MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 01/7: Giá dầu giảm 3%, kim loại công nghiệp có quý giảm mạnh nhất trong nhiều năm

01-07-2022 - 08:46 AM | Thị trường

Thị trường ngày 01/7: Giá dầu giảm 3%, kim loại công nghiệp có quý giảm mạnh nhất trong nhiều năm

Chốt phiên giao dịch 30/6 giá dầu giảm khoảng 3%, vàng có quý giảm mạnh nhất trong hơn một năm, đồng có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2011, gạo và ngũ cốc đồng loạt giảm.

Dầu giảm 3%

Giá dầu giảm khoảng 3% khi OPEC+ khẳng định họ sẽ chỉ tăng sản lượng trong tháng 8 như đã thông báo trước đó bất chấp nguồn cung toàn cầu thắt chặt.

Chốt phiên 30/6, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 9 giảm 3,42 USD hay 3% xuống 109,03 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 8 đáo hạn trong phiên này giảm 1,45 USD hay 1,3% xuống 114,81 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 4,02 USD hay 3,7% xuống 105,76 USD/thùng.

Tổ chức các nhà sản xuất OPEC+ gồm cả Nga đã đồng ý duy trì chiến lược sản lượng của họ sau hai ngày nhóm họp. Trước đó OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng mỗi tháng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8.

Các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Nga kể từ khi xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng cao, gây lo sợ về lạm phát và suy thoái.

Trong phiên giá dầu giảm cùng với Phố Wall. Chỉ số S&P 500 được thiết lập trong 6 tháng đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970, do lo ngại rằng các ngân hàng trung ương quyết tâm kiềm chế lạm phát sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế.

Nhưng sự gián đoạn nguồn cung có thể hạn chế đà giảm trong bối cảnh Libya dừng xuất khẩu từ hai cảng phía đông trong khi sản lượng của Ecuador giảm vì các cuộc biểu tình liên tục.

Vàng có quý giảm mạnh nhất trong hơn một năm

Giá vàng giảm, ghi nhận quý tồi tệ nhất trong 5 quý do chính sách cứng rắn từ các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.806,55 USD/ounce, tính chung cả quý giảm hơn 6%. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,6% xuống 1.807,3 USD/ounce.

Chỉ số USD gần mức đỉnh của hai thập kỷ và tăng 6% trong quý này, khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Giá vàng bật tăng trong một thời gian ngắn sau khi số liệu của Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân tăng 6,3% trong tháng 5. Tuy nhiên, giá vàng nhanh chóng quay trở lại biến động trong biên độ hẹp như đã thấy trong vài phiên qua.

Đồng có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2011

Giá đồng giảm trong phiên cuối tháng, ghi nhận quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 do phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại đã hạn chế nhu cầu.

Các kim loại công nghiệp khác cũng có quý tồi tệ nhất trong nhiều năm, giảm từ 20% đến 40%.

Nhiều nhà phân tích lo sợ sự giảm nhiều hơn nữa trong ngắn hạn, khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhanh chóng sẽ kìm hãm sự phát triển.

Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,6% xuống 8.265,5 USD/tấn, giảm 20,3% kể từ đầu tháng 4.

Giá đồng giảm 19,8% trong quý 1/2020 do Covid-19 lây lan ra toàn cầu.

Nhà phân tích Daniel Briesemann thuộc Commerzbank dự kiến giá đồng có thể giảm xuống mức 7.000 – 7.500 USD trong quý 3, nhưng giá tăng vào cuối năm.

USD có quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2016, khiến các kim loại đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng 6 sau 3 tháng sụt giảm vì phong tỏa Covid.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt tại Đại Liên và Singapore giảm và tính chung cả quý giảm do những lo ngại kéo dài về nhu cầu đối với thành phần sản xuất thép tại Trung Quốc, nước sản xuất thép hàng đầu thế giới.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 2,2% xuống 791 CNY/tấn sau 4 phiên tăng liên tiếp, cả quý giảm hơn 10%.

Tại Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 giảm 1,5% xuống 120,9 USD/tấn và đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp.

Giá quặng sắt Đại Liên đã đạt mức đỉnh năm nay tại 948 CNY/tấn trong ngày 6/6, trong khi quặng sắt tại Singapore tăng lên 168,65 USD/tấn trong ngày 8/3, được hỗ trợ bởi những kích thích bổ sung cho nền kinh tế Trung Quốc.

Trên thị trường giao ngay, quặng sắt hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc được giao dịch ở mức 124 USD/tấn trong ngày 29/6, theo số liệu của công ty SteelHome, đã giảm 24% trong năm nay từ mức đỉnh 163 USD/tấn đạt được trong ngày 7/3.

Chính sách zero-Covid và thời tiết không thuận lợi cho hoạt động xây dựng gây sức ép lên thị trường sắt thép trong những tuần gần đây, cùng với những hy vọng ngày càng mờ nhạt về hỗ trợ kinh tế hơn nữa.

Giá thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng ổn định. Thép không gỉ tăng 1,3%.

Cao su Nhật Bản giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng giá nguyên liệu thô của Thái Lan và cổ phiếu Tokyo giảm, mặc dù doanh số bán ô tô của Trung Quốc mạnh và số liệu lạc quan hơn từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nước này đã hạn chế đà giảm.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2 JPY hay 0,8% xuống 257,4 JPY (1,89 USD)/kg, giảm mạnh nhất trong một ngày tính theo phần trăm kể từ ngày 14/6.

Giá mủ cao su của Thái xuống mức thấp nhất kể từ ngày 12/1 tại 42,75 baht (1,21 USD)/kg trong ngày 29/6.

Chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 1,5% sau khi số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp hàng tháng giảm mạnh nhất trong hai năm và JPY xuống mức thấp nhất 24 năm điều này dấy lên lo sợ suy thoái kinh tế.

Tại sàn giao dịch Thượng Hải cao su giao tháng 9 tăng 10 CNY lên 12.875 CNY (1.923,74 USD)/tấn.

Cà phê diễn biến trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 1,85 US cent hay 0,8% lên 2,301 USD/lb, sau khi tăng 4,8% trong phiên liền trước.

Các đại lý lưu ý rằng dự trữ cà phê được ICE chứng nhận đang giảm hiện ở mức thấp nhất 22 năm, dấu hiệu nguồn cung khan kiếm trong ngắn hạn và lo ngại thời tiết khô ở Brazil có thể dẫn tới sản lượng giảm.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 16 USD hay 0,8% xuống 2.033 USD/tấn.

Giá cà phê tại Việt Nam tăng trong tuần này do nguồn cung khan hiếm vào cuối vụ, USD mạnh lên và dự trữ bắt đầu giảm tại Indonesia.

Nông dân tại Tây Nguyên, tỉnh trồng cà phê lớn nhất nước đã bán cà phê ở mức 42.000 – 44.000 đồng (1,82-1,89 USD)/kg, tăng từ 42.700 – 43.700 đồng trong tuần trước.

Một thương lái cho biết giá trong nước đạt mức năm 2016 – 2017 nhưng do tỷ giá hối đoái và chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận không cao như trước nữa, giá có thể tăng tiếp theo diễn biến tỷ giá.

Thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 150 – 160 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 ở London, một tuần trước mức trừ lùi là 140 – 160 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính tăng 21,7% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,03 triệu tấn, tương đương 17,2 triệu bao loại 60 kg/bao.

Tại Indonesia, xuất cà phê robusta của Sumatra tăng 27,26% trong tháng 5 so với cùng tháng năm trước, lên 12.047,93 tấn.

Giá cà phê robusta Sumatra so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tại London không đổi so với tuần trước, ở mức trừ lùi 140 – 150 USD/tấn.

Đường tăng giá

Đường thô kỳ hạn tháng 7, đáo hạn trong phiên này tăng 0,28 US cent hay 1,5% lên 18,83 US cent/lb, cao nhất một tuần.

Nhu cầu giao ngay tốt ngay cả sau khi Ấn Độ xuất khẩu nhiều trong niên vụ này.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 2,8 USD hay 0,5% lên 556,6 USD/tấn

Giá gạo giảm tại Thái Lan, Việt Nam

Nhu cầu với gạo Ấn Độ mạnh trong tuần này do đồng rupee yếu hơn khiến gạo trở nên hấp dẫn hơn so với gạo Thái Lan và Việt Nam, trong khi Bangladesh cắt giảm thuế nhập khẩu để hạ giá trong nước.

Bangladesh giảm thuế nhập khẩu gạo xuống 25% từ 62,5%, khối lượng lớn sẽ được nhập từ nước láng giềng Ấn Độ. Lũ lụt đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích cây trồng và khiến giá trong nước tăng đột biến, mặc dù hiện tại là đỉnh điểm của vụ thu hoạch lớn nhất của nước này.

Trong khi Bangladesh là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, họ thường yêu cầu nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai như lốc xoáy và lũ lụt.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 355 tới 360 USD/tấn không đổi so với tuần trước.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 412 – 415 USD/tấn từ mức 420 – 425 USD/tấn một tuần trước. Nông dân dự kiến sản lượng tốt trong năm nay, họ bị áp lực từ chi phí phân bón ngày càng cao.

Gạo 5% tấm của Việt Nam bán ở mức 415 – 420 USD/tấn so với mức 418 – 423 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước đang tăng với sản lượng nhiều hơn từ vụ thu hoạch hè thu đang diễn ra.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay ước tính tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,5 triệu tấn, kim ngạch tăng 4,6%.

Ngũ cốc giảm sau số liệu của USDA

Đậu tương đóng cửa giảm khi ước tính diện tích trồng của Mỹ ít hơn dự kiến và dự trữ thắt chặt bị lấn át bởi những lo ngại về kinh tế khi thị trường chứng khoán và năng lượng thoái lui.

Giá đậu tương tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cho biết nông dân Mỹ gieo trồng ít hơn trong năm nay so với các nhà phân tích thị trường đã dự báo.

Ngô và đậu tương xuống mức thấp nhiều tháng khi dự trữ ngũ cốc trong báo cáo hàng quý của USDA phù hợp với dự đoán và trồng trọt vượt ước tính.

Đậu tương kỳ hạn tháng 8 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 11 US cent xuống 15,6 USD/bushel trong khi đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11 giảm 20-1/4 US cent xuống 14,58 USD/bushel.

Ngô kỳ hạn tháng 9 giảm 35-1/4 US cent xuống 6,28-3/4 USD/bushel, ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12 giảm 34 US cent xuống 6,19-3/4 USD/bushel. Cả hai đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3.

Lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 46 US cent xuống 8,84 USD/bushel, thấp nhất 4 tháng.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/7

Thị trường ngày 01/7: Giá dầu giảm 3%, kim loại công nghiệp có quý giảm mạnh nhất trong nhiều năm - Ảnh 1.
https://cafef.vn/thi-truong-ngay-01-7-gia-dau-giam-3-kim-loai-cong-nghiep-co-quy-giam-manh-nhat-trong-nhieu-nam-20220701061356513.chn

Minh Quân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên