MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 10/11: Giá dầu tăng, vàng cao nhất 2 tháng, sắt, thép và đồng lao dốc

10-11-2021 - 07:17 AM | Thị trường

Kết thúc phiên 9/11, giá vàng và đậu tương tăng mạnh, dầu cũng đi lên do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Trái lại, giá các kim loại, từ đồng tới sắt thép nhất loạt giảm. Thị trường chờ đợi dữ liệu về lạm phát của Mỹ, sẽ công bố vào cuối tuần này.

Dầu tăng do dự báo nhu cầu mạnh lên và nguồn cung khan hiếm

Giá dầu tăng lên mức cao nhất 2 tuần sau khi Mỹ dỡ bỏ những hạn chế đi lại trong giai đoạn chống Covid và một số dấu hiệu khác cho thấy sự hồi trên toàn cầu sau đại dịch làm gia tăng kỳ vọng về nhu cầu dầu, trong khi nguồn cung vẫn eo hẹp.

Kết thúc phiên, dầu Brent kỳ hạn tăng 1,35 USD, tương đương 1,6%, lên 84,78 USD/thùng, trong khi dầu thô Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 2,22 USD, tương đương 2,7%, lên 84,15 USD. Cả 2 loại dầu đều kết thúc phiên ở mức cao nhất kể từ ngày 26/10.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) hôm thứ Ba (9/11) dự báo giá xăng bán lẻ sẽ giảm trong vài tháng tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nếu giá xăng sẽ tăng mạnh thì chính quyền của ông Biden sẽ có động thái can thiệp, khả năng cao nhất là xuất kho dự trữ dầu mỏ chiến lược quốc gia.

Vàng cao nhất 2 tháng do USD giảm

Giá vàng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9 do USD yếu đi trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu về lạm phát của Mỹ, dự kiến sẽ công bố vào cuối tuần.

Giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên 1.828,74 USD/ounce, trước đó có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 3 tháng 9, là 1.831,10 đô la. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cũng tăng 0,2% lên 1.830,80 USD.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ - phiên này giảm 0,11% xuống 92,948, khiến cho vàng trở nên rẻ đối với những người mua vàng bằng các loại tiền tệ khác.

Phillip Streible, phụ trách mảng chiến lược thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, cho biết: “Các nhà đầu tư đang thận trọng khi giá vàng ở mức 1.830- 1.835 USD, vì hồi tháng 7 và 8 vàng đã không thể phá vỡ khoảng giá đó”.

Đồng giảm do lo ngại về cuộc khủng hoảng tài sản Trung Quốc

Giá đồng giảm khi thị trường lại dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc ngày càng sâu sắc sẽ làm hạn chế nhu cầu kim loại.

Kết thúc phiên, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,9% xuống 9.556 USD/tấn, đảo ngược hướng tăng 1,3% ở phiên liền trước.

Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa thuộc Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: "Trung Quốc hiện là một ẩn số lớn”. Lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ đồng và Trung Quốc là nước sử dụng kim loại này nhiều nhất thế giới.

Đậu tương tăng vọt

Giá đậu tương Mỹ tăng vọt trong phiên vừa qua sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ dự báo về sản lượng đậu tương của nước này, trái với dự đoán của các thương nhân là sản lượng sẽ tăng.

Trong báo cáo vừa công bố, USDA dự báo sản lượng đậu tương Mỹ vụ này sẽ ở mức 4,425 tỷ bushel, trong khi các nhà phân tích dự đoán là 4,484 tỷ bushel.

Kết thúc phiên, giá đậu tương trên sàn Chicaogo tăng 23-1/2 cent lên 12,12 USD/bushel.

Cũng trên sàn Chicago, giá ngô phiên này tăng thêm 3-1/4 cent lên 5,54-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì kết thúc ở mức 10-1/2 cent lên 7,78-1/2 USD/bushel.

Ở Châu Âu, giá lúa mì Nga tiếp tục tăng theo xu hướng giá trên Sàn giao dịch Paris do nhu cầu mạnh từ Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Lúa mì Nga hàm lượng 12,5% protein FOB Biển Đen kỳ hạn giao nửa cuối tháng 11 hiện là 326 USD/tấn, tăng 2 USD/tấn so với tuần trước. Doanh nghiệp quốc doanh GASC của Ai Cập đã mua 180.000 tấn lúa mì của Nga trong cuộc đấu thầu vào tuần trước để giao hàng vào tháng 12. Xuất khẩu lúa mì của Nga giảm 32% kể từ khi bắt đầu măm marketing 2021/22, ngày 1 tháng 7, do sản lượng giảm.

Đường dao động trái chiều

Giá đường quay đầu giảm trong phiên vừa qua, với đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,1% xuống 19,90 cent/lb, trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,3% lên 515,7 USD/tấn.

Dữ liệu về sản lượng mía và đường ở Trung - Nam Brazil, bao gồm nửa cuối tháng 10, dự kiến ​​sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Một cuộc khảo sát do S&P Global Platts thực hiện cho thấy kết quả là các nhà phân tích và các thương gia dự báo sản lượng đường trung bình của khu vực Trung - Nam Brazil  trong nửa cuối tháng 10 là 711.200 tấn, giảm 59% so với một năm trước đó.

Nhà môi giới Marex Spectron cho biết nhu cầu đường đang hồi phục sau khi giá đường và cước vận tải giảm gần đây.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica giao tháng 3 tăng 0,25% lên 2,0150 USD/lb vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trước đó cùng phiên có lúc giá giảm xuống mức thấp nhất kể từ 29/10, là 2,0145 USD. Những trận mưa gần đây sẽ giúp phục hồi vụ mùa cua Brazil trong năm tới, sau khi hạn hán và băng giá gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới vụ mùa hiện tại.

Giá cà phê robusta giao tháng 1 kết thúc phiên này tăng 0,3% lên 2.172 USD/tấn. Cuối tháng 10, cà phê robusta đã tăng lên mức cao nhất 4,5 năm, là 2.278 USD/tấn

Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2021/22 dự báo không đạt mức 29 triệu bao dự kiến trước đây do giá phân  bón tăng cao nên nhiều người trồng cà phê giảm chăm bón cho cây. Vụ 2021/22, sản lượng dự kiến đạt 31 triệu bao.

Cao su tăng nhờ lạc quan về dự luật cơ sở hạ tầng của Mỹ

Giá cao su giao dịch trên thị trường Nhật Bản tiếp tục tăng do tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ sau khi dự luật cơ sở hạ tầng được thông qua, giúp át đi tâm lý lo ngại về tăng trưởng giảm ở Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su hàng đầu thế giới.

Cao su kỳ hạn tháng 4 trên Sở giao dịch Osaka tăng 0,2 yên lên 221,5 yên (2,0 USD)/kg.

Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1 phiên này tăng 20 nhân dân tệ lên 13,925 nhân dân tệ (2,176 USD)/tấn. Trong khi đó, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Singapore giảm 0,5% xuống 169,0 US cent/kg.

Giá than giảm

Giá than trên thị trường Trung Quốc giảm do thông tin thời tiết xấu ở các tỉnh, thành miền Bắc nước này cản trở việc vận chuyển than.

Giá than cốc kỳ hạn tháng 1 trên sàn Đại Liên giảm 1,8% xuống 3.012,50 nhân dân tệ (470,85 USD)/tấn. Giá than luyện cốc phiên này cũng giảm 2,6%.

Sắt thép giảm

Giá quặng sắt giảm trong phiên vừa qua do lo ngại giá thép giảm. Cụ thể, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 1, giảm 1% xuống 561 nhân dân tệ/tấn, gần sát mức thấp nhất 12 tháng. Trong khi đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 12 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 2,1% xuống 90,20 USD/tấn.

Sản lượng thép Trung Quốc giảm kỷ lục trong năm nay do nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới này tìm cách hạn chế lượng khí thải carbon, khiến giá quặng sắt điều chỉnh đáng kể.

Thép thanh vằn xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải kết thúc phiên 9/11 cũng giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,1% và thép không gỉ giảm 1,9%.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 10/11:

Thị trường ngày 10/11: Giá dầu tăng, vàng cao nhất 2 tháng, sắt, thép và đồng lao dốc - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên