MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường “lấy lại bình tĩnh” sau cú sập đầu phiên vì lo sợ Credit Suisse vỡ nợ, Nasdaq chuyển xanh

16-03-2023 - 05:28 AM | Tài chính quốc tế

Thị trường “lấy lại bình tĩnh” sau cú sập đầu phiên vì lo sợ Credit Suisse vỡ nợ, Nasdaq chuyển xanh

Kết thúc phiên giao dịch 15/3, các nhà đầu tư ở Mỹ đã bình tĩnh hơn khi đón nhận tin tốt từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ xung quanh nguy cơ vỡ nợ của Credit Suisse.

Dow Jones đóng cửa với mức giảm 280,83 điểm, tương đương 0,9% xuống còn 31.874,47 điểm. S&P500 giảm 0,7% xuống 3.891,93 điểm. Trong khi đó Nasdaq tăng 0,05% lên 11.434,05 điểm. Đây đã là mức phục hồi khá tốt so với đáy trong phiên giao dịch.

Những thông tin bất lợi liên quan tới Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã khiến Dow Jones có lúc tụt xuống còn khoảng 31.435 điểm, tương đương mức giảm hơn 700 điểm. S&P 500 cũng tương tự. Đã có lúc, chỉ số này rơi xuống còn 3.840 điểm, tương đương mức giảm gần 2%.

Trong khi đó, Nasdaq đã có cú quay đầu ngoạn mục. Dù chỉ tăng nhẹ 0,05% nhưng đây vẫn được xem là dấu hiệu tích cực, cho thấy thị trường đã phần nào bình tĩnh sau khi đánh giá lại tác động từ thông tin Credit Suisse đứng trước nguy cơ vỡ nợ và đón thêm tin tốt từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ.

Dẫu vậy, thông tin tích cực được đưa ra sau giờ giao dịch ở châu Âu nên các chỉ số chính ở thị trường này vẫn mất điểm nghiêm trọng. DAX của Đức đóng cửa giảm gần 500 điểm, tương đương 3,27%. FTSE 100 của Anh cũng mất 292,66 điểm, tương tương 3,83%. CAC 40 của Pháp giảm 255,86 điểm (3,83%). SMI của Thụy Sĩ cũng mất 200 điểm, tương đương 1,87%.

Về phần mình, cổ phiếu Credit Suisse (mã CSGN) được niêm yết tại Thụy Sĩ giảm 24,24% xuống còn 1,7 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu (1 franc Thụy Sĩ tương đương 25.200 VNĐ). Tại Mỹ, cổ phiếu của ngân hàng này (mã CS) giảm 13,77% giá trị xuống còn 2,16 USD/cổ. Tuy nhiên, mức giá này đã tăng đáng kể so với đầu phiên khi cổ phiếu được giao dịch ở mốc 1,76 USD.

Cuối phiên giao dịch buổi chiều tính theo giờ Washington, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ khẳng định sẽ cung cấp thanh khoản cho Credit Suisse nếu thấy cần thiết. Động thái này đã xoa dịu những lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ Credit Suisse vỡ nợ. Trước đó, nhà đầu tư lớn nhất của họ là Ngân hàng Quốc gia Ả rập tuyên bố không thể cung cấp thêm bất cứ khoản tài trợ nào.

Trong báo cáo tài chính mới công bố, Credit Suisse cho biết khách hàng của họ đã rút số tiền lớn chưa từng thấy vào đầu tháng 10 và tình hình vẫn chưa mấy cải thiện bất chấp những nỗ lực của ngân hàng. Credit Suisse cho biết họ cũng đã sử dụng "đệm" thanh khoản do ảnh hưởng của làn sóng rút tiền năm ngoái. Hiện tại, Credit Suisse cung cấp lãi suất tiền gửi cao hơn đáng kể so với các đối thủ để thu hút khách hàng.

Tuy thị trường đã bình tĩnh hơn nhưng rõ ràng, vấn đề với lĩnh vực ngân hàng đang thực sự đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư. Trước sự việc của ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ, giới đầu tư toàn cầu cũng đã một phen chao đảo trước cú sập chóng vánh của 2 ngân hàng Mỹ là Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Khả năng quản lý rủi ro yếu kém trong bối cảnh FED tăng mạnh lãi suất đã khiến Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi liên bang, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dữ trữ Liên bang (FED) phải ra tay hành động nhằm đảm bảo mọi khách hàng của 2 ngân hàng này đều có thể rút các khoản tiền gửi của họ mà không gặp trở ngại gì.

Edward Moya, chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng, bắt đầu từ SVB và đang thực sự lan rộng ra toàn cầu. Các thị trường nhận thấy mảng này đang gặp khó khăn vì nhiều mô hình sinh lời của họ phần lớn dựa trên mức lãi suất bằng 0”.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên