Thị trường ngày 05/04: Dầu Brent chạm mốc 70 USD/thùng, cao su tăng ngày thứ 2 liên tiếp
Giá vàng đảo chiều tăng nhẹ trở lại sau khi chạm đáy 5 tuần, giá đồng cũng sụt giảm nhưng quặng sắt có phiên tăng thứ 5 liên tiếp...
- 04-04-2019Thị trường ngày 04/04: Dầu thô neo ở mức cao 5 tháng, quặng sắt và thép tiếp tục tăng
- 03-04-2019Thị trường ngày 03/4: Giá dầu tiếp tục tăng, quặng sắt đạt đỉnh cao mới
- 02-04-2019Thị trường ngày 02/4: Dầu thô lên cao nhất 5 tháng, cà phê thấp nhất hơn 13 năm
Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu Brent trong trong phiên đêm qua lần đầu tiên chạm mốc 70 USD/thùng kể từ tháng 11/2018, do dự đoán nguồn cung toàn cầu thắt chặt có ảnh hưởng hơn áp lực sản lượng của Mỹ đang tăng và các chỉ số nhu cầu toàn cầu kém mạnh.
Dầu thô Brent kỳ hạn đóng cửa ngày 4/4 tăng 9 US cent lên 69,40 USD/thùng. Trong phiên có lúc dầu Brent đã chạm 70,03 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 12/11/2018.
Dầu thô WTI của Mỹ trong khi đó giảm 36 US cent xuống 62,1 USD/thùng.
Dầu Brent đã tăng 30% trong năm nay, trong khi WTI tăng gần 40%, bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại dầu thô của Iran và Venezuela, OPEC cắt giảm sản lượng và nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng.
Một khảo sát doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ của Trung quốc cho thấy chỉ số PMI tăng lên 54,4, cao nhất kể từ tháng 1/2018 và tăng từ 51,1 trong tháng 2/2019.
Nhà phân tích tại công ty Energy Aspects cho biết mùa bảo dưỡng lọc dầu sắp kết thúc, sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thô. Tuy nhiên, giá dầu thô Mỹ giảm cho thấy lo sợ của thị trường về nhu cầu yếu và cung vượt cầu.
Các chỉ số kinh tế kéo giá dầu theo xu hướng giảm gồm các đơn hàng sản xuất của Đức giảm, đã hạn chế đà tăng của thị trường. Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,2 triệu thùng trong tuần trước.
Vàng phục hồi từ mức thấp 10 tuần
Giá vàng tăng trong phiên qua sau khi chạm mức thấp nhất 10 tuần, do đồng USD mạnh bởi số liệu việc làm trong khi các nhà đầu tư đợi những tin tức rõ ràng về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Vàng kỳ hạn trên sàn Comex chốt phiên thay đổi ít tại 1.294,3 USD/tấn. Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.292,72 USD/ounce.
Trong phiên giá vàng đã chạm 1.280,59 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 25/1/2019, bởi áp lực từ đồng USD mạnh. Đồng USD tăng 0,2% so với rổ tiền tệ, do đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ thấp nhất 49 năm trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ một cách bền bững bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên số liệu trái chiều trong suốt tuần trên khắp thế giới không đảm bảo rằng tất cả đều tốt.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày 3/4, xuống 24,57 triệu ounce, thấp nhất kể từ ngày 17/12/2019.
Đồng giảm so số liệu sản xuất của Đức yếu
Giá đồng giảm trong phiên qua do số liệu sản xuất của Đức yếu làm trầm trọng thêm lo ngại về triển vọng nhu cầu và do lượng lớn kim loại trong kho LME cho thấy nguồn cung đã đủ.
Các kim loại công nghiệp khác cũng giảm bất chấp tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Giá đồng trên sàn LME chốt phiên giảm 0,6% xuống 6.450,5 USD/tấn.
Kim loại này, được sử dụng trong ngành điện và xây dựng, đã tăng từ mức thấp nhất 18 tháng tại 5.736 USD/tấn hồi tháng 1/2019 do hy vọng Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất có thể ngăn cản suy thoái kinh tế. Nhưng giá đã kẹt quanh mức hiện nay kể từ cuối tháng 2/2019.
Nguồn cung đồng đang thắt chặt, nhưng suy giảm tăng trưởng kinh tế tại Châu Âu, Trung Quốc và Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu, dự đoán giá sẽ giảm nhẹ trong năm nay.
Đơn đặt hàng công nghiệp của Đức tháng 2/2019 giảm 4,2%, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nhu cầu ở nước ngoài. Tuy nhiên số liệu việc làm của Mỹ lại mạnh.
Thẩm phán Peru đã đưa ra án phạt tù 3 năm đối với 3 luật sư đại diện cho dân làng bản địa, những người đã phong tỏa việc vận chuyển hàng hóa từ một mỏ đồng lớn, điều này làm cho tình hình tranh chấp xấu đi.
Dự trữ đồng tại các kho LME tăng vọt 30.375 tấn lên 198.325 tấn, cao nhất trong 6 tháng và gần gấp đôi mức 3 tuần trước. Theo các nhà phân tích tại Barclays tổng dự trữ trong kho LME, Comex, Thượng Hải và kho ngoại quan của Trung Quốc đã tăng gần 300.000 tấn trong năm nay.
Quặng sắt tiếp tục tăng
Giá quặng sắt Đại Liên ngày 4/4 tăng phiên thứ 5 liên tiếp do xuất khẩu sụt giảm từ Brazil và Australia trong bối cảnh nhu cầu tăng tại Trung Quốc cho thấy nguồn cung nguyên liệu thô sản xuất thép đang thắt chặt.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,1% lên 687,5 CNY (102,4 USD)/tấn. Giá đã tăng 10% trong tuần này, mạnh nhất kể từ tuần cuối tháng 1/2019. Thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa ngày 5/4/2019 để nghỉ lễ Thanh minh.
Công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron cho biết nguồn cung quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc dự kiến tiếp tục thắt chặt trong bối cảnh xuất khẩu giảm từ Brazil và Australia cũng như nhu cầu đang cải thiện từ các nhà máy thép.
Theo công ty tư vấn SteelHome, giá quặng sắt hàm lượng 62% giao ngay sang Trung Quốc tăng 1,7% lên 91,5 USD/tấn trong ngày 3/4.
Xuất khẩu quặng sắt của Brazil trong tháng 3/2019 đạt tổng cộng 22,18 triệu tấn, giảm 23% so với tháng trước và giảm 26% so với một năm trước do hoạt động của công ty khai thác hàng đầu Vale SA bị gián đoạn sau vụ thảm họa vỡ đập hồi tháng 1/2019.
Xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc từ Brazil và Australia trong quý 1/2019 giảm 7 - 8% so với một năm trước và giảm ở mức 2 con số so với quý trước đó.
Cao su tăng do kinh tế Trung Quốc cải thiện
Giá cao su tại Tokyo tăng ngày thứ hai trong phiên qua do lạc quan về kinh tế Trung Quốc và tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Hợp đồng cao su TOCOM kỳ hạn tháng 9/2019 đóng cửa tăng 0,9 JPY hay 0,5% lên 186,3 JPY (1,67 USD)/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 30 CNY đóng cửa tại 11.795 CNY (1.756 USD)/tấn.
Hiroyuki Kikukawa, giám đốc nghiên cứu tại công ty chứng khoán Nissan Securities cho biết "số liệu kinh tế mạnh gần đây từ Trung Quốc, dự đoán một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và các thị trường dầu mỏ mạnh đã hỗ trợ thêm". Nhưng tâm lý chung, các thị trường cao su vẫn yếu do tồn trữ trong và ngoài nước ở mức cao.
Dự trữ cao su tại các kho của sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,5% kể từ ngày 29/3/2019.
Gạo Châu Á: Gạo Thái giảm, gạo Việt Nam ổn định
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm trong tuần này, nhưng các thương nhân lo lắng nguồn cung có thể gián đoạn bởi hạn hán nghiêm trọng trong năm nay ngay cả khi nhu cầu vẫn chậm tại các khu vực chủ chốt của Châu Á.
Tại Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, gạo 5% tấm được định giá 395 – 396 USD/tấn, FOB Bangkik, so với 400 – 404 USD trong tuần trước. Các thương nhân cho biết giá vẫn ở mức cao vì nguồn cung giảm sau vụ thu hoạch vào tháng trước.
Nhu cầu đối với gạo thái đã chậm lại kể từ đầu năm nay do đồng baht mạnh so với đồng USD.
Tại Việt Nam, gạo 5% ở mức 360 USD/tấn, tương tự như tuần trước. Một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết "chúng tôi thấy các đơn hàng ổn định từ Philippines, đặc biệt bây giờ khách hàng từ quốc gia này có thể mua bao nhiêu tùy ý thay vì phải tuân theo hạn ngạch của chính phủ như trước đây".
Chính phủ Thái đang mua gạo dự trữ giúp giảm bớt áp lực từ nguồn cung gia tăng, đặc biệt khi nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch khoảng 90% vụ đông xuân.
Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng đã chứng kiến nhu cầu chậm chạp, với gạo đồ 5% tấm ở mức 390 – 393 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước. Gạo Ấn Độ không có khả năng cạnh tranh do đồng rupee tăng giá.
Giá cà phê tại Việt Nam phục hồi, mức cộng của Indonesia tăng
Giá cà phê tại Việt Nam phục hồi trở lại trong ngày 4/4, theo xu hướng phục hồi tại London, sau khi xuống mức thấp nhất 3 năm hồi đầu tuần, trong khi mức cộng của Indonesia tăng so với tuần trước.
Nông dân Tây Nguyên bán cà phê ở mức 31.600 – 32.500 đồng/kg trong ngày 4/4, giảm từ 32.000 – 33.100 đồng trong tuần trước. Giá đã xuống mức 30.700 đồng/kg trước đó trong tuần này. Các thương nhân cho biết giá thấp không khuyến khích nông dân bán cà phê và tạm dừng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 3/2019 giảm 24% so với một năm trước xuống 160.000 tấn, tính cả quý 1 xuất khẩu giảm 15.3% xuống 477.000 tấn.
Thương nhân tại Việt Nam đã chào cà phê robusta loại 2, 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 75 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 ở London, một tuần trước mức trừ lùi 30 – 50 USD/tấn.
Trong khi đó, tại Indonesia, mức cộng của cà phê robusta loại 4, khiếm khuyết 80 tăng lên 100 – 110 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 5, một tuần trước mức cộng 70 – 80 USD/tấn. Xuất khẩu cà phê robusta trên đảo Sumatra trong tháng 3/2019 đạt tổng cộng 6.563 tấn, tăng 53% so với một năm trước, nhưng giảm 19% so với tháng 2/2019.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 05/04