Thị trường hàng hóa ngày 24/4: Thép đắt nhất 5 tuần, nhôm rớt giá mạnh nhất 8 năm
Giá vàng chạm mức thấp nhất 2 tuần do các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD, với lợi tức trái phiếu Mỹ đạt gần 3%, nhôm giảm mạnh nhất kể từ năm 2010, thị trường thép tăng mạnh thúc đẩy giá quặng sắt lên mức cao nhất 1 tháng và than luyện cốc tăng.
- 21-04-2018Thị trường hàng hóa ngày 21/4: Dầu hồi phục, vàng và các kim loại khác đồng loạt giảm
- 20-04-2018Thị trường hàng hóa ngày 20/4: Vàng, nhôm mất giá, cao su và quặng sắt tiếp tục tăng mạnh
- 19-04-2018Thị trường hàng hóa ngày 19/4: Vàng, dầu, nông sản đồng loạt “khởi nghĩa”
Dầu bật tăng mạnh trở lại
Giá dầu tăng cao do các nhà đầu tư lo ngại các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể khiến sản lượng dầu của Iran suy giảm. Trong đầu phiên giao dịch giá dầu giảm do lo ngại dư cung có thể quay trở lại. Bộ trưởng dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, sẽ không cần gia hạn Hiệp ước giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất ngoài OPEC nếu giá dầu tăng mạnh, trang web chính thức của Bộ cho biết.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi nhà cung cấp thông tin năng lượng Genscape cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ tại Trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma suy giảm. Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 65 cent tương đương 0,9% lên 74,71 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp 73,13 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 24 cent lên 68,64 USD/thùng, hồi phục từ mức thấp trong phiên 67,14 USD/thùng. Sự chênh lệch giá giữa 2 loại dầu được nới rộng nhất kể từ ngày 8/1. Kể từ đầu năm 2017, OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu thô ngoài OPEC đã hạn chế sản lượng nhằm giảm dư cung dầu toàn cầu. Hiệp ước kéo dài đến cuối năm 2018.
Trong tháng này, giá dầu tăng cao nhất kể từ cuối năm 2014. Giá dầu được hậu thuẫn bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các công ty và cá nhân Nga và lo ngại Washington có thể áp dụng các biện pháp mới chống lại Venezuela và đặc biệt thành viên của OPEC là Iran. Đến ngày 12/5 Mỹ sẽ quyết định liệu sẽ duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Tehran. "Sự không chắc chắn của chính quyền khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn", McGillian cảnh báo, các biện pháp trừng phạt đối với Iran hay Venezuela cũng có thể gây ra những thay đổi trên thị trường.
Vàng thấp nhất 2 tuần
Giá palađi giảm hơn 5% trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt đối với Rusal Nga có thể giảm bớt, trong khi giá vàng chạm mức thấp nhất 2 tuần do các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD, với lợi tức trái phiếu Mỹ đạt gần 3%.
Mỹ cho biết, có thể giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất nhôm Rusal Nga, nếu Oleg Deripaska nhượng quyền kiểm soát của công ty, giảm bớt lo ngại Washington có thể mở rộng biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất palađi Nornickel. Nornickel, nhà sản xuất palađi lớn nhất thế giới cùng với Rusal và Deripaska và lo ngại bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đẩy giá tăng kể từ ngày 6/4.
Giá palađi giảm 4,4% xuống còn 984,7 USD/ounce, trong phiên có lúc giảm hơn 5% xuống còn 971,72 USD/ounce. Giá vàng giao ngay giảm 0,9% xuống còn 1.323,4 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.322,81 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn 2 tuần. Đồng USD tăng lên mức cao nhất 7 tuần sau khi lợi tức trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao 10 năm. Một đồng USD tăng mạnh mẽ khiến vàng được định giá bằng đồng USD đắt hơn khi nắm giữ tiền tệ khác.
Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tại Mỹ giảm 14,3 USD, tương đương giảm 1,1% xuống còn 1.324 USD/ounce. Vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn khi bất ổn chính trị, cũng chịu áp lực sau khi Triều Tiên cho biết sẽ ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân trước cuộc họp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ. Thêm vào đó là dấu hiệu quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể dịu bớt. Giá bạc giao ngay giảm 2,8% xuống còn 16,63 USD/ounce, trong khi bạch kim giảm 0,2% xuống còn 920,3 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 910,75 USD/ounce – mức thấp nhất trong 2 tuần.
Nhôm giảm mạnh nhất kể từ năm 2010
Giá nhôm giảm 7%, ngày giảm mạnh nhất trong 8 năm, do thông tin cho rằng, Mỹ gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với nhà sản xuất Rusal Nga.
Trong tuần trước giá nhôm đạt 2.718 USD/tấn, mức cao nhất kể từ giữa năm 2011, do lo ngại thị trường toàn cầu đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Giá nhôm tăng hơn 14% trong tháng này. Rusal chiếm hơn 6% lượng nhôm toàn cầu trong năm 2017. Nickel đạt mức cao đỉnh điểm 3 năm trong ngày 19/4, do lo ngại các biện pháp trừng phạt có thể được mở rộng, trong phiên giá nickel cũng giảm hơn 6% trước khi đóng cửa giảm gần 4%.
Giá nhôm giao kỳ hạn 3 tháng trên sàn London giảm 7% xuống còn 2.295 USD/tấn, ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2010, trước đó giá nhôm giảm hơn 9% xuống còn 2.237 USD/tấn. Sự gia tăng đồng USD gây áp lực đối với giá các kim loại cơ bản. Đồng USD tăng lên mức cao nhất 7 tuần sau khi lợi tức trái phiếu Mỹ tăng lên mức cao nhất 10 năm. Dự trữ nhôm tại LME giảm 10.525 tấn xuống còn 1,385 triệu tấn.
Kim loại cơ bản khác cũng giảm
Dự trữ đồng tại LME giảm 20.225 tấn xuống còn 286.675 tấn, mức thấp nhất 1 tháng. Giá đồng giảm 0,7% xuống còn 6.943 USD/tấn. Giá nickel tại LME giảm 3,8% xuông còn 14.265 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 13.830 USD/tấn. Giá kẽm giảm 0,1% xuống còn 3.229 USD/tấn, giá chì giảm 1,9% xuống còn 2.320 USD/tấn, giá thiếc giảm 3,1% xuống còn 21.050 USD/tấn.
Thép đạt mức cao đỉnh điểm 5 tuần
Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 5 tuần, được hậu thuẫn bởi tồn kho suy giảm trong khi nhu cầu xây dựng tăng.
Thị trường thép tăng mạnh thúc đẩy giá quặng sắt lên mức cao nhất 1 tháng và than luyện cốc tăng.
Giá thanh cốt thép trên sàn Thượng Hải tăng 2% lên 3.545 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 3.547 NDT (563 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 16/3,
Dự trữ thanh cốt thép, một sản phẩm thép xây dựng giảm 16% xuống còn 8,25 triệu tấn hôm 13/4 so với mức cao đỉnh điểm 5 năm đạt được giữa tháng 3/2018, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc – nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – thường tăng mạnh vào tháng 4 và tháng 5 khi lĩnh vực xây dựng bước vào mùa cao điểm nhất trong năm.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 2,7% lên 479,5 NDT/tấn, trong phiên có lúc đạt 481,5 NDT/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 22/3. Dự trữ quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp đạt 159,78 triệu tấn hôm 20/4, so với mức cao kỷ lục 161,68 triệu tấn cuối tháng 3, SteelHome cho biết.
Giá nguyên liệu sản xuất thép khác cũng tăng, giá than cốc tăng 3,4% lên 1.922 NDT/tấn, trong phiên có lúc chạm 1.930 NDT/tấn, mức cao nhất 5 tháng, và than luyện cốc tăng 1,7% lên 1.170,5 NDT/tấn.
Cao su giảm
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn TOCOM giảm 0,4 JPY tương đương 0,2% xuống còn 186,7 JPY/kg.
Tại Thượng Hải hợp đồng cao su giao tháng 9 giảm 0,8% xuống còn 11.560 NDT/tấn.
Đồng USD ở mức khoảng 107,87 yên so với khoảng 107,65 yên phiên trước đó.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản tăng 0,1%.
Đường chạm mức thấp hơn 2 năm rưỡi, cà phê tăng
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE giảm 4% xuống mức thấp nhất hơn 2 năm rưỡi, chuỗi chịu áp lực giảm bởi đồng tiền tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – suy yếu và đề xuất trợ cấp giá đường cho nông dân tại Ấn Độ.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,47 cent tương đương 0,4% xuống còn 11,4 cent/lb, trong phiên có lúc giảm xuống còn 11,37 cent, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2015. Thị trường chịu áp lực bởi triển vọng dư cung toàn cầu năm 2017/19 lớn, một phần do sản lượng đường tại Ấn Độ và Thái Lan gia tăng. Bộ trưởng Ấn Độ đã đề xuất trợ cấp cho các nhà trồng mía đường khi họ bán sản phẩm cho các nhà máy đường, do nguồn cung lớn đã đẩy giá giảm, Bộ trưởng Thực phẩm Ram Vilas Paswan cho biết.
Giá đường ở mức thấp, khiến các nhà máy đường tại Brazil sử dụng nhiều đường để sản xuất ethanol, mặc dù mức độ chuyển đổi có thể không nhiều, do giá nhiên liệu tái tạo tại Brazil suy giảm. Đồng tiền Brazil giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016 so với đồng USD, cũng gây áp lực đối với giá đường kỳ hạn. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 13,2 USD tương đương 3,9% xuống còn 329,2 USD/tấn.
Giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 7 tăng 1,25 cent tương đương 1,1% lên 1,1895 USD/lb. Marex Spectron dự báo thặng dư cà phê toàn cầu năm 2018/19 sẽ đạt 5 triệu bao (60 kg), do sản lượng tại Brazil tăng. Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 10 USD, tương đương 0,6% lên 1.769 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 24/4