Thị trường liên tiếp lập đỉnh mới, hàng loạt cổ phiếu "tỷ đô" vẫn ngược dòng giảm trong tháng 11
Việc mất đi vài chục phần trăm điểm đồng nghĩa vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này bị "thổi bay" hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ sau 1 tháng giao dịch.
Sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới mang tên Omicron đã giáng một đòn mạnh lên thị trường chứng khoán toàn cầu trong những phiên cuối tháng 11, theo đó thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thoát khỏi xu hướng chung. Trùng hợp khi thời điểm này, chỉ số chính của thị trường VN-Index đang công phá ngưỡng 1.500 điểm, do đó rất dễ xảy ra tâm lý lo sợ về một cú điều chỉnh mạnh. Kết quả, nhà đầu tư nhanh chóng bán tháo làm thị trường "đỏ rực" trong 3 phiên cuối tháng. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối tháng 10, VN-Index trong tháng 11 vẫn tăng tới 34,17 điểm, tương đương mức tăng 2,4%.
Không khó để chỉ ra những cổ phiếu có mức tăng bằng lần trong tháng 11 qua, đặc biệt là khi kỷ lục thanh khoản hay số mã tăng trần trong phiên liên tục bị xô đổ. Dòng tiền đầu cơ cũng nhanh chóng "thổi giá" hàng loạt cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, hàng loạt mã tăng hàng chục lần. Tuy nhiên, dù thị trường chung tương đối tích cực, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng được hưởng niềm vui chiến thắng khi vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu ngược dòng giảm sâu, bao gồm cả những Bluechips “tỷ đô”. Việc mất đi vào chục phần trăm điểm đồng nghĩa vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này bị "thổi bay" hàng nghìn tỷ đồng chỉ sau 1 tháng giao dịch.
Thống kê cổ phiếu các doanh nghiệp có vốn hóa từ 1 tỷ USD (23.000 tỷ đồng) trở lên trên sàn chứng khoán trong tháng 11 có tới 10 cổ phiếu ngược dòng thị trường giảm điểm.
Dần đầu danh sách, việc giá thép, quặng sắt thế giới và cả trong nước giảm mạnh kể từ đỉnh hồi giữa tháng 10, kéo theo sự đi xuống về giá cổ phiếu của doanh nghiệp hàng đầu là Hòa Phát (HPG).
Theo đó, sau giai đoạn bứt phá mạnh trong 3 quý đầu năm 2021, đặc biệt là sau khi HPG phá đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cổ phiếu (phiên 28/10), cổ phiếu thép này đã phải chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong tháng 11. Tính từ mức mở cửa phiên 1/11 là , cổ phiếu HPG đã giảm hơn 14% xuống còn 48.950 đồng/cổ phiếu vào phiên cuối tháng. Điều đáng nói là HPG không giảm sốc vài phiên rồi đi lên mà mỗi phiên lại giảm một chút, khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy "sốt ruột".
Mức giảm hơn 14% đồng nghĩa với vốn hóa của HPG đã "bốc hơi" tới hơn 36.000 tỷ đồng (ba mươi sáu nghìn tỷ đồng) trong tháng 11 qua.
Nhận định cho rằng giá thép thế giới hạ nhiệt sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. Đồng thời, Nghị định mới được Chính phủ ban hành có quy định giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm với mức giảm thuế suất từ 5% đến 10%, điều này cũng ít nhiều đưa giá hàng hoá trong nước hạ nhiệt.
Vốn hóa của HPG đã "bốc hơi" tới 36.000 tỷ đồng trong tháng 11 do giá cổ phiếu giảm hơn 14%
Tháng 11, nhà đầu tư cũng chứng khiến đợt "sóng thần" của nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. Hàng loạt phiên kịch trần đưa thị giá nhiều cổ phiếu tăng hàng chục đến hàng trăm phần trăm. Tuy nhiên, một bluechips trong ngành bất động sản là Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH) lại ghi nhận mức tăng trưởng âm về giá cổ phiếu. KDH kết phiên 30/11 tại mức 46.450 đồng/cổ phiếu, giảm gần 9% so với mức giá đầu tháng là 51.000 đồng/cổ phiếu.
Việc thị giá điều chỉnh có thể là những phản ứng tiêu cực của thị trường khi tình hình kinh doanh quý 3 KDH không mấy sáng sủa, lợi nhuận đạt 317 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành được 66% mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận cả năm. Dù vậy, chu kỳ ghi nhận lợi nhuận lớn của ngành bất động sản nói chung có thể vào quý 4.
Thị giá KDH giảm gần 9% trong tháng 11
Bluechips bất động sản khác là PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng ghi nhận những nhịp chỉnh mạnh trong tháng 11. Sau khi lên đỉnh 99.000 đồng trong phiên 22/10, áp lực bán ra chốt lời khiến thị giá lập tức quay đầu giảm sâu, chạm ngưỡng 89.600 đồng, tương đương giảm hơn 9% trong hơn nửa tháng, trước khi hồi phục nhẹ về mức 93.600 đồng/cổ phiếu vào phiên 30/11.
Tháng 11, PDR cũng là cổ phiếu được thêm mới vào rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index trong kỳ cơ cấu quý 4/2021. Đồng thời, PDR cũng vừa chào bán 6 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ phát hành 1,23%, mức giá bán là 20.000 đồng/cổ phiếu.
PDR có cú chỉnh mạnh gần 10% sau khi lên đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 10
Trong số những cái tên tỷ đô giảm giá từ đầu năm có sự xuất hiện của cổ phiếu hàng không là HVN của Vietnam Airlines (-7,3%). Trong quý 3, Vietnam Airlines vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ dịch COVID-19, hiện tổng lỗ lũy kế tính đến hết quý 3 đã lên đến 21.200 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu cũng chỉ còn 1.475 tỷ đồng, cận kề nguy cơ bị hủy niêm yết.
Bên cạnh đó, bộ đôi cổ phiếu họ Vin là VRE của Vincom Retails và VHM của Vinhomes cũng có diễn biến không thực sự tích cực khi ngược dòng xu hướng chung của thị trường để giảm lần lượt 4,5% và 1,1%.
Cũng có diễn biến không mấy tích cực trong thời gian gần đây là cổ phiếu ngành sữa Vinamilk (VNM). Kết thúc phiên giao dịch 30/11, thị giá VNM chỉ còn 87.600 đồng, giảm 3.100 đồng tương ứng 3,4% so với cuối tháng 10. Cổ phiếu điều chỉnh trong khi kết quả kinh doanh của VNM lại ghi nhận mức kỷ lục mới trong quý 3 khi doanh thu thuần hợp nhất lần đầu tiên vượt mức 16 nghìn tỷ đồng trong một quý.
Báo cáo gần đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra dự phóng doanh thu và LNST của VNM trong năm 2021 sẽ lần lượt đạt 60.891 tỷ đồng và 10.629 tỷ đồng, tương ứng tăng 2% và giảm 4% so với thực hiện năm 2020 trong bối cảnh giá đầu vào đang leo thang. EPS năm 2021 đạt khoảng 4.577 đồng. VDSC đánh giá P/E của cổ phiếu hiện đang dao động ở mức 19 lần - mức tương đối hấp dẫn.
Ông lớn ngành cao su là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) cũng giảm 2,5% trong tháng 11 để kết thúc tháng tại mức 38.800 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra góp mặt trong danh sách còn có doanh nghiệp hàng đầu ngành bán lẻ Masan (MSN), giảm 1,1%; cổ phiếu ngân hàng VPBank (VPB) giảm 0,9%.
Trong tháng 11, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các cổ phiếu vốn hóa vừa vào nhỏ trong bối cảnh nhiều Bluechips đã tăng "nóng" trước đó và cần một nhịp điều chỉnh. Tuy vậy, để thị trường đi lên bền vững thì cần sự góp sức của các cổ phiếu Bluechips mới có thể bền vững. Theo đánh giá từ các công ty chứng khoán, thị trường sẽ sớm tăng vượt mốc 1.500 điểm trong thời gian tới với sự dẫn dắt của các cổ phiếu Bluechips, nổi bật là nhóm ngân hàng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị