Thị trường ngày 01/06: Giá vàng lên mức cao nhất 7 tuần, đồng có tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2015
Kết thúc phiên giao dịch, dầu có tháng giảm mạnh nhất 6 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế quan đối với hàng hóa từ Mexico, đồng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2015. Chiều ngược lại, Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần, đường quay lại đà tăng sau khi sụt giảm 2 tháng liên tiếp.
- 30-05-2019Thị trường ngày 30/05: Lo lắng về cuộc chiến thương mại kéo dầu, thép đi xuống
- 29-05-2019Thị trường ngày 29/05: Giá dầu và cao su tiếp tục tăng, quặng sắt đạt đỉnh mới, giá ngô cao nhất 3 năm
- 28-05-2019Thị trường ngày 28/05: Giá dầu, vàng, cao su và kim loại đồng loạt tăng
Dầu giảm hơn 3%
Giá dầu giảm hơn 3% trong phiên cuối tuần và có tháng giảm mạnh nhất trong 6 tháng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế quan đối với hàng hóa từ Mexico (một đối tác thương mại quan trọng của Mỹ và là nhà cung cấp dầu thô lớn) gây căng thẳng thương mại toàn cầu.
Dầu thô Brent chốt phiên 31/5 giảm 2,38 USD hay 3,6% xuống 64,49 USD/thùng. Dầu Tây Texas WTI giảm 3,09 USD hay 5,5% xuống 53,5 USD/thùng. Trong phiên dầu Brent đã chạm tới 64,37 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 8/3, WTI xuống 53,41 USD/thùng, yếu nhất kể từ ngày 14/2.
Trong cả tháng 5 dầu Brent giảm 11% và dầu WTI giảm 16%, giảm một tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2018.
Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế trừ phi Mexico ngăn chặn người dân nhập cư trái phép qua biên giới Mỹ. Kế hoạch sẽ áp dụng thuế 5% với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico bắt đầu từ ngày 10/6 và tăng hàng tháng lên 25% vào ngày 1/10. Điều đó có thể gây thiệt hại cho giao dịch năng lượng qua biên giới. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ nhập khẩu khoảng 680.000 thùng dầu thô Mexico mỗi ngày và mức thuế 5% sẽ làm tăng thêm 2 triệu USD chi phí mua hàng ngày của họ.
Vàng tăng lên mức cao nhất 7 tuần
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần và là tháng tăng đầu tiên trong 4 tháng sau khi Washington đe dọa áp thuế lên hàng hóa từ Mexico làm trầm trọng thêm lo sợ về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.305,17 USD/ounce, trước đó đã đạt 1.306,64 USD, cao nhất kể từ ngày 11/4. Vàng tăng khoảng 1,7% trong tháng này và là tuần thứ 2 tăng liên tiếp với mức tăng khoảng 1,6%. Vàng kỳ hạn tháng 8 của Mỹ đóng cửa phiên tăng 1,9% lên 1.311,1 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,3% nhưng là tháng tăng thứ 4 liên tiếp với vị trí là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và thị trường.
Đồng có tháng giảm mạnh nhất kể từ năm 2015
Giá đồng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2015, do số liệu sản xuất của Trung Quốc suy yếu và Mỹ đe dọa áp thuế quan với hàng hóa của Mexico gây ra lo sợ rằng tranh chấp thương mại sẽ gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu kim loại.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) chốt phiên giảm 0,4% xuống 5.830 USD/tấn. Kim loại này đã giảm 9% trong tháng này, tháng giảm thứ 3 liên tiếp.
Hầu hết các kim loại công nghiệp khác cũng giảm trong tháng 5, kẽm đã có tháng giảm gần 11%, giảm mạnh nhất kể từ năm 2012.
Những vấn đề về nguồn cung có thể khiến thị trường đồng thắt chặt hơn, hỗ trợ giá.
Nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới Codelco báo cáo sản lượng đồng trong quý 1/2019 giảm 18% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh lo ngại về đình công.
Thép Trung Quốc giảm do lo ngại dư cung
Thép cây của Trung Quốc giảm, do các nhà đầu tư lo lắng về dư cung trong bối cảnh quá trình giảm lượng tồn kho chậm và sản lượng tại các nhà máy đang tăng.
Giá thép cây Thượng Hải giảm 1,5% xuống 3.750 CNY (543,16 USD)/tấn khi thị trường đóng cửa. Tính chung cả tuần giá thép đã giảm gần 3% và là tuần giảm mạnh nhất trong 22 tuần. Giá thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống 3.625 CNY/tấn.
Giá nguyên liệu thô sản xuất thép cũng giảm cùng với các sản phẩm thép. Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 mất 1,6% xuống 727 CNY/tấn.
Các nhà phân tích từ Jefferies dự đoán giá quặng sắt ở mức cao trong ít nhất 12 tháng tới do ảnh hưởng của những cú sốc nguồn cung trong thị trường này.
Dự trữ quặng sắt đã nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc giảm xuống 127,8 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 2/2017.
Cao su TOCOM ổn định
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) đóng cửa ổn định, khi nguồn cung eo hẹp được bù đắp bởi lo lắng rằng căng thẳng thương mại sẽ khiến nhu cầu giảm.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 11 đóng cửa ổn định tại 194,2 JPY (1,79 USD)/kg. Giá đã tăng 1,3% trong tuần qua và tăng 2,6% trong tháng.
Giá cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 150 CNY đóng cửa tại 12.250 CNY (1.776 USD)/tấn.
Jiong Gu, nhà phân tích tại Yutaka Shoji cho biết giá giao ngay tăng ở Thái Lan do thời tiết khô hạn trong đầu tháng 5 đã thúc đẩy hợp đồng cao su TOCOM tăng trong tuần nay. Nhưng giá cao su TOCOM có thể trở lại yếu hơn trong tháng tới do dự báo sản lượng cao su tại Thái Lan tăng.
Dự trữ cao su tại kho của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,2% so với một tuần trước.
Cà phê tăng do đồng real của Brazil mạnh lên
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa phiên tăng 2,25 US cent hay 2,2% xuống 1,046 USD/lb, cao nhất kể từ ngày 7/2. Hợp đồng này đã tăng khoảng 13,9% trong tháng 5, là một trong số các mặt hàng diễn biến tốt nhất trong tháng này.
Đồng real của Brazil mạnh hơn làm giảm lợi nhuận tính theo đồng nội tệ của các mặt hàng định giá bằng USD như cà phê và đường, không khuyến khích nông dân bán ra.
Cà phê cũng được củng cố trong những phiên gần đây bởi lo ngại thời tiết lạnh và vấn đề chất lượng ở Brazil.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 22 USD hay 1,5% lên 1.478 USD/tấn. Hợp đồng này tăng 6,5% trong tháng 5 sau 3 tháng sụt giảm liên tiếp.
Đường tăng trở lại sau khi sụt giảm 2 tháng liên tiếp
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,34 US cent hay 2,9% lên 11,76 US cent/lb. Hợp đồng này tăng 0,9% trong tháng 5 sau khi sụt giảm trong 2 tháng liên tiếp.
Ấn Độ, một trong các nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới, khả năng có lượng mưa trung bình trong năm nay, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 6,7 USD hay 2,1% lên 330,6 USD/tấn. Giá tăng 6,5% trong tháng 5.
Dầu cọ suy yếu theo giá dầu, đậu tương
Dầu cọ Malaysi giảm trong phiên giao dịch cuối tuần, bởi áp lực dầu thô và giá dậu tương của Mỹ suy yếu trên sàn giao dịch Chicago.
Hợp đồng dầu cọ kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch phái sinh Bursa đóng cửa giảm 0,7% xuống 2.069 ringgit (493,91 USD)/tấn . Thị trường này tăng 2,8% trong tuần nhưng theo đồ thị giảm 1,2% trong tháng 5, tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 1/06