm giá vàng mặc dù tỷ lệ lãi suất đang trong xu hướng tăng. Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered Bank không cho rằng giá sẽ tăng mạnh bởi lãi suất cao khiến vàng trở nên kém hấp dẫn.

Đồ thị phân tích kỹ thuật Fibonacci cho thấy mức giá hỗ trợ là 1.317,20 USD/ounce, còn mức kháng cự là 1.336,30 USD/ounce.

Thép đảo chiều tăng

Giá thép cây dùng trong xây dựng trên sàn Thượng Hải đảo chiều tăng trong phiên vừa qua, tăng 0,6% lên 3.735 NDT/tấn, sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế tích cực làm dấy lên hy vọng nhu cầu sẽ tăng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cả sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đều tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 1 và 2 vừa qua.

Sản lượng thép hàng ngày của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay tăng mạnh khi các nhà máy tranh thủ lúc giá cao, mặc dù vẫn luôn tiềm ẩn lo ngại về lượng dư thừa tăng và khả năng nhu cầu của lĩnh vực xây dựng sẽ chậm lại. Các nhà máy thép nước này đã sản xuất 136,82 triệu tấn thép thô trong tháng 1 và 2, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, tính trung bình mỗi ngày sản xuất 2,32 triệu tấn, tăng 7,4% so với tháng 12 năm ngoái và cao hơn 5% so với cách đây một năm.

Dự báo các nhà máy thép Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng sản lượng hơn nữa kể từ ngày 16/3 khi những quy chế kiểm soát sản xuất ở các thành phố phía bắc trong giai đoạn mùa Đông được dỡ bỏ.

Tantan cao nhất ba năm rưỡi

Trong xu hướng giá các kim loại hiếm gần đây tăng rất mạnh, tatan (Tantalite) vừa lập kỷ lục cao nhất ba năm rưỡi do nhu cầu không ngừng gia tăng từ các nhà sản xuất linh kiện điện tử trong khi nguồn cung từ châu Phi suy giảm do bất ổn chính trị. Tatan gia ngay tại châu Âu đã tăng 10% từ đầu năm, hiện đạt 96,50 USD/lb, cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung. Các nước sản xuất lớn nhất thế giới - Rwanda và CH Congo – chiếm khoảng 60% trong tổng số 1.300 tấn sản xuất trên toàn cầu trong năm vừa qua. Trong khi đó, Mỹ – nước tiêu thụ tatan và các sản phẩm tatan lớn nhất thế giới – đã tăng khối lượng tiêu thụ thêm 44% trong năm 2017 so với năm 2016.

Cao su cao nhất 1 tuần

Giá cao su trên sàn Tokyo – tham chiếu cho toàn thị trường Đông Nam Á – lúc đóng cửa phiên giao dịch đã lên mức cao nhất 1 tuần, với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 8 tăng 2,4 yen lên 194,7 yen (1,83 USD)/kg, sau khi đầu phiên có lúc đạt 195,4 yen – cao nhất kể từ 5/3. Lý do bởi giá trên sàn Thượng Hải tăng 95 NDT lên 12.755 NDT (2.022 USD)/tấn (hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5). Việc 3 nước xuất khẩu chủ chốt hạn chế khối lượng xuất khẩu đã ít nhiều hỗ trợ cho thị trường này. Sản lượng cao su thiên nhiên Malaysia trong tháng 1 vừa qua đã giảm 2% so với tháng trước đó, xuống 67.101 tấn, kéo theo xuất khẩu giảm 9,7% xuống 46.928 tấn.

Tuy nhiên, tồn trữ cao su thô tại các cảng Nhật Bản tính tới 28/2 đã tăng 2,2% so với trước đó, lên 15.206 tấn, cao nhất trong vòng hơn 3 năm; tồn trữ tại Malaysia tính tới cuối tháng 1 cũng tăng 10,5% lên 254.525 tấn.

Cà phê giảm nhẹ

Giá cà phê arabica giao tháng 5 giảm 0,5 US cent (0,4%) xuống 1,2105 USD/lb trong khi robusta giao cùng kỳ hạn giảm 11 USD (0,6%) xuống 1.752 USD/tấn.

Ngân hàng Rabobank đã hạ dự báo về mức dư thừa cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 do sản lượng có thể giảm ở Brazil. Theo đó, thế giới sẽ chỉ dư thừa khoảng 3,2 triệu bao chứ không phải 4,1 triệu bao như dự báo trước đây. Ngân hàng này cũng hạ dự báo về mức thiếu hụt trong niên vụ 2017/18 xuống 2,6 triệu bao, từ 4,1 triệu bao đưa ra lần trước. Số dư thừa này sẽ hoàn toàn là arabica, còn với robusta thì cung-cầu được cho là sẽ cân bằng trong niên vụ 2018/19 (ở niên vụ 2017/18 thị trường thiếu 2,1 triệu bao robusta và thiếu 500.000 bao arabica).

Theo Rabobank, sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2018/19 sẽ đạt 56,8 triệu bao (báo cáo lần trước dự đoán là 59 triệu bao). Sản lượng của một số nước như Indonesia, Uganda, Papua New Guinea trong niên vụ 2017/18 cũng bị điều chỉnh giảm, nhưng tăng đối với Nicaragua và Ethiopia.

Giá một số mặt hàng (cập nhật 8h00 sáng 15/3 giờ VN)

Thị trường hàng hóa ngày 15/3: Giá vàng, dầu, thép bật tăng trở lại, cao su lên cao nhất 1 tuần - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên