Thị trường ngày 10/10: Giá vàng tăng hơn 1%, nhiều mặt hàng tiếp tục leo cao
Lạc quan về gói kích thích kinh tế của Mỹ khiến giá vàng tăng hơn 1%, đồng lên mức cao nhất trong 2 tuần, ngược lại dầu giảm hơn 1% sau khi công nhân dầu mỏ Na Uy kết thúc đình công.
- 08-10-2020Thị trường ngày 8/10: Giá dầu giảm 2%, vàng tăng tiếp, lúa mì lập ‘đỉnh’ 5 năm
- 07-10-2020Thị trường ngày 7/10: Giá dầu tiếp tục tăng mạnh, vàng đi xuống; giá đường, ngô, đậu tương đồng loạt tăng cao
- 06-10-2020Thị trường ngày 6/10: Giá vàng lại vượt 1.900 USD/ounce, dầu tăng vọt thêm gần 6% nhờ tin tích cực về ông Trump
Dầu giảm hơn 1%
Giá dầu giảm hơn 1% trong phiên qua sau khi công nhân dầu mỏ ở Na Uy kết thúc đình công.
Kết thúc phiên 9/10, dầu thô Brent giảm 49 US cent hay 1,1% xuống 42,85 USD/thùng, trong khi dầu WTI giảm 59 US cent hay 1,4% xuống 40,60 USD/thùng.
Bất chấp giá giảm trong phiên cuối tuần, cả hai loại dầu đã tăng khoảng 9% trong tuần này, tuần tăng đầu tiên trong 3 tuần và là tuần dầu Brent tăng mạnh nhất kể từ tháng 6.
Trong đầu phiên, giá dầu tăng sau khi chủ tịch Hạ viện Mỹ cho biết bà sẽ khôi phục lại các cuộc dàm phán về gói kích thích chống lại Covid-19 trị giá 1,8 nghìn tỷ USD với Bộ trưởng Tài chính.
Trong khi đó, cơn bão Delta đã giáng một đòn mạnh vào việc sản xuất năng lượng tại Vịnh Mexico Mỹ trong 15 năm, làm ngưng trệ hầu hết sản xuất dầu và 2/3 sản lượng khí đốt tự nhiên trong khu vực.
JP Morgan cho biết triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu đang xấu đi do khả năng số ca nhiễm trong mùa đông này tăng lên có thể thúc đẩy tổ chức OPEC đảo ngược kế hoạch nới lỏng cắt giảm sản lượng dầu năm 2021.
Giá LNG Châu Á tăng do nhu cầu mạnh
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay của Châu Á tăng trong tuần này do nhu cầu mạnh trong khu vực, cũng như lo ngại về nguồn cung tại Mỹ do một cơn bão và giá khí Châu Âu mạnh lên.
Giá trung bình của LNG giao tháng 11 sang đông bắc Á ước tính ở mức 5,5 USD/mmBtu, tăng 0,3 YSD mỗi mmBtu so với tuần trước. Giá giao tháng 12 khoảng 5,7 USD/mmBtu.
Nhu cầu LNG dự kiến mạnh tại cả Châu Á và Châu Âu trong quý 4.
Tại Ấn Độ, nhu cầu trở lại mức bình thường sau khi giảm bởi đại dịch Covid-19 trước đó.
Vàng tăng hơn 1% do USD giảm
Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên cuối tuần, do USD thoái lui xuống gần mức thấp nhất trong 3 tuần và đặt cược vào gói kích thích kinh tế của Mỹ đã thúc đẩy các nhà đầu tư giữ vàng phòng hộ chống lại lạm phát.
Vàng giao ngay tăng 1,5% lên 1.920,92 USD/ounce, tính chung cả tuần giá tăng 1,2%, tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 chốt phiên tăng 1,6% lên 1.926,20 USD.
Sau khi dừng các cuộc đàm phán với đảng Dân chủ về một gói viện trợ toàn diện trong đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi một dự luật cứu trợ gồm một gói cứu trợ cho ngành hàng không đang gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden ngay càng cách biệt khoảng cách dẫn đầu đã làm tăng triển vọng kích thích kinh tế hơn nữa, làm tăng sức hấp dẫn của vàng.
Lãi suất gần bằng 0 và các ngân hàng trung ương đang in tiền chưa từng có để giảm bớt tác động tới nền kinh tế từ đại dịch Covid-19 đã khiến giá vàng tăng 26% trong năm nay.
Đồng lên mức cao nhất 2 tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất 2 tuần sau khi các cuộc đàm phán về trợ cấp tài chính cho nền kinh tế Mỹ tái khởi động, USD giảm và các thợ mỏ đình công tại Chile, nhà sản xuất kim loại này hàng đầu thế giới.
Giá đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1,3% lên 6.768 USD/tấn. Giá trước đó đã tăng lên 6.781 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 22/9 và gần mức cao nhất 27 tháng đã đạt được trong tháng trước tại 6.877,5 USD.
Ông Trump cho biết các cuộc đàm phán với Quốc hội về gói cứu trợ tài chính bổ sung cho nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Covid-19 đã được khôi phục sau khi ông kết thúc đàm phán trước đó trong tuần này.
Liên đoàn công nhân tại mỏ đồng Candelaria của công ty khai thác Lundin Mining ở Chile đã nghỉ việc trong ngày 8/10 khi các cuộc đàm phán đổ vỡ.
USD giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần, khiến giá kim loại rẻ hơn cho người mua bằng đồng tiền khác, có thể hỗ trợ nhu cầu.
Thép và quặng sắt Trung Quốc tăng giá
Giá thép và thành phần sản xuất thép của Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần sau khi đóng cửa nghỉ lễ 8 ngày, trong phiên quặng sắt tăng hơn 5% do nguồn cung không chắc chắn và dự đoán nhu cầu tăng trong quý 4.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4,8% lên 830 CNY/tấn, trong phiên giá đã tăng khoảng 5,3% lên 834 CNY (124,22 USD)/tấn.
Thép thanh dùng trong xây dựng trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 2,3% lên 3.633 CNY/tấn.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc dự kiến vẫn tiếp tục phục hồi trong quý 4 trong khi các dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục hỗ trợ. Thép cuộn cán nóng tăng 2,3% lên 3.772 CNY/tấn.
Dự trữ quặng sắt ở các cảng Trung Quốc ở mức 122,65 triệu tấn tính tới ngày 30/9, tăng 2% so với tuần trước đó, theo số liệu của công ty SteelHome.
Thép không gỉ giao tháng 11 tăng 31,% lên 14.690 CNY/tấn.
Xuất khẩu quặng sắt từ cảng Hedland của Australia sang Trung Quốc trong tháng 9 giảm 1% so với tháng liền trước.
Cao su Nhật Bản cao nhất 5 tuần
Giá cao su Nhật Bản ở mức cao nhất 5 tuần do các nhà đầu tư tăng cường đặt cược Joe Biden sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và đưa ra các kích thích tài chính sau bầu cử, trong khi giá ở Thượng Hải vững cũng hỗ trợ.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch Osake (OSE) giao tháng 3/2021 đóng cửa tăng 3,3 JPY lên 194,7 JPY (1,84 USD)/kg, cao nhất kể từ ngày 3/9. Tính chung cả tuần giá cao su tăng 5,9%.
Cao su kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng 380 CNY lên 12.900 CNY (1.924 USD)/tấn khi các thị trường mở cửa sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng.
Đậu tương cao nhất kể từ năm 2018 do nguồn cung của Mỹ hạn hẹp
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago (CBOT) tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2018 sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tồn kho sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Giá ngô tăng lên mức cao nhất một năm, trong khi lúa mì giảm từ mức cao nhất 5 năm.
Trong báo cáo hàng tháng, USDA cắt giảm 37% dự báo tồn kho đậu tương cuối vụ ở trong nước xuống 290 triệu bushel, thấp hơn mức dự báo 369 triệu bushel của các nhà phân tích. USDA tăng 3,5% ước tính xuất khẩu đậu tương từ tháng 9 của Mỹ lên 2,2 tỷ bushel.
Đậu tương CBOT đóng cửa tăng 15-1/2 US cent lên 10,65 -1/2 USD/bushel và chạm mức cao nhất kể từ ngày 2/3/2018.
Lúa mì CBOT giảm 1-1/2 US cent xuống 5,93-3/4 USD/bushel. Ngô tăng 8 US cent lên 3,95 USD/bushel.
Đường thô tiếp tục tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 đóng cửa tăng 0,06 US cent hay 0,4% lên 14,23 US cent/lb.
Sản lượng đường tại Thái Lan, Nga và Liên minh Châu Âu giảm đồng thời dự kiến nhu cầu phục hồi sẽ dẫn tới thiếu hụt 2,2 triệu tấn đường trong niên vụ 2020/21, theo công ty phân tích và môi giới StoneX.
Thời tiết khô tại Brazil cũng hỗ trợ giá. Tổ chức Unica đã báo cáo về dấu hiệu sản lượng mía đang giảm. Trong khi đó Bộ Nông nghiệp Mỹ tăng dự báo tiêu thụ đường tại nước này.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,9 USD hay 0,2% xuống 384,9 USD/tấn.
Cà phê arabica tăng phiên thứ 4 liên tiếp
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 1,3 US cent hay 1,2% lên 1,1155 USD/lb, tiếp tục phục hồi sau khi xuống mức thấp nhất 2 tháng trong tuần trước. Arabica có được hỗ trợ từ lo lắng về thời tiết khô hạn tại Brazil.
Mưa được dự báo trong vài ngày tới nhưng vẫn phải xem có đủ để bổ sung độ ẩm cho đất hay không.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 9 USD hay 0,7% lên 1.260 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/10