Thị trường liệu đã tạo đáy sau 6 phiên liên tiếp giảm sâu?
Vị chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán hiện đang trong trạng thái thiếu định hướng, những giao dịch không phản ánh câu chuyện của doanh nghiệp mà đến từ những thông tin bất ổn từ thị trường.
- 19-04-2022"Rơi" gần 100 điểm từ vùng đỉnh đầu tháng 4, VN-Index liệu có bước vào giai đoạn downtrend?
- 18-04-20222 lời khuyên cho nhà đầu tư để tránh "mua đỉnh bán đáy" khi thị trường lao dốc
Tiếp tục chuỗi ngày ảm đạm, thị trường chứng khoán lao dốc mạnh khi ghi nhận 6 phiên giảm điểm liên tiếp. Sau nhịp hồi phục nhẹ, cú đạp sâu trong những phiên chiều khiến VN-Index tiếp tục dò đáy. Đã từ rất lâu, thị trường mới xảy ra chuỗi giảm kéo dài và mạnh như vậy.
Nhận định diễn biến thị trường tại Talkshow "Chọn danh mục" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management, Singapore đánh giá yếu tố khiến thị trường giảm liên tiếp bắt nguồn từ hai câu chuyện xử lý những vi phạm của lãnh đạo Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Sở dĩ đây không phải những câu chuyện mới trong giới đầu tư chứng khoán, vì trước đó các cơ quan quản lý đã thể hiện sự quyết tâm thực trong việc lành mạnh hoá thị trường.
Đơn cử trước sự kiện Tân Hoàng Minh, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có động thái huỷ việc phát hành trái phiếu của một doanh nghiệp khác. Nếu nhà đầu tư có góc nhìn dài hạn có thể thấy đó là một sự kiện khởi đầu cho động thái thanh lọc thị trường, từ đó có những hành động phù hợp trong danh mục. Tuy nhiên nhà đầu tư cá nhân thường non kinh nghiệm và có tâm lý đám đông nhiều hơn. Đồng thời, việc giảm điểm nhanh và mạnh trong tuần qua cũng bị tác động trên nền margin cao trên toàn thị trường.
Vị chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán hiện đang trong trạng thái thiếu định hướng, những giao dịch không phản ánh câu chuyện của doanh nghiệp mà đến từ những thông tin bất ổn từ thị trường. Ông cho rằng rất khó đoán định thị trường đã tạo đáy hay tiếp tục điều chỉnh, song nhà đầu tư có thể phân tích dựa trên ba yếu tố.
Thứ nhất, động thái "làm sạch" thị trường sẽ đi xa đến đâu? Cụ thể là những sự kiện xử lý vi phạm trong tuần vừa rồi mới là điểm bắt đầu hay kết thúc cho câu chuyện thanh lọc thị trường chứng khoán. Bởi chuyên gia cho rằng với nền margin vẫn duy trì ở mức cao, những biến cố xảy ra tiếp theo có thể sẽ xảy ra call margin dẫn đến sự sụt giảm tiếp trên toàn thị trường.
Thứ hai, việc phát hành trái phiếu các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán? Sở dĩ có nhiều công ty chứng khoán và ngân hàng mua và phân phối trái phiếu với những cam kết nhất định với nhà đầu tư. Do đó, những vụ việc tiêu cực về trái phiếu xảy ra có thể ảnh hưởng lớn đến nguồn tiền margin của công ty chứng khoán và ảnh hưởng ngược lại đến thanh khoản của thị trường chứng khoán.
Thứ ba, lãi suất ngân hàng đang dần tăng lên khiến cho lãi vay tại các công ty chứng khoán cũng tăng lên. Bản thân ngân hàng có sự tái cơ cấu lại danh mục vì cho vay công ty chứng khoán có NIM không cao. Do đó, nguồn công ty chứng khoán cho vay margin có thể bị ảnh hưởng.
"Trong ba yếu tố trên, quan trọng nhất là động thái "làm sạch" thị trường của cơ quan quản lý. Do đó, nếu nhà đầu tư tin là đây là sự kiện cuối trong việc làm minh bạch thị trường thì vùng đáy nằm quanh đây", ông Đào Phúc Tường nhận định.
Trên một góc nhìn khác, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MBS đánh giá hai năm qua, trong khi khối ngoại bán ròng mạnh mẽ thì nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò chủ đạo. Với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư mới, tâm lý đám đông sẽ khiến tình trạng bán tháo hoảng loạn diễn ra trong bối cảnh hỗn loạn thông tin. Sự khủng hoảng thể hiện rõ khi có 9/10 phiên giao dịch gần đây là giảm điểm với mức độ giảm khá mạnh. Tuy nhiên, dựa trên quan sát trạng thái vay margin, ông Hà cho rằng tâm lý nhà đầu tư cũng dần được trấn an. Theo đó, đây là vùng trũng có vẻ tạo đáy để nhà đầu tư có thể đi tiếp.
Tuy nhiên, CEO MBS cho rằng thị trường chứng khoán đã tạo đỉnh trong quý 1/2022 và khó bứt phá mạnh vào quý 2 tới đây. Bởi dù quy mô của thị trường chứng khoán hiện khá mở với 5 triệu tài khoản nhà đầu tư, song thực tế chất lượng dòng tiền rất khác so với 2 năm trước. Với sự hồi phục mạnh của nền kinh tế sau dịch Covid, dòng tiền đang quay trở về sản xuất kinh doanh dòng tiền đang dần rút khỏi thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm trong quý 1. Đơn cử là kết quả kinh doanh năm 2021 với sự tăng trưởng các doanh nghiệp niêm yết. Song song đó, dòng tiền trên thị trường trong quý 1 thường có xu hướng cao hơn quý 4.
"Sau 2 năm tăng trưởng mạnh, sự điều chỉnh là tất yếu với thị trường chứng khoán. Nhìn về dài hạn, chứng khoán Việt Nam vẫn còn cơ hội chinh phục nhiều đỉnh mới. Trong năm 2022, việc kiếm cơ hội ăn bằng lần chắc chắn khó hơn và việc lựa chọn cổ phiếu tốt cũng sẽ khó hơn, song điều đó không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không còn cơ hội chiến thắng. Tổng kết lại, tôi cho rằng quý 2 thị trường vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn, song sẽ hồi phục trở lại từ tháng 8 -9 năm nay", ông Trần Hải Hà đưa ra nhận định.