Thị trường máy tính bảng chưa có dấu hiệu phục hồi
Theo dữ liệu mới nhất của Canalys, quý 3/2022 chứng kiến quý giảm thứ năm liên tiếp của thị trường máy tính bảng trên toàn thế giới.
- 03-11-2022Lấy hàng Apple bán lại cho chính Apple, một cựu nhân viên thu về 17 triệu USD
- 03-11-2022Mua iPhone 14 Pro Max tại Việt Nam ‘như chơi xổ số’
- 02-11-2022Đỗ xe kiểu 'VIP' của Tiktoker triệu phú: coi vé phạt đỗ trái phép như phí gửi xe giá cao
Tổng lượng máy tính bảng xuất xưởng giảm 6% trong quý 3 xuống còn 35,3 triệu chiếc, trong khi doanh số bán Chromebook giảm 29% ở mức 4,2 triệu chiếc, là số lượng giao hàng quý 3 thấp nhất kể từ năm 2019.
Sự sụt giảm của thị trường máy tính bảng tiếp tục diễn ra trong quý 3 sau mức giảm 11% trong quý trước. Apple dẫn đầu thị trường nhưng lượng tiêu thụ iPad của hãng đã giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 14,4 triệu chiếc. Vị trí thứ hai là Samsung đã xuất xưởng 6,6 triệu chiếc trong quý 3 với mức giảm tương đối khiêm tốn là 8%. Amazon đứng ở vị trí thứ ba. Lenovo và Huawei chiếm vị trí thứ tư và thứ năm đều giảm lần lượt là 37% và 41%.
Nhà phân tích Himani Mukka của Canalys cho biết: "Nhu cầu giảm về máy tính bảng trong thế giới hậu đại dịch đã trở nên trầm trọng hơn do áp lực kinh tế vĩ mô gia tăng đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Việc giáo dục trực tiếp phần lớn được tiếp tục và mọi người dành ít thời gian hơn ở trong nhà và trên các thiết bị, chi tiêu cho việc làm mới hoặc nâng cấp máy tính bảng đang giảm mạnh do ngân sách hộ gia đình bị thu hẹp trở lại. Mặc dù thị trường máy tính bảng khó có thể đạt lại mức cao như nó đã đạt được vào năm 2020 và 2021, nhưng quỹ đạo tích cực hơn so với dự đoán một vài năm trước và các nhà cung cấp đang báo hiệu tiếp tục tập trung vào danh mục này".
Theo nhận định của nhà phân tích Brian Lynch của Bộ phận nghiên cứu Canalys: "Quý 3 đã gây thêm áp lực cho thị trường Chromebook khi nhu cầu giáo dục tiếp tục bão hòa. Kể từ khi thị trường giáo dục lần đầu tiên có dấu hiệu bão hòa vào quý 3/2021, các nhà cung cấp đã phải vật lộn để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng ở các phân khúc khác trong khi vẫn quản lý mức tồn kho cao".
Acer đã thành công nhất trên thị trường Chromebook sau khi thị trường này có dấu hiệu bão hòa. Acer giữ vị trí đầu tiên trong quý 3 vừa qua với hơn một triệu chiếc được xuất xưởng, tăng trưởng 11% và chiếm hơn một phần tư tổng số lô hàng. HP đã giành được vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chromebook sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng hơn so với các nhà cung cấp khác trong những quý gần đây. HP đã chứng kiến doanh số bán hàng giảm 27%, xuống 800.000 chiếc trong quý gần nhất. Lenovo đã trải qua sự sụt giảm mạnh nhất trong số tất cả các nhà cung cấp lớn với mức giảm 50% do họ phải vật lộn với mức tồn kho cao và thay đổi danh mục giáo dục của mình để bao gồm nhiều thiết bị Windows hơn. Dell, vốn ít tập trung vào thị trường Chromebook trong suốt thời gian đại dịch, đã có sự sụt giảm khiêm tốn về lượng xuất xưởng 11%. Asus đứng ở vị trí thứ 5 trên thị trường với 9,6% thị phần.
Xét về tổng thị trường PC (máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy tính bảng), Apple đứng đầu bảng với 23,4 triệu chiếc được xuất xưởng trên toàn thế giới, chiếm 22% thị phần với tư cách là nhà cung cấp lớn duy nhất có mức tăng trưởng hàng năm trong quý 3. Với 19,4 triệu chiếc được xuất xưởng và 18% thị phần, Lenovo đứng thứ hai, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. HP đứng thứ ba, với số lượng xuất xưởng giảm 28% xuống còn 12,7 triệu chiếc và mất thị phần hai điểm phần trăm so với quý 3 năm 2021. Vị trí thứ tư là Dell đã xuất xưởng 12 triệu chiếc, giảm 21%, trong khi Samsung đứng thứ năm khi xuất xưởng 7,3 triệu chiếc và có mức giảm khiêm tốn hơn là 13%.
VTV