Thị trường lao động ở TP.HCM thiếu nhưng không “khát”
Sau hơn 1 tháng trở lại sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, nhiều DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM đã dần ổn định, không còn “khát” lao động. Sự ấm lên của thị trường lao động khiến nhiều DN phấn khởi, yên tâm tập trung hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
- 13-11-2021Quốc hội "chốt" lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương
- 16-10-2021Xuất khẩu lao động sang Nhật: 'Nín thở' chờ thị trường phá băng
- 14-08-2021Ba nhóm ngành “hot” trên thị trường lao động tương lai
Tăng ca để bù đắp nhân công thiếu hụt
Trước đây, việc người lao động ồ ạt đổ xô về quê tránh dịch đã tạo ra những khó khăn cho thị trường lao động, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất tại TP.HCM rơi vào cảnh “khủng hoảng lao động”. Không ít doanh nghiệp đua nhau đưa ra mức hỗ trợ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút lao động khi tái sản xuất sau giãn cách. Thế nhưng sau một thời gian hoạt động trở lại, khó khăn này của các doanh nghiệp đã dần được tháo gỡ, từng bước đi vào ổn định sản xuất.
Từ đầu tháng 10 đến nay hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở khu công nghệ cao TP.Thủ Đức, TP.HCM gần như đã trở lại bình thường. So với thời điểm chưa có dịch COVID-19, 95% người lao động đã trở lại nhà máy làm việc, công suất, sản lượng của nhà máy phục hồi gần như hoàn toàn.
Dù tỷ lệ công nhân đi làm trở lại khá cao, nhưng theo ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm để đáp ứng đơn hàng cuối năm. Ông Phát cho biết, mỗi lần xét nghiệm định kỳ cho người lao động lại phát hiện một vài ca dương tính với SAR-CoV-2. Công nhân mắc COVID-19 phải về địa phương cách ly hoặc vào khu thu dung điều trị của khu công nghệ cao nên ít nhiều cũng xáo trộn sản xuất. May mắn, 99% công nhân của công ty đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 nên những trường hợp tiếp xúc gần (F1) vẫn được đi làm nhưng theo dõi sức khoẻ chặt chẽ.
“Việc xuất hiện F0 trong nhà máy ảnh hưởng không đáng kể đến sản xuất. Chúng tôi có thể bù đắp được bằng hoạt động cho công nhân làm thêm giờ hoặc là tuyển thêm công nhân mới. Kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ tuyển thêm 10 - 15 % nhân lực so với hiện tại để đáp ứng nhu cầu đơn hàng của nước ngoài về rất cao trong dịp cuối năm”, ông Trần Tiến Phát chia sẻ.
Tương tự, Công ty TNHH Sài Gòn Precision - chuyên gia công cơ khí, sản xuất máy công cụ và máy tạo hình kim loại tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng đang thiếu nhân lực để sản xuất gấp rút các đơn hàng cho thời điểm cuối năm. Ông Murata Noriaki, Chủ tịch doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) này cho biết, vừa qua, một lượng lớn công nhân viên đã về quê tránh dịch, nhiều người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên công ty chưa thể nhận vào làm trở lại. Hiện, khoảng 3.300 người, chiếm 90% tổng số nhân sự đã quay lại công ty làm việc. Doanh nghiệp này đang tuyển thêm ít nhất là 400 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Để tránh lặp lại việc gián đoạn sản xuất do giãn cách xã hội như giai đoạn vừa qua, ông Murata Noriaki cho biết, mong muốn của doanh nghiệp là được thuê đất bên ngoài khu chế xuất để xây dựng ký túc xá cho người lao động, nhằm đảm bảo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về chính sách cũng như cơ chế từ Chính phủ.
“Hiện tại, những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khó mà thuê được mặt bằng làm ký túc xá bên ngoài khu công nghiệp. Cho nên, chúng tôi hy vọng chính sách nhà nước thay đổi để chúng tôi có thể thuê đất bên ngoài khu công nghiệp và làm những ký túc xá để đưa công nhân viên vào ở”, ông Murata Noriaki nói.
Nguồn lao động đã "ấm" trở lại
Thực tế, lao động tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại TP.HCM thiếu hụt không đáng kể. Qua rà soát và báo cáo của các doanh nghiệp, số lao động thiếu hụt chỉ khoảng 5.700 người. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, do có sợi dây gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp nên ngay khi phục hồi sản xuất là doanh nghiệp huy động được lực lượng.
“Đa số người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất có hợp đồng giao kết với đơn vị sử dụng lao động. Trong điểm thực hiện giãn cách xã hội không thực hiện sản xuất, doanh nghiệp vẫn trả lương cho người lao động theo mức lương tổi thiểu vùng hoặc có những thỏa thuận khác giữa chủ doanh nghiệp với người lao động”, ông Hứa Quốc Hưng cho hay.
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp chịu nhiều áp lực khi phải tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, tăng tỷ lệ lao động mất việc hoặc ngưng việc, ảnh hưởng đến thu nhập.
Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã quay lại sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hình thức an toàn, linh hoạt thay vì áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Lúc này, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm, cổng thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,... để tuyển nhân sự trong giai đoạn này.
Theo ông Triết, các doanh nghiệp đã làm tốt công tác kết nối lao động: “Tính tích cực của doanh nghiệp năm nay còn cao hơn so với những năm trước bởi họ ứng phó với hậu đại dịch trong giai đoạn cuối năm và họ cũng chuẩn bị tinh thần cho năm 2022”.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong quý IV/2021, thành phố cần từ 43.000 - 57.000 lao động. Ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, các công ty, doanh nghiệp cũng cần một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp tết./.
VOV