MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 04/1: Giá dầu tăng mạnh, vàng giảm hơn 1%

04-01-2022 - 07:39 AM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phiên giao dịch 03/1 giá dầu tăng mạnh do lạc quan về sự phục hồi nhu cầu trong năm 2022, trong khi vàng giảm hơn 1%, ngô và lúa mì trên sàn Chicago giảm, đậu tương tăng mạnh. Các thị trường London, Nhật Bản và Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu tăng do lạc quan về nhu cầu năm 2022

Giá dầu tăng do hy vọng sự phục hồi nhu cầu trong năm 2022, bất chấp OPEC+ có vẻ đồng ý tiếp tục tăng sản lượng và những lo ngại kéo dài về số ca nhiễm Covid đang tăng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu. OPEC+ dự kiến đồng ý tăng sản lượng trong ngày 4/1.

Biến chủng Omicron đã khiến số lượng ca bệnh kỷ lục và giảm bớt các lễ hội năm mới trên toàn thế giới.

Chốt phiên 03/1, dầu Brent tăng 1,2 USD hay 1,5% lên 78,98 USD/thùng, trước đó giá đã lên mức cao 79,05 USD. Dầu WTI tăng 87 US cent lên 76,08 USD/thùng.

Nhiều trường học Mỹ dự định đón học sinh trở lại lớp học trong ngày 3/1 đang trì hoãn ngày bắt đầu, kiểm tra học sinh và giáo viên cũng như đang chuẩn bị như một phương sách cuối cùng để quay lại học tập online với số lượng kỷ lục các trường hợp nhiễm Covid.

Dầu tăng cũng được hỗ trợ từ việc dừng hoạt động ở Libya. Sản lượng dầu sẽ bị cắt giảm 200.000 thùng/ngày trong một tuần do bảo dưỡng đường ống.

Năm ngoái, dầu Brent tăng 50% bởi sự phục hồi trên toàn cầu từ đại dịch Covid-19 và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+. Một số dự kiến dầu tăng tiếp trong năm 2022.

Một báo cáo từ các nhà phân tích thuộc UBS cho biết giá dầu thô và sản phẩm sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lên trên mức năm 2019, dự kiến dầu thô Brent tăng lên khoảng 80 – 90 USD/thùng trong năm 2022.

Vàng giảm hơn 1%

Giá vàng giảm hơn 1% do chứng khoán gia tăng với các nhà đầu tư lờ đi những lo ngại về tác động của biến thể Omicron.

Vàng giao ngay giảm 1,5% xuống 1.800,68 USD/ounce, thiết lập ngày giảm theo phần trăm lớn nhất trong hơn một tháng. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa giảm 1,6% xuống 1.800,1 USD/ounce.

Lợi suất tăng, đồng USD mạnh lên và tâm lý rủi ro được cải thiện đang thúc đẩy chứng khoán tăng, gây áp lực lên thị trường vàng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh 6 tuần.

Mặc dù số ca nhiễm virus corona tăng lên nhưng số ca tử vong và nhập viện do biến thể Omicron tương đối thấp, khiến chính phủ ngừng áp dụng các biện pháp phong tỏa. Các nhà đầu tư dự kiến làn sóng covid mới là tạm thời.

USD tăng so với rổ các đồng tiền chủ chốt khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác. Giá vàng đã có năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2015, kết thúc năm giảm 3,6%.

Nhà phân tích thuộc UBS cho biết lãi suất của Mỹ tăng và lạm phát sụt giảm trong năm 2022 có thể gây áp lực lên giá vàng, dự báo giá vàng khoảng 1.650 USD/ounce vào cuối năm nay.

Cao su trái chiều

Thị trường cao su Malaysia đóng cửa trái chiều khi thiếu nhà đầu tư Nhật Bản và Trung Quốc do nghỉ Tết.

Tâm lý thị trường giảm sút do sự bùng phát ca bệnh nhiễm Omicron tại các quốc gia từ Trung Quốc tới Mỹ.

Tuy nhiên đà giảm bị hạn chế bởi giá dầu tăng và số liệu kinh tế của Trung Quốc đã cải thiện.

Giá cao su Malaysia SMR 20 ở mức 720,5 sen/kg trong khi mủ dạng khối tăng lên 532,5 sen/kg.

Dầu cọ tăng 3%

Giá dầu cọ tăng mạnh đầu năm mới, do lũ lụt gần đây tại một số bang ở bán đảo Malaysia và tình trạng thiếu hụt lao động gây ra lo ngại về nguồn cung.

Hợp đồng dầu cọ giao tháng 3 trên sàn giao dịch Bursa Malaysia tăng 157 ringgit hay 3,34% lên 4.854 ringgit (1.163,75 USD)/tấn, mức cao nhất trong hơn 3 tuần.

Giá dầu cọ ghi nhật tăng năm thứ ba liên tiếp sau khi tăng 30,7% trong năm 2021 do tình trạng thiếu lao động bởi đại dịch, trong khi nhu cầu phục hồi sau khi nhiều nước nới lỏng lệnh phong tỏa. Giá thiết lập ở mức trung bình quanh 4.149,57 ringgit (995,34 USD) trong năm 2021.

Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Malaysia cho biết có 7 bang ở nước này bị lũ lụt và hàng nghìn người đã phải sơ tán.

Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa nghỉ Tết trong ngày 3/1.

Ngô giảm do xuất khẩu yếu, lúa mì giảm, đậu tương tăng

Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm bởi xuất khẩu yếu và USD mạnh lên. Đậu tương mạnh được hỗ trợ bởi lo ngại về thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ, mặc dù xuất khẩu của Mỹ yếu đã hạn chế đà tăng. Lúa mì giảm bởi USD mạnh lên trong khi tuyết rơi gần đây đã hỗ trợ lúa mì vụ đông của Mỹ.

Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 16-1/4 US cent lên 13,55-1/2 USD/bushel. Khô đậu tương cùng kỳ hạn tăng 12,2 USD lên 411,3 USD/tấn, trong khi dầu đậu tương giảm 0,11 US cent xuống 56,42 US cent/lb.

Các nhà xuất khẩu Mỹ đã xuất 1,19 triệu tấn đậu tương trong tuần trước, giảm 32% so với mức trung bình 4 tuần trước đó và thấp hơn dự báo của các nhà phân tích.

Tổng lượng đậu tương của Brazil niên vụ 2021/22 được công ty tư vấn StoneX điều chỉnh giảm xuống 134 triệu tấn so với ước tính 145,1 triệu tấn trước đó.

Hợp đồng ngô CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 4 US cent xuống 5,89-1/4 USD/bushel sau khi chạm 5,84-3/4 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 16/12/2021. Mỹ đã xuất khẩu 596.092 tấn ngô trong tuần trước, giảm 45% so với mức trung bình 4 tuần trước đó và thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích.

Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông đóng cửa giảm 12-3/4 US cent xuống 7,58 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 04/1

Thị trường ngày 04/1: Giá dầu tăng mạnh, vàng giảm hơn 1% - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên