Thị trường M&A: Ngành hàng nào sẽ "thống lĩnh" trong năm 2018?
Giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017 do chưa thể thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco. Tuy nhiên, thị trường vẫn sẽ đạt mốc tăng trưởng so với 2017.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu MAF, công bố tại Họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam sáng 24/7 đã đưa ra một số dự báo về thị trường mua bán và sáp nhập trong thời gian tới.
Theo đó, giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 sẽ đạt từ 6,5 – 6,9 tỷ USD, tương đương tăng 15,3% so với năm 2017 nếu loại trừ Sabeco (thương vụ này bằng 58,8% so với giá trị M&A 2017).
Nghĩa là, dù với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam vẫn duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 4 năm 2015 – 2018.
Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A.
Nguyên nhân ngành sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ vẫn là mục tiêu của các nhà đầu tư là bởi tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Với một lực lượng dân số trên 90 triệu dân, đang trong giai đoạn vàng, các thương vụ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng rất được quan tâm.
Các thương vụ này có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hoá.
Tuy nhiên, sự thâm nhập vào thị trường tiềm năng này qua lĩnh vực M&A có thể bị giới hạn do số lượng các mục tiêu có thể đầu tư hoặc mua lại.
Ngành thực phẩm, đồ uống cũng có triển vọng rất lớn. Bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp gia tăng chuỗi giá trị thông qua M&A các doanh nghiệp lớn như Habeco, Vinamilk vẫn là "miếng ngon" hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại.
M&A bất động sản cũng rất thu hút, theo báo cáo. Các nhà đầu tư, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao.
Các nhà đầu tư nội, tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất nhưng đang dần chuyển mình. Những nhà đầu tư này, có lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường...
Trong ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính, xu hướng được quan tâm là lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, công nghệ ngân hàng... vốn còn nhiều tiềm năng.
Ở ngành viễn thông, công nghệ, tại Việt Nam, những cơ hội trong ngành viễn thông được kỳ vọng là Viettel tiếp tục với vai trò người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, với chủ trương tái cấu trúc VNPT và cổ phần hoá Mobifone sẽ là cơ hội mà các nhà đầu tư trông đợi thời gian qua.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần có sự đột phá đã nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước cũng như khu vực. Tuy nhiên, giới startup trong nước vẫn cần nỗ lực lớn để có được thương vụ đột phá như thành công của các startup trong khu vực.
Ngoài ra, tại nhóm ngành cơ sở hạ tầng – năng lượng, với quan điểm bán một phần cơ sở hạ tầng để lấy vốn xây dựng hạ tầng khác, cùng với thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ như sân bay, cảng biển... cũng sẽ tạo ra cơ hội lớn, giá trị quy mô hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD xuất hiện.